Tản mạn bên trời xuân

15/12/2005 14:14 GMT+7

Chúng ta ai ai cũng canh cánh bên lòng nỗi lo đối với đất nước. Tại sao chúng ta không như Singapore, Thái Lan và có thể tại sao với bất cứ một nước Nam Á hay châu Mỹ La-tinh nào mà họ không có điều kiện thuận lợi về lịch sử, địa lý, tài nguyên và nguồn nhân lực bằng nước ta?

Bất kỳ người Việt Nam nào có chút ưu tư mà không tự ra câu hỏi với chính mình ? Tháng tiếp tháng, năm tiếp năm, thế hệ tiếp nối thế hệ, cha ông ta cũng từng đặt câu hỏi tương tự như vậy trước vận mệnh Tổ quốc. Có thể như cách nói của nhà thơ Chế Lan Viên: "Cha ông ta xưa từng đấm nát tay trước cửa cuộc đời/Cửa vẫn đóng và đời im ỉm khóa". Cửa đã từng đóng, đời từng khóa chặt nhưng cha ông chúng ta đã từng đấm nát tay để tìm một lối đi cho dân tộc mình. Trước là ước mơ về con đường giải phóng dân tộc, nay là ước mơ Tổ quốc phú cường.

Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng khi gặp cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu lần mới đây nhất đã có một cuộc đàm thoại lý thú. Ông Lý cho rằng nếu có vị trí số 1 ở Đông Nam Á thì đó phải là Việt Nam mới xứng đáng. Bởi vì so ra địa lý chính trị, lịch sử, tài nguyên, con người thì Việt Nam không thể xếp sau bất cứ nước nào trong khu vực. Ông khen do Việt Nam là một nước xã hội chủ nghĩa nên Nhà nước tập trung lo được cho người nghèo, còn Singapore những thế hệ trước không lo được cho những người nghèo làm ông rất ân hận, và bù lại, ông nói - chúng tôi đã cố gắng lo cho con em những người nghèo đó nay đều trở thành bác sĩ, kỹ sư.

Ông Koizumi, Thủ tướng Nhật Bản cũng đã từng nói với Thủ tướng Phan Văn Khải rằng vị trí của Việt Nam không chỉ ở tầm Đông Nam Á mà là trong phạm vi toàn châu Á.

Chúng ta không bao giờ tự ru ngủ mình. Chúng ta biết thu nhập bình quân tính trên đầu người (GDP) của Việt Nam hiện nay ở vào khoảng 540 USD, chưa bằng một phần ba các nước có thu nhập trung bình của thế giới, khoảng 1.920 USD/người (2003). Nhưng chúng ta hoàn toàn có khả năng chuyển đổi từ mức sống thấp của quá khứ và hiện tại sang mức sống cao trong một tương lai rất gần, nếu như chúng ta...

Không ai biết được rằng, cách nay 10 năm không dễ gì có mặt hàng nào của Việt Nam đạt con số trăm triệu USD, nay đến năm 2004 dầu thô đạt 5,6 tỉ USD, dệt may 4,319 tỉ USD, giày dép 2,6 tỉ USD, thủy sản 3,397 tỉ USD, điện tử - máy tính 1,077 tỉ USD, sản phẩm gỗ 1,054 tỉ USD... Đó là những con số rất có ý nghĩa đối với một nền kinh tế như Việt Nam.

Ta hoàn toàn có thể đạt được những con số thần kỳ về kinh tế không chỉ để thoát nghèo mà còn đưa nước ta trở thành một nước giàu. Mơ ước của muôn đời đó sẽ trở thành sự thật nếu như trước hết chúng ta biết tháo gỡ những ràng buộc do chính chúng ta tự tạo ra. Tôi nói một việc nhỏ mà Thủ tướng Phan Văn Khải phải than phiền trước hội nghị tư pháp toàn quốc vào đầu năm dương lịch 2005 rằng : Một cán bộ đi đăng ký kết hôn cho con mà mất chín lần đi lại và còn phải "lo lót" một cái gì đó. Một bộ trưởng muốn sửa giấy khai sinh cho cháu mất bảy lần lui tới.

Chúng ta đang hướng tới kỷ niệm 30 năm ngày thống nhất đất nước, lúc vị thế của đất nước đã khác với mọi thời kỳ trong quá khứ. 30 năm qua, căn bản ta có một chính quyền điều hành xuyên suốt trong hòa bình và ổn định, có những bước tiến lớn về đối ngoại. 30 năm trước, ngày 30.4.1975, ta kết thúc cuộc chiến tranh, tiến vào dinh lũy cuối cùng của chế độ cũ là Sài Gòn mà không có đổ nát. Trước sau như một ta nhớ lại : lòng dân là yếu tố quyết định tất cả.

Việt Nam có một vị trí được chú ý nhiều hơn trên trường quốc tế. Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ với tất cả các nước lớn và đoạn cuối là gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào cuối năm nay, 2005. Tất cả việc lớn chúng ta đều làm được, nhưng có những cái cụ thể lại tỏ ra e dè. Bình thường hóa quan hệ với Mỹ, nhưng ta lại chưa bình thường hóa hoàn toàn giữa những người Việt với nhau ở trong và ngoài nước. Phần việc đó, theo tôi không phải vì Nhà nước thiếu thiện chí, nhưng những giải pháp cụ thể mạnh mẽ cần thiết thì ta còn do dự. Khác hơn với nước láng giềng Trung Quốc, họ giải quyết rất rốt ráo việc này và Đại lễ đường nhân dân ở Bắc Kinh không chỉ tiếp các nhà lãnh đạo, các nhà ngoại giao, nhân dân các giới ở trong nước mà còn là nơi để tiếp kiều bào ở hải ngoại.

Tôi nói một chuyện khác, ví dụ vấn đề nhân quyền và tôn giáo. Nhân quyền thì có thể còn tranh cãi được, bởi vì quan niệm giữa nước này nước khác còn có cự ly và sự khác nhau. Nhưng dứt khoát rằng trong vấn đề nhân quyền, không nước nào có thể áp đặt ý muốn của mình buộc một dân tộc khác phải nhứt nhứt noi theo. Vấn đề tôn giáo thì đã quá rõ ràng. Ông Bradley S.O'Leary, một nhà báo nổi tiếng của Mỹ đã có mặt tại Việt Nam từ những năm đầu thập niên 60 nói rằng ở Việt Nam bây giờ tự do tôn giáo hơn là dưới thời đệ nhất và đệ nhị cộng hòa chế độ cũ. Ông Nguyễn Cao Kỳ, nguyên Phó tổng thống chế độ cũ khi đến thăm khu du lịch Bà Nà, thấy Nhà nước chung sức và kêu gọi cùng xây chùa với các nhà sư và tín đồ phật giáo đã nói với Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh rằng các ông đối xử với tôn giáo như vậy, sao cứ để cho ở bên ngoài người ta xướng lên cái chuyện "Việt Nam không có tự do tôn giáo". Ông cũng thấy lạ lùng. Một nhà báo lão thành trong nước là ông Trần Bạch Đằng đã nói rất thuyết phục về vấn đề tôn giáo khi gặp một nhà ngoại giao Tây phương: Ông xem Noel ở Mỹ hoặc các nước khác thường được người Công giáo và Tin lành quan tâm nhiều hơn là các giới khác, còn Noel ở Việt Nam thì dành cho mọi người, người không có đạo, người Cao Đài, người Phật giáo, người Hòa Hảo... Các ông cứ lên Tây Nguyên, vào TP.HCM xem thử người ta chơi Noel năm nay thì thấy ngay một sự thật hiển nhiên.

Thế nhưng khi vấn đề chính trị nhạy cảm ấy được một số thế lực bên ngoài cố thổi phồng lên xa lạ với tình hình tôn giáo ở Việt Nam, ta vẫn chưa làm gì để có tiếng nói thuyết phục tại những nước đó, nhất là ở châu u và Bắc Mỹ để làm rõ những thực tế này.

Tôi muốn nói đến các phương cách tiếp cận và cách hiểu của chúng ta đã tự làm hạn chế tiếng nói chính trực và đúng đắn của Việt Nam trước bạn bè xa gần.

Những việc như vậy lại rất ảnh hưởng đến sự phát triển toàn cục của đất nước.
Trước thềm xuân, tản mạn những chuyện như vậy, tôi cũng muốn góp thêm một ý trong muôn ngàn ý xuân của bà con, bạn bè. Thế giới đang ngày càng thu hẹp lại. "Trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường". Câu nói của người Việt Nam xưa nhưng nó có giá trị ở ngày hôm nay. Thời đại thông tin điện tử và truyền hình đã làm đảo lộn mọi suy nghĩ. Đó là thời đại mà ai nhận được thông tin và xử lý thông tin chính xác, sớm và thông minh hơn thì sẽ chiếm được ưu thế hơn, chứ không phải là né tránh nó.

Rút ngắn khoảng cách giữa nước này với nước khác, chạy đua với thời gian để dành những lợi thế về kinh tế, chính trị, xã hội để đuổi kịp chị, kịp anh, theo tôi, chính là từ những ý tưởng đó.

Nguyễn Công Khế
(Thanh Niên Xuân Ất Dậu 2005)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.