Mắt đục pha lê thể

07/10/2012 03:40 GMT+7

* Mắt tôi bị đục pha lê thể và thoái hóa võng mạc. Bị như thế về lâu dài có mất thị lực không; có chữa trị được không? (giangnguyet@...)

- Pha lê thể (dịch kính) là một trong những thành phần của nhãn cầu, dạng keo, quánh, trong suốt, như tròng trắng trứng, cấu tạo bởi những sợi collagen. Pha lê thể có chức năng quang học, dẫn truyền ánh sáng và giữ mắt ở dạng hình cầu. Theo tuổi tác, pha lê thể bị hóa lỏng, những sợi collagen co rút tạo thành các khoang chứa dịch. Tại những điểm co cụm collagen, pha lê thể mất tính trong suốt làm bệnh nhân thấy các điểm đen lơ lửng trước mắt. Những người cận thị nặng thường gặp hiện tượng này sớm hơn. Thoái hóa pha lê thể do tuổi hoặc cận thị nếu không có tổn thương gây nguy cơ rách võng mạc thường lành tính và không cần điều trị gì. Một số trường hợp vẩn đục pha lê thể do viêm, xuất huyết, khối u, cần có những điều trị tương ứng.

Võng mạc là lớp vỏ trong cùng của nhãn cầu, cấu tạo bởi các thần kinh cảm thụ, tiếp nhận hình ảnh và truyền lên não bộ để xử lý. Thoái hóa võng mạc được dùng trong chuyên môn nhãn khoa để chỉ những tổn thương làm teo hắc võng mạc. Có một số dạng thoái hóa có thể dẫn đến bong võng mạc nếu không được điều trị kịp thời, ví dụ thoái hóa dậu. Những tổn thương không đe dọa thị lực thường không cần điều trị gì, nhưng cần tái khám định kỳ 6 tháng một lần.

TS-BS Trần Hải Yến

Câu hỏi xin gửi về địa chỉ tòa soạn Báo Thanh Niên hoặc chuabenh@thanhnien.com.vn

>> Phát minh mới cho bệnh nhân đục thủy tinh thể
>> Cảnh giác với đục thủy tinh thể ở trẻ em
>> Khi nào cần mổ đục thủy tinh thể?
>> Mổ đục thủy tinh thể cho người nghèo
>> Đục thủy tinh thể là nguyên nhân chính gây mù lòa
>> Vitamin C giúp ngừa bệnh đục thủy tinh thể
>> Ứng dụng kỹ thuật mới trong điều trị đục thủy tinh thể bẩm sinh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.