Người của những “kỷ lục âm nhạc VN”

13/12/2007 00:45 GMT+7

Là con trưởng của cây đại thụ âm nhạc Trần Văn Khê, GS.TS Trần Quang Hải cũng nổi tiếng trong giới Dân tộc nhạc học quốc tế không kém thân phụ.

GS.TS Trần Quang Hải sinh năm 1944 tại tỉnh Gia Định (nay thuộc TP.HCM), từng học Trường trung học Petrus Ký, tốt nghiệp Trường Quốc gia m nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn môn violon. Được cha đưa sang Pháp từ năm 1961, học nhạc tại Đại học Sorbonne và học Dân tộc nhạc học tại Trường Cao đẳng khoa học xã hội (Ecole des Hautes Etudes en Sciences Sociales). Ông làm việc cho Trung tâm Quốc gia nghiên cứu khoa học (CNRS) tại Bảo tàng Con người (Paris, Pháp) từ năm 1968 cho đến nay...


GS.TS Trần Quang Hải biểu diễn cùng lúc 3 chiếc kèn môi - ảnh:  H.Đ.N

Nếu xét về "kỷ lục Việt Nam" như trào lưu hiện đang diễn ra rầm rộ thì GS.TS Trần Quang Hải có thể đạt "hơi bị nhiều" những Guinness Việt Nam: là nhạc sĩ Việt Nam duy nhất đã trình diễn hơn 3.000 buổi giới thiệu nhạc Việt tại 65 quốc gia trên thế giới (bắt đầu từ năm 1966), 1.500 buổi cho học sinh các trường trung học ở châu u, giảng dạy tại hơn 120 trường đại học trên thế giới, tham dự hơn 130 liên hoan âm nhạc quốc tế, sáng tạo ra lối hát Đồng song thanh (hiện trên thế giới có khoảng 8.000 người theo học lối hát này). Ông cũng là hội viên của 20 Hội nghiên cứu nhạc học quốc tế (Pháp, Mỹ, Anh, Thụy Sĩ, Nga, Áo, Canada, Việt Nam...), tiểu sử của Trần Quang Hải được in trong Who's Who và 24 ấn phẩm của Anh, Pháp, Mỹ, Thụy Sĩ, Canada...

Con người của những "kỷ lục âm nhạc" này lại hết sức gần gũi và giản dị. Ông tiếp chúng tôi tại phòng khách của Elios Hotel (TP.HCM): áo pull, quần jean - ông lôi trong chiếc túi nhỏ vẫn kè kè bên mình ra đủ thứ "đồ chơi", nhiều nhất là kèn môi, đủ loại của các dân tộc Jarai, Mèo (Việt Nam), Di (Trung Quốc), Afghanistan,... thậm chí ông còn dùng thẻ điện thoại (phone card) hoặc bất cứ miếng plastic nào đưa lên miệng cũng thành nhạc cụ. Ông còn lôi ra 3 chiếc muỗng inox "Đi đâu rồi cũng không sợ đói" - pha trò như thế nhưng rồi những chiếc muỗng bật ra tiết tấu, từ tiết tấu thành những giai điệu đầy phấn khích. Ông gõ muỗng bằng 2 rồi 3 - 5 ngón tay, gõ lên mu bàn tay, kéo dài trượt theo cánh tay, trên đùi, trên vai, cổ rồi gõ vào răng... Những chiếc muỗng gõ vào chỗ nào thì nơi ấy vang lên những tiết tấu rộn ràng, vui tai. Ông tiết lộ tại Đại hội liên hoan dân nhạc tổ chức ở Anh năm 1967, ông từng được tôn là "Vua muỗng"...

*Thế còn lối hát Đồng song thanh là thế nào?

- Bắt đầu từ kỹ thuật hát của một số bộ tộc Mông Cổ, cũng như nghe các nhà sư phái Mật tông ở Tây Tạng dùng nội công tụng kinh, giọng trầm đều đều nhưng nghe rất lớn. Tôi đã nghiên cứu và tập luyện kết hợp giữa võ thuật (Vovinam) với Thiền (Nhật), Yoga (Ấn Độ), Thái cực quyền, khí công (Trung Quốc). Đồng song thanh là hát một lúc 2 thanh (hát trên nền thanh trầm): thanh trầm lúc nào cũng ở cùng một cao độ còn những bồi âm sẽ tạo thành tiết tấu, ca khúc. Khi hát, ta vận nội công khiến các cơ bụng, cơ quai hàm... căng cứng rồi nuốt thanh trầm xuống và búng bồi âm thoát ra cửa miệng (bế hô hấp đường mũi). Phương pháp này còn giúp trị bệnh cho người bị đứt dây thanh quản. Người tập luyện thuần thục có thể biểu diễn nói giọng trầm mà không sợ hư giọng. (Ông biểu diễn hát Đồng song thanh các bài Cò lả (dân ca VN), Khúc giao hưởng số 9 của Beethoven - hát hết bài chỉ trong một hơi. Ông bảo mình có thể thổi ra mà không hít vào với kỷ lục 1 phút 20 giây, ông thổi vào tay tôi để chứng minh).

* Người yêu âm nhạc không thể không nhắc đến hiền thê của ông: ca sĩ Bạch Yến với ca khúc Đêm đông bất hủ. Vì sao có mối lương duyên này và người ấy ảnh hưởng đến ông như thế nào ?

 - Bạch Yến đi hát từ năm 1957, và chỉ 1 năm sau đã vang danh với ca khúc Đêm đông của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương. Năm 1961, khi rời Việt Nam qua Pháp hát nhạc Tây, tôi đã gặp cô ấy tại đây nhưng thú thật lúc đó tôi chỉ là một anh sinh viên nghèo nào dám tơ tưởng đến một người nổi tiếng như nàng. Năm 1965, Bạch Yến chuyển sang sinh sống ở Mỹ cho đến năm 1978 lại trở về Pháp và chúng tôi tái ngộ. Lúc này thì tôi cũng đã... nổi tiếng, nên mạnh dạn hỏi: "Em có... rảnh không ?", nàng hỏi ngược lại: "Thế anh có rảnh không?". Vậy đó, cả hai cùng "rảnh" nên "góp gạo ăn chung". Từ trước, tôi chỉ biết thuyết trình và biểu diễn, chưa hề biết cách tổ chức. Từ khi có Bạch Yến, với kinh nghiệm biểu diễn của mình, cô ấy đã giúp tôi sắp xếp lịch diễn, sân khấu, phục trang và thậm chí cả dung nhan nữa. Bạch Yến vừa tổ chức show kỷ niệm 50 năm ca hát của mình tại quận Cam (California, Mỹ) vào tháng 2 và ở Pháp tháng 10 vừa rồi.

Hà Đình Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.