Dân chủ, thực chất

16/08/2012 09:27 GMT+7

Trong buổi thông báo về kết quả đại hội Đoàn điểm cấp tỉnh, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Đắc Vinh cho rằng các phiên đại hội đã được tổ chức dân chủ, thẳng thắn và đổi mới.

 Dân chủ, thực chất
Mục tiêu của Đại hội Đoàn các địa phương đều gắn với nhu cầu thiết thân của thanh niên như việc học, việc làm... Trong ảnh: tình nguyện viên hướng dẫn người lao động xin việc làm tại bến xe miền Tây trong chương trình “Tiếp sức người lao động” 2012 do Trung tâm Hướng nghiệp dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên (thuộc Thành đoàn TP.HCM) tổ chức - Ảnh: Bình Thanh

Tại các địa phương, đơn vị, đông đảo cán bộ, đoàn viên đã có nhiều ý kiến góp ý thẳng thắn, chỉ ra những điểm còn hạn chế của nhiệm kỳ, chủ động đề xuất phương hướng cho nhiệm kỳ tiếp theo, nâng cao chất lượng văn kiện lẫn nhân sự tham gia ban chấp hành khóa mới.

Gắn liền với nhu cầu địa phương

 

Đại hội tiết kiệm

Trước lo ngại về việc tổ chức đại hội hình thức, hoành tráng gây tốn kém, lãng phí tại các địa phương, anh Nguyễn Đắc Vinh khẳng định: Trung ương Đoàn đã có lưu ý tất cả các đơn vị về vấn đề này, làm sao đảm bảo vừa tiết kiệm, vừa trang trọng. Anh Vinh dẫn chứng đại hội điểm vừa tổ chức tại tỉnh Yên Bái vừa qua, các màn văn nghệ đều là “cây nhà lá vườn”. “Thanh niên địa phương tự bắt tay làm thì sẽ vừa tiết kiệm vừa đảm bảo sự sáng tạo, gần với thanh niên đồng thời chuyển tải được thông điệp của tổ chức Đoàn” - anh Vinh nhận định.

Từ ngày 16-7 đến 11-8, Trung ương Đoàn đã tổ chức thành công bốn đại hội Đoàn điểm cấp tỉnh đầu tiên tại Sóc Trăng, Yên Bái, Bến Tre và Đà Nẵng. Trong bốn đơn vị tổ chức đại hội điểm, Tỉnh đoàn Yên Bái, Bến Tre và Thành đoàn Đà Nẵng đã tổ chức bầu trực tiếp chức danh bí thư tại đại hội. Đây cũng là kỳ đại hội lần đầu tiên áp dụng phương thức bầu trực tiếp bí thư tại đại hội.

Anh Nguyễn Đắc Vinh cho biết tại các đại hội, ngoài mục tiêu chung của Đoàn, mỗi địa phương đều đặt ra mục tiêu riêng cho mình gắn với nhu cầu, vấn đề bức thiết tại địa phương đó. Ở Đà Nẵng là việc học, việc làm, thanh niên chậm tiến; ở Yên Bái là công tác phát triển Đoàn cơ sở... Anh Vinh khẳng định tại đại hội không còn việc đọc tham luận dài dòng mà tập trung cho việc thảo luận, để thanh niên đưa ra chính kiến, góp giải pháp phát triển phong trào tại địa phương. Nhờ đó, tại các tổ không khí thảo luận trở nên sôi nổi, thực chất hơn rất nhiều.

Ngoài ra, theo anh Vinh, trước đây việc bầu ban chấp hành khóa mới thường do ban chấp hành cũ giới thiệu “số tròn”, sau đó bổ sung ứng cử, đề cử khiến kết quả bầu thường nghiêng về “số tròn”. Còn hiện nay ban chấp hành luôn được chuẩn bị số dư, sau đó tiếp tục bổ sung ứng cử, đề cử, như vậy nâng tính cạnh tranh cao hơn trước nhiều, cơ hội sàng lọc, chọn lựa từ đại biểu cũng được mở rộng hơn, dân chủ hơn. Việc bầu bí thư trước đây thay vì do ban chấp hành bầu (thường chỉ 35-40 thành viên) thì giờ đây việc bầu trực tiếp tại đại hội có sự góp mặt, bỏ phiếu của 300-400 người.

“Như vậy thử thách rất lớn đặt ra là để trúng cử thủ lĩnh thanh niên phải được hàng trăm đại biểu từ nhiều thành phần, nhiều nơi khác nhau thừa nhận. Do đó, bước chuẩn bị trước đại hội cũng phải kỹ lưỡng và khách quan hơn”, anh Vinh phân tích đồng thời dẫn chứng kết quả các nhân sự được giới thiệu bầu trực tiếp bí thư tại đại hội điểm vừa qua đều trúng cử với số phiếu rất cao, trên 95%, trong đó riêng Đà Nẵng đạt tới 97,6%.

Trẻ hóa nhân sự

Tại đại hội lần này ban chấp hành khóa mới của các đơn vị có độ tuổi trẻ, bình quân dưới 31 tuổi, trong đó thấp nhất là Thành đoàn Đà Nẵng với độ tuổi ban chấp hành chỉ 29,6 tuổi.

Theo Bí thư thường trực Trung ương Đoàn Phan Văn Mãi, yêu cầu trẻ hóa không chỉ tới đại hội lần này mới đặt ra mà đó là cả sự chuẩn bị lâu dài, thường xuyên. “Kết quả trẻ hóa của đại hội lần này là cả sự chuẩn bị của nhiệm kỳ qua. Còn muốn cho nhiệm kỳ sau có đội ngũ cán bộ Đoàn trẻ, rõ ràng cần phải chuẩn bị từ bây giờ” - anh Mãi phân tích.

Theo đánh giá của Trung ương Đoàn, mặc dù năm nay đại hội Đoàn bốn cấp được tổ chức đồng thời trong một năm, tạo ra áp lực lớn cho Đoàn các cấp, tuy nhiên cũng nhờ thế đã tạo điều kiện tích cực cho cả hệ thống cấp ủy và Đoàn thanh niên dồn sức, toàn tâm chuẩn bị tốt đại hội.

Tuy nhiên anh Phan Văn Mãi thẳng thắn cho rằng các chương trình đại hội diễn ra dù đã có sự cải tiến nhưng vẫn còn khô cứng, thiếu sự trẻ trung, việc trình bày văn kiện đại hội còn dài, chưa xác thực, vẫn còn “bệnh lâu năm” kể lể, báo cáo thành tích. Ngoài ra, việc ứng cử, tự ứng cử tại đại hội thể hiện tính tự chịu trách nhiệm trong ban chấp hành chưa được cao. Đây là những vấn đề Trung ương Đoàn sẽ rút kinh nghiệm để đổi mới chương trình đại hội sao cho ngắn gọn, súc tích và khoa học, hiệu quả hơn.

Anh Mãi cho biết công tác giáo dục của Đoàn, phong trào Đoàn và xây dựng tổ chức Đoàn cơ sở, đội ngũ cán bộ Đoàn sẽ là ba vấn đề lớn được Trung ương Đoàn tập trung quan tâm triển khai thời gian tới, đặc biệt trong công tác chuẩn bị tiến tới Đại hội Đoàn toàn quốc vào cuối năm nay.

12 địa phương bầu bí thư Đoàn trực tiếp

Anh Đặng Quốc Toàn - trưởng ban tổ chức Trung ương Đoàn - cho biết tại kỳ đại hội lần này Trung ương Đoàn lên kế hoạch cho 11 địa phương, đơn vị áp dụng phương thức bầu trực tiếp chức danh bí thư tại đại hội. Ngoài ra, chấp thuận theo đề nghị của Tỉnh đoàn Hải Dương mới đây, Trung ương Đoàn quyết định nâng tổng số đơn vị bầu bí thư trực tiếp tại đại hội lên 12 tỉnh, thành đoàn.

* Cũng tại đại hội lần này, lần đầu tiên Đoàn áp dụng phương pháp kiểm phiếu bằng phần mềm. Theo đánh giá của Trung ương Đoàn, sau khi loại bỏ thao tác kiểm phiếu thủ công, thay bằng máy đã giúp nâng cao độ chính xác, rút ngắn thời gian kiểm phiếu hơn trước đây.

Theo Lâm Hoài / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.