'Du lịch Việt' những điều tôi thấy

02/02/2013 10:09 GMT+7

Sau một tháng hè làm việc ở Hà Nội, tôi háo hức khám phá đất nước lần đầu tiên đặt chân đến. Các địa điểm như Châu thổ sông Mekong, Phố cổ Hội An, và Cố đô Huế được liệt kê ngay từ đầu. Rời Việt Nam, tôi mang theo những kỷ niệm đẹp và cả những cảm giác day dứt.

 
Theo Lydia, Việt Nam có nhiều địa danh hấp dẫn - Ảnh: tác giả cung cấp

Khác lạ ngọt ngào

Tại Hà Nội, một người bạn VN lôi tôi ra khỏi giường để ngồi trên chiếc Vespa của cô ấy lúc 5 giờ sáng. Cô đưa tôi đi ngắm bình minh Hồ Tây. Xong, chúng tôi thưởng thức món bánh cuốn nghe bảo chỉ phục vụ đến 7 giờ sáng.

Các buổi hừng đông khác, tôi thường tản bộ đến chợ hoa hoặc ngồi bên quán cà phê phố cổ chiêm nghiệm cảnh thành phố thức dậy. Tôi không thể quên những cầu thang sâu hun hút đằng sau một nhà hàng mà không phải du khách nào cũng có cơ hội phát hiện. Thường khách chỉ được dẫn xem những chỗ đẹp của thành phố hay nhà hàng.

Khi tôi bảo mình muốn uống bia với một bạn Tây Ban Nha mà tôi quen ở Hà Nội thì chủ nhà ngạc nhiên. Ở VN, một phụ nữ trẻ chưa cưới gần gũi với một đàn ông xa lạ là điều chưa mấy được chấp nhận.

 
Nguyễn Linh Hương - sinh viên năm 3, ĐH Exeter (Anh), giúp Lydia chuẩn bị bài chia sẻ kinh nghiệm báo chí ở Hà Nội. Ảnh: Mai Lan

Vì vậy, họ lên một kế hoạch: “Bình sẽ đi cùng cháu tối nay”. Bình là con trai mới 12 tuổi của chủ nhà. Tôi bảo chỉ sợ cậu ta không vui khi thấy chúng tôi trao đổi với các sinh viên nói tiếng Anh về một chương trình thạc sỹ báo chí ở Đan Mạch. Chủ nhà vẫn không thay đổi: “Hay là cháu có gì đó muốn giấu?”. Thế là tôi thua.

Du sao thì kiểu quan tâm mang tính gia đình ấy cũng đem đến cho tôi nhiều thuận lợi. Cuối tuần, mỗi khi rời nhà đi chơi, những người Việt tôi quen đều chu đáo lo toan cho tôi.

Đi đến đâu tôi cũng được bạn của họ chào đón và chăm sóc cẩn thận, dù ra Hạ Long hay lên Sa Pa với những ruộng bậc thang thấp thoáng sau các thung lũng.

Người Việt quanh tôi đều gây cho tôi cảm giác họ thực sự đáng tin, cởi mở, và thân thiện. Họ hào phóng cho tôi hàng núi lời khuyên khi tôi định đi dọc bờ biển hình chữ S xuất phát từ TP Hồ Chí Minh.

Kế hoạch đã lên rồi

Một trong những cảnh báo của bạn bè là không được lên bất cứ chiếc xe khách nào có kiểu thoắt đi thoắt dừng tùy hứng. “Chỉ để đón khách dọc đường. Hành khách bị nhồi cho đến khi không nhét được nữa thì thôi”.

Tốt nhất đặt qua một hãng lữ hành. Hàng loạt văn phòng du lịch tọa trên cùng một khu phố. Kiểu kinh doanh ấy, sau này tôi mới biết, hóa ra phổ biến ở VN.

Chủ hàng thường chào mời các sản phẩm và dịch vụ y chang nhà hàng bên cạnh. Như thế cũng có mặt tiện là dễ tìm. Tuy nhiên, tôi tự hỏi làm thế nào 17 hãng lữ hành nằm cách nhau chỉ một cánh cửa có thể tạo sự khác biệt để thu hút khách hàng.

Ở châu u, thường thì các cửa hàng phục vụ cùng một loại hàng hóa và dịch vụ không bao giờ nằm cạnh nhau như thế. Chúng ở khá xa nhau.

Còn ở đây, một người Việt lý giải: “Khi một cửa hàng giày bán được nhiều giày trên một phố thì phố ấy có thể đem lại may mắn cho những người bán giày khác”. Thật vậy sao? Buôn bán ở đây dễ vậy sao? Có một quy luật kinh doanh khác hẳn thông lệ sao?

Ngạc nhiên đầu tiên tôi thấy ở các cửa hàng san sát phục vụ cùng một đối tượng khách hàng là giá khác nhau. Tại các văn phòng du lịch lữ hành trên cùng một khu phố cũng vậy. Dù thế, đến cuối ngày, một người đàn ông gom tất cả khách nước ngoài mua vé ở các văn phòng lên một xe khách. Bất chấp mua vé khi nào, giá bao nhiêu.

Một cú sốc với tôi vốn quen sống trong môi trường tuân thủ luật và sự chính xác. Nhận ra vấn đề, nhóm chúng tôi chuyển sang đặt mua vé chiếc xe khách cuối cùng. Những vị khách nước ngoài nom cáu giận vì bị nhồi trên xe khách. Tôi nom thấy nhưng chẳng biết làm thế nào hơn. Kế hoạch đã lên rồi. Thôi, cứ thử xem.

Điều lạ nữa là nhiều người đi xe máy đội những mũ bảo hiểm không giống với bất cứ loại mũ bảo hiểm nào trên thế giới. Xe máy ở VN thuộc loại nhiều nhất trong số các quốc gia tôi đi qua.

Giao thông bao giờ cũng gắn chặt với du lịch. Cảnh đi lại ở đường phố VN khiến tôi thực sự cảm thấy nản và sợ hãi mặc dù tôi còn trẻ, thần kinh còn đủ vững để sẵn sàng ứng phó với những cú sốc.

Biết thế nào là hành khách

Thách thức tiếp theo là nguy cơ lên một xe đề luxury (sang trọng) có điều hòa và phòng vệ sinh hoạt động suốt 12 tiếng hành trình. Để khỏi phải đụng những xe đường dài sang trọng kiểu ấy, tôi đòi hãng lữ hành cho xem ảnh nội thất xe trước khi quyết định mua vé.

Thật may mắn, lần đầu tiên, tôi chọn được một xe đúng như nhà xe hứa. Một chuyến hành trình tương đối êm ái từ TP Hồ Chí Minh nhằm hướng Nha Trang. Tôi chỉ bị đánh thức khi xe đang chạy tốc độ cao bỗng phanh gấp.

 

Dẫu sao sau một ngày vượt qua những bức bối của các kiểu di chuyển không giống ai, mọi thứ lại trở nên ngọt ngào. Sự ngọt ngào của cảm xúc lẫn lộn giữa một bên là kiểu kinh doanh thực dụng, chộp giật, lối đi lại bất chấp luật lệ, với một bên là sự mến khách của người Việt.

Cái gì kia? Tôi thấy hai chiếc xe du lịch đâm nhau. Đầu xe chạy sau đâm vào đuôi xe chạy trước. Thái độ lạc quan của tôi tiêu biến khi một du khách Pháp trên xe bị tai nạn lên xe của tôi, anh ta vừa thoát chết trên chiếc xe có bốn người tử vong.

Anh người Pháp leo lên chiếc giường ở giữa xe. Nhân viên nhà xe bắt anh ra chiếc giường cuối xe. Vị khách Pháp từ chối. Hóa ra bạn đồng hành của anh vừa chết vì nằm ở cuối xe. “Xuống dưới đó nằm. Nếu không thì ra khỏi xe”, nhân viên nhà xe nạt.

Suốt lộ trình, tôi thấy hành khách bị đối xử như những món hàng. Họ không được cung cấp thông tin gì. Đến đâu rồi? Bao lâu nữa tới? Chạy qua các vùng miền nào? Tình hình thời tiết, xe cộ ra sao? Sức khỏe từng hành khách thế nào? Có ai cần giúp gì không? Những câu hỏi thông thường ấy càng chờ càng không thấy ai lên tiếng.

Du lịch đường bộ ở những nước mà tôi qua, các thông tin như thế là mặc định. Thông báo nhanh, ngắn gọn, âm lượng vừa đủ để khỏi quấy rầy sự yên tĩnh và riêng tư của mỗi người.

Trên chiếc xe du lịch mà chúng tôi đang tọa thì sao? Tài xế và phụ xe say sưa nghe nhạc. Họ mở âm lượng to hết cỡ. Các bản nhạc, bài hát với những giai điệu và tiết tấu không hiểu được là thể loại gì. Tôi cố mãi mà không sao chịu được vì không thể làm quen được với thứ nhạc đó.

Giống như chuyện đi lại, các dịch vụ khác cũng không biết đằng nào mà lần. Chúng tôi đặt vé thăm một danh thắng ở Huế. Một chuyến hải hành cả ngày trên dòng Hương Giang bao gồm cả bữa trưa.

Cuối cùng, chuyến tham quan bằng thuyền biến thành cú du ngoạn bằng xe khách trên đường bộ kéo dài hai tiếng. Chấm hết. Lại nữa, thông thường, sẽ có thông báo khi đợi đón ở khách sạn. Điều đó cũng không thấy xảy ra.

May mắn thay, chúng tôi luôn đến được đích nhờ những người bạn VN tốt bụng.

Nhân viên các khách sạn, nhà nghỉ thật dễ chịu. Họ tận tình đưa chúng tôi về phòng ngay sau khi xuống xe, giúp chúng tôi tìm đồ đạc thất lạc. Nói chung họ tạo nên bầu không khí ấm cúng như ở nhà. Sự thân thiện của họ thật tuyệt vời. Nhiều khi chúng tôi bị bối rối.

Có lần, một người cao niên đuổi theo chúng tôi trên đường phố Đà Nẵng. Ông muốn đưa chúng tôi đến đúng bến. Ông gõ cửa văn phòng chi nhánh hãng lữ hành mà chúng tôi đặt chuyến. Hôm ấy chủ nhật, văn phòng đóng cửa.

Nhưng, thật may, nhờ ông chúng tôi đã kịp lên chuyến xe khách duy nhất đi Hà Nội vào phút chót. Bạn tôi và tôi bỗng cảm thấy áy náy. “Đến khổ với những người phương tây các cô”, ông mỉm cười rồi bước đi.

Đáng trải nghiệm

Hiểu nhầm kiểu như thế thường xảy ra dọc hành trình. Nhưng phần lớn các màn rượt đuổi không đem đến kết cục dễ chịu.

Những người bám theo du khách trên phố để bán những thứ không ai cần. Chúng tôi luôn trả lời nhã nhặn “Không, cám ơn”. Nhưng dường như chỉ làm cho họ điên tiết, sưng sỉa.

Dường như không có một giây phút bình yên dạo phố mà không bị quấy rầy bởi những lời mời chào đi taxi, xe ôm. Cứ như thể du khách sang đây chỉ để lên xe và xích lô.

Cũng như nhiều người phương Tây khác, tôi chỉ thích tản bộ. Vì thế, tôi luôn cố gắng lờ đi một sự thật hiển hiện là hầu như không có lối cho bộ hành và hầu như không có mạng lưới giao thông công cộng nào làm việc hiệu quả. Lạ là mọi người cứ hồn nhiên sống với những cái bất tiện như thế.

Trở thành du khách ở VN là cái gì đó thực sự đáng để trải nghiệm. Đất nước này có nhiều địa danh hấp dẫn nhưng cũng phô bày những tương phản ngạc nhiên.

Sự phát triển của công nghiệp du lịch có lẽ vẫn ở giai đoạn sơ khai. VN có những danh thắng mê hồn. Nhưng thăm Vịnh Hạ Long, tôi không hiểu tại sao nơi tuyệt vời thế lại phải chịu đủ thứ ô nhiễm. Thản nhiên nhổ nước bọt. Thản nhiên hất rác xuống biển. Ném rác ở bất cứ chỗ nào mà chẳng hề bị phạt.

Ký ức của tôi về di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận này là túi nilon bồng bềnh trên sóng và chất thải từ những ngư phủ trên các cụm thuyền chài.

Tôi tranh thủ tìm hiểu thì thấy hệ thống văn bản phạt các hành vi vi phạm ở VN khá đầy đủ. Nhưng sao không thấy mấy ai bị phạt? Hay tôi không có may mắn chứng kiến?

Các thành phố VN có lẽ phải làm khác đi để có thể phơi lộ các nét đẹp văn hóa, tự nhiên, lịch sự ngay trên đường phố. Tất nhiên, cũng làm thế nào phô diễn cả sự khéo léo về ẩm thực độc đáo VN mà không gây hỗn loạn trên vỉa hè.

Sẽ không quên những món ăn tại một vùng ven sông ở Hội An trong lúc ngả mình trên những chiếc võng. Ở đó chúng tôi thoải mái hơn chút đỉnh khi đi dạo bằng xe đạp, khám phá bãi biển hoặc trung tâm thành phố với những khu chợ và đình đền đầy màu sắc. Những cơ hội như thế thật hiếm ở các đô thị khác của VN nhưng thật đáng để trải nghiệm.

Theo Lydia Ciesluk \ Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.