Chọn thớt theo nhu cầu

13/12/2009 11:41 GMT+7

(TNTT>) Với nhiều chất liệu mới, thớt không chỉ dùng để cắt các loại thức ăn mà còn dùng để cán bột, cuộn nem và có tính diệt khuẩn…

Thị trường thớt hiện nay khá phong phú các mẫu mã sản phẩm, dựa trên chất liệu có thể chia làm ba loại gồm thớt nhựa, thớt gỗ và thớt thủy tinh. Tùy theo nhu cầu sử dụng mà khách hàng có thể chọn cho gia đình một vài sản phẩm phù hợp.

Thớt gỗ

Thớt gỗ luôn là mặt hàng đa dạng nhất về chủng loại và mẫu mã. Trên thị trường, các loại thớt gỗ thường được sản xuất chính từ gỗ nghiến, gỗ xà cừ và gỗ cao su. Thớt gỗ cao su khá mỏng, bề dày của thớt chỉ từ 1-1,8cm với nhiều hình dáng tròn, oval, hình chữ nhật, có loại có khoen sắt và không có khoen sắt. Kích thước của thước khá nhỏ: 22 x 1cm đối với hình tròn, 28 x 20 x 1,5cm đối với hình oval và hình chữ nhật là 30 x 20 x 1,8cm, lớn nhất là 34 x 22 x 3,3cm. Giá của sản phẩm dao động từ 16.000 - 68.000đ, chủ yếu được sử dụng để cắt trái cây. Thớt gỗ xà cừ dày hơn, bề dày của thớt từ 2,2- 3cm, giá dao động trong khoảng 17.000- 30.000đ, chủ yếu được dùng để cắt đồ chín. Được quan tâm nhiều nhất trong các loại thớt gỗ là thớt được làm từ gỗ nghiến. Thớt dày, nặng, dai và khi chặt không bị nảy, nứt hay mòn dao nhưng loại gỗ này không phổ biến nên giá thớt tương đối cao, với độ dày 4- 12cm, đường kính 25-60cm giá dao động trong khoảng 250.000- 600.000đ. Theo kinh nghiệm chọn mua thớt gỗ nghiến của những người bán hàng, thớt hình tròn sẽ có độ bền hơn hình chữ nhật. Tốt nhất, khi mua thớt về nên ngâm nước muối ba ngày sau đó phơi nắng ba ngày để thớt bền và không bị mủn.

Thớt nhựa

Trước đây, loại thớt nhựa trắng, mỏng của Trung Quốc có giá dao động trong khoảng 7.000- 15.000đ tùy kích cỡ được bày bán khá nhiều ở các chợ và siêu thị. Nhưng theo người tiêu dùng, loại thớt này không bền, nhanh bị đen, chứa nhiều vi khuẩn nên không còn được ưa chuộng. Gần đây, một sản phẩm thớt nhựa khác hướng vào tính năng an toàn khi sử dụng như thớt siêu sạch Neoflam của Hàn Quốc được người tiêu dùng quan tâm. Được chế tạo từ chất diệt khuẩn microban trộn lẫn với hạt nhựa PP và TPE giúp phá vỡ cấu trúc tế bào vi khuẩn, ngăn chặn các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Bề mặt thớt khá rộng 36,8 x 25,4cm, 29,2 x 20,3cm thích hợp để cắt đồ chín và hoa quả, giá từ 98.000 - 159.000đ.

Cao cấp nhất trong các loại thớt là sản phẩm thớt nhựa an toàn chống khuẩn Silit có xuất xứ từ Đức, với thiết kế bề mặt chống trượt an toàn, có tay cầm thuận lợi, có thể sử dụng cả hai mặt. Sản phẩm có hai loại hình tròn và hình chữ nhật. Do có chức năng chống khuẩn nên giá sản phẩm khá cao, dao động từ 370.000- 750.000đ/sản phẩm.

Thớt thủy tinh

Được đánh giá là dụng cụ nhà bếp tiện dụng với tính năng chịu nhiệt cao, không trầy xước, bề mặt láng mịn, thớt thủy tinh ngoài công dụng để cắt thức ăn chín, trái cây còn được dùng để cán bột, cuộn nem... Kích thước chủ yếu của sản phẩm này là 25 x 35 x 0,5cm và 30 x 40 x 0,5cm, giá dao động từ 38.000- 80.000đ. Loại thớt này không thích hợp để chặt vì bề mặt thủy tinh khi va chạm vào dao sẽ gây ra tiếng kêu rất chói tai. Chất lượng thớt không phụ thuộc vào độ dày, mỏng mà phụ thuộc vào độ chịu lực của thủy tinh làm bề mặt thớt. Có thể tìm thấy các sản phẩm ở chợ và hệ thống siêu thị.trên toàn quốc.

Hiền Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.