Sẽ sửa dự thảo quy chế lưu học sinh

20/12/2009 23:06 GMT+7

* Khó chuyển ngoại tệ Tại Hội nghị tổng kết công tác tuyển sinh và tập huấn cho lưu học sinh (LHS) diễn ngày 19.12, PV Thanh Niên có cuộc trao đổi với Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân xung quanh dự thảo quy chế LHS.

 * Trước những luồng dư luận xung quanh dự thảo quy chế LHS, xin Phó thủ tướng cho biết quan điểm của mình về vấn đề này ra sao?

- Theo quy định của Chính phủ, những văn bản mà các bộ chuẩn bị trình lên Chính phủ thì phải lấy ý kiến của các bộ, ngành khác và người dân. Việc Bộ GD-ĐT đăng dự thảo đó và lấy ý kiến người dân là hoàn toàn cần thiết. Trên nguyên tắc là phải có từ 45 - 60 ngày để lắng nghe dư luận. Tuy nhiên, nếu có điểm nào cần phải điều chỉnh ngay thì có thể ban soạn thảo sẽ cho đăng lại phương án mới trong quá trình làm để tiếp tục đóng góp chứ không nhất thiết phải chờ hết 60 ngày. Theo tôi biết là đang chuẩn bị có sơ kết sơ bộ để có thể có phương án chỉnh sửa. 

Trên nguyên tắc là phải có từ 45 - 60 ngày để lắng nghe dư luận. Tuy nhiên, nếu có điểm nào cần phải điều chỉnh ngay thì có thể ban soạn thảo sẽ cho đăng lại phương án mới trong quá trình làm để tiếp tục đóng góp chứ không nhất thiết phải chờ hết 60 ngày.

* Thưa Phó thủ tướng, một vấn đề rất được các LHS quan tâm là sự hỗ trợ của Chính phủ trong việc bảo vệ quyền lợi của LHS khi học tập và sinh sống ở nước ngoài. Vậy trong thời gian tới, Chính phủ có phương án gì mới trong vấn đề này không?

- Mỗi LHS Việt Nam đều rất quan tâm tới vấn đề ai sẽ là người giúp đỡ trong thời gian họ sinh sống và học tập ở nước ngoài. Thông thường ai cũng nghĩ chỉ đi du học theo diện Nhà nước thì mới được giúp đỡ. Xin khẳng định rằng Nhà nước luôn chăm lo, bảo vệ quyền lợi của tất cả LHS Việt Nam dù họ đi học bằng tiền của ai. Ở tất cả các nước thì đại sứ quán Việt Nam là cơ quan đại diện bảo vệ quyền lợi cho người Việt Nam đang học tập ở đấy.

Các LHS cần chủ động tiếp xúc với đại sứ quán để nếu có khó khăn có thể phối hợp để nhờ giúp đỡ ngay. Hiện Chính phủ đã quyết định tăng số lượng tùy viên giáo dục ở một số nước có đông LHS và chỗ nào chưa có thì đại sứ quán sẽ có người kiêm nhiệm.

Theo thống kê của Cục Đào tạo nước ngoài (Bộ GD-ĐT), năm 2009 có 1.097 ứng viên trúng tuyển và được cử đi học nước ngoài bằng ngân sách nhà nước. Cụ thể gồm: 740 tiến sĩ, 193 thạc sĩ, 3 thực tập sinh và 161 ĐH. Dự kiến năm 2010 sẽ tuyển sinh 1.000 ứng viên đi học tiến sĩ, 30 thạc sĩ, 30 thực tập sinh và 350 ĐH.

Bên cạnh đó, thời gian qua, trong nước có nhiều đơn vị làm dịch vụ môi giới hướng dẫn đi học nước ngoài nhưng Nhà nước chưa quản lý kỹ. Sắp tới đây các hoạt động này phải được đăng ký, hoạt động kinh doanh có liên quan đến giáo dục cũng phải chịu sự giám sát chung. Trên trục chung là Nhà nước phải làm thế nào để việc du học đạt hiệu quả cao nhất với người học và đất nước.

* Thưa Phó thủ tướng, sau khi về nước thì một trong những lo ngại của các LHS, nhất là những LHS đi học bằng tiền tự túc là vấn đề việc làm. Phó thủ tướng có ý kiến gì về việc này?

- Cục Đào tạo nước ngoài có nhiệm vụ hình thành trang web làm kênh thông tin để giải đáp các vấn đề về du học nước ngoài, những thông tin từ lúc chưa đi, trong quá trình đi và cả sau khi về nước để LHS có thông tin. Trước khi về nước, LHS có thể vào trang web của các bộ, ngành để biết thêm nhu cầu nhân lực trong nước. Cục Đào tạo nước ngoài sắp tới cũng sẽ có hướng cung cấp thông tin về việc làm trong nước cho LHS.

Khó chuyển ngoại tệ

Khi đi du học, ngoài điều kiện du học sinh phải có kiến thức thì việc chứng minh năng lực tài chính nhằm đảm bảo quá trình du học không gián đoạn cũng là điều rất cần thiết. Từ vài năm trở lại đây, một số ngân hàng thương mại đã triển khai dịch vụ du học trọn gói từ việc phối hợp với công ty tư vấn du học tìm trường đến chuyện chứng minh tài chính, chuyển tiền ra nước ngoài. Tuy nhiên, khó khăn mà các phụ huynh thường xuyên gặp phải vẫn là chuyện mua ngoại tệ.

Trong giai đoạn thị trường ngoại tệ căng thẳng như vừa qua, nhiều phụ huynh đã chạy đến nhiều ngân hàng để hỏi mua ngoại tệ thanh toán học phí, sinh hoạt phí cho con nhưng đều bị từ chối. Các ngân hàng đều đưa ra lý do không có ngoại tệ nên không đáp ứng bởi hiện nay không có quy định nào về việc bắt buộc ngân hàng phải bán ngoại tệ cho khách hàng. Các ngân hàng chỉ bán ngoại tệ cho khách hàng khi cân đối được nguồn ngoại tệ. Chính vì mất cân đối ngoại tệ mà có thời gian trong hệ thống ngân hàng tồn tại 2 tỷ giá (tỷ giá hằng ngày các ngân hàng niêm yết thường không giao dịch được mà ngân hàng và doanh nghiệp giao dịch với nhau bởi một tỷ giá thương lượng khác cao hơn tỷ giá niêm yết). Nhiều khi doanh nghiệp lại chấp nhận mức tỷ giá cao để kịp thanh toán tiền hàng nhập về. Còn người dân thường không chấp nhận mua ngoại tệ trong ngân hàng với giá cao hơn giá niêm yết, đồng thời ngân hàng cũng không dám bán ngoại tệ với mức giá cao hơn niêm yết cho người dân.

Trong thời gian qua, hệ thống ngân hàng đã không đáp ứng được nhu cầu ngoại tệ thanh toán tiền du học của các du học sinh. Nguồn ngoại tệ mà nhiều gia đình chuyển cho con em đi du học chủ yếu mua trên thị trường tự do rồi sau đó đem vào ngân hàng hợp thức chuyển ra nước ngoài thanh toán học phí, sinh hoạt phí. Thông thường các ngân hàng sẽ dựa vào các bảng thông báo học phí hay sinh hoạt phí rồi chuyển tiền. Tuy nhiên đối với lưu học sinh, khi không có thông báo học phí, sinh hoạt phí thì việc chuyển tiền qua hệ thống ngân hàng sẽ khó khăn hơn do không có chứng từ chứng minh.

Du học được xem như hình thức đầu tư chất xám. Do đó, thiết nghĩ Ngân hàng Nhà nước nên có quy định ưu tiên bán ngoại tệ cho mục đích du học.

Thanh Xuân

Tôi có ý kiến

* “Theo tôi, dự thảo quy chế quản lý công dân Việt Nam đang du học ở nước ngoài của Bộ GD-ĐT cần tách ra thành 2 đối tượng riêng biệt như: áp dụng quy chế này dành cho những đối tượng nhận được học bổng từ ngân sách nhà nước và không áp dụng với những đối tượng đi du học bằng nguồn tiền tự túc. Cụ thể, những đối tượng du học bằng ngân sách nhà nước sẽ phải thực hiện theo đúng quy chế mà Nhà nước ban hành. Những đối tượng đi học bằng nguồn kinh phí tự túc (kinh phí của gia đình, kinh phí của doanh nghiệp trong và ngoài nước, học bổng tự xin được...) có trách nhiệm hoàn thành tốt nghĩa vụ học tập đối với nơi đã cấp kinh phí cho họ và trách nhiệm ràng buộc nếu có khi họ nhận kinh phí du học. Những người du học bằng ngân sách nhà nước và tự túc đều phải tuân theo quy chế cấm lưu học sinh tham gia hoạt động của các hội hoặc tổ chức chính trị làm phương hại đến lợi ích của Nhà nước Việt Nam và các nước sở tại. Về việc đóng thuế và thời gian làm việc tại nước ngoài, đối với những sinh viên đi học bằng kinh phí tự túc: Khi họ làm việc tại nước ngoài, họ đã bị đánh thuế. Nếu dự thảo quy định nộp thuế lần nữa, thì sẽ vi phạm luật thuế - bắt nộp thuế 2 lần”. (Trần Thị Mai Hương - Giám đốc Trung tâm tư vấn du học AH Edu Links)

* “Điều 9 của dự thảo này liên quan tới việc ở lại công tác tại nước sở tại, trong điều này cũng không quy định rõ đối tượng điều chỉnh. Việc giới hạn 3 năm làm việc là không hợp lý. Bởi khi ký hợp đồng với các lưu học sinh, nhất là trong các ngành khoa học công nghệ cao, không ai muốn thuê một nhân viên tay nghề cao, mất rất nhiều công đào tạo và chuyển giao nhiều công nghệ để sau đó 3 năm thì nhân viên đó chuyển đi nơi khác. Đây là điều không một công ty nào mong muốn khi tìm kiếm một vị trí tay nghề cao dài hạn. Vì thế sẽ là một trở ngại cực lớn trong việc tiếp nhận các công nghệ kỹ năng từ nước ngoài”. (Trần Long - cựu du học sinh Pháp, hiện là kỹ sư xây dựng tại Canada)

Hà Ánh - Khánh An (ghi)

Hà Ánh (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.