Có phải bố không yêu con?

16/06/2013 15:15 GMT+7

(TNO) Có những lúc bố cư xử cứ như bố không yêu con, nhưng một chuyên gia tâm lý cho rằng đó là lúc bố thể hiện tình yêu với con theo cách của riêng mình.

(TNO) Có những lúc bố cư xử cứ như bố không yêu con, nhưng một chuyên gia tâm lý tại Mỹ cho rằng đó là lúc bố thể hiện tình yêu với con theo cách của riêng mình, theo tạp chí Parenting ngày 15.6.

Khi chăm sóc con, bố và mẹ cư xử rất khác nhau. Mẹ thì hẳn nhiên là yêu con rồi, hằng ngày mẹ vẫn nói với con như vậy mà. Vậy thì chẳng nhẽ bố lại không yêu con?

Tiến sĩ Kyle Pruett, giáo sư chuyên ngành Tâm lý nhi tại Trường đại học Yale (Mỹ) phân tích một số quan điểm sống khiến bố cư xử khác mẹ khi chăm sóc đứa con bé bỏng.

Cần phải đón nhận thử thách

Đứa con 3 tuổi leo lên một chiếc ghế chênh vênh để với lấy món đồ chơi đặt trên tủ cao. Mẹ ngay lập tức chạy ngay tới và kéo con xuống. Bố thì đến gần, quan sát và đợi một lát sau mới ôm con xuống.

Bố không yêu con? Không hẳn thế, theo tiến sĩ Pruett.

Người mẹ về mặt bản năng luôn muốn bảo vệ con. Điều này đã hình thành từ khi mẹ mang thai đứa con trong bụng. Do vậy, các bà mẹ sẵn sàng từ bỏ bất kỳ hành vi nào có thể gây nguy hiểm cho con, dù nguy cơ ấy rất thấp.

Trong khi ấy, bố lại có quan điểm khác mẹ. Bố nghĩ con dù còn nhỏ tuổi nhưng cũng cần phải thử những điều mới lạ. Đó là cách bố chuẩn bị cho con để đối mặt với một thế giới rộng lớn thật sự bên ngoài.

Bố muốn để cho con cảm nhận về sự thăng bằng và học cách giữ thăng bằng trước khi ôm con rời khỏi nơi có thể gây nguy hiểm cho con.


Bố muốn dạy con cách đối mặt với một thế giới rộng lớn - Ảnh: Shutterstock

Nếu trẻ không thử nghiệm những hành vi vận động mạo hiểm, trẻ sẽ trở nên quá thận trọng và sẽ không sẵn lòng học hỏi những kỹ năng trẻ chưa nắm vững. Bạn phải ngã để học được cách điều khiển chiếc xe đạp, tiến sĩ Pruett nhận định.

Không chú ý đến tiểu tiết

Bố/mẹ giúp đứa con nhỏ mặc quần áo. Mẹ giúp con chọn quần áo và mặc vào nhanh chóng. Trong khi đó, nếu là bố, nhiều khả năng hai bố con sẽ vừa cười đùa vừa mặc quần áo. Rất có thể bố sẽ cho con mặc lộn ngược, áo và quần có thể không phải là cùng một bộ.

Bố không yêu con? Không phải vậy! Mẹ luôn cảm thấy mình có trách nhiệm chăm sóc con một cách hoàn hảo, cái áo này phải mặc cùng với chiếc quần này. Trong khi đó, bố không chú ý đến những điều nhỏ nhặt, miễn là con được mặc ấm và vui vẻ.

Nhiều khi, để trẻ làm theo ý mình, một chút hài hước và những trò đùa ngốc nghếch có vẻ lại hiệu quả hơn cả, theo tiến sĩ Pruett.

Để con học cách tự đối mặt với khó khăn

Bố/mẹ đang tắm thì đứa con bé bỏng đang ngồi chơi trong cũi đột nhiên khóc.

Mẹ sẽ ngay lập tức ngừng tắm và lao vào bế con lên dỗ dành.

Nếu là bố, bố sẽ bước ra xem có gì làm con khó chịu hay không. Nếu mọi thứ đều ổn, bố sẽ bảo con rằng: “Bố tắm gần xong rồi nhé, bố sẽ bế con lên ngay”. Sau đó, bố sẽ quay vào tắm cho xong.

Bố không yêu con? Không hẳn thế. Có vẻ như bố không quan tâm đến con. Nhưng thực ra, bố cũng quan tâm đến con cũng như mẹ quan tâm đến con vậy, có điều bố không bao giờ nói ra điều đó.

Bố chỉ muốn con học cách tự đối mặt với khó khăn, miễn là bố biết con vẫn ổn. Điều này sẽ tốt hơn cho trẻ, theo tiến sĩ Pruett.

Không quan trọng hóa vấn đề

Đã đến giờ tắm nhưng con không muốn tắm. Mẹ sẽ ôm lấy con vào phòng tắm và mặc cho con gào thét, mẹ sẽ tắm con cho đến khi người con thơm nức và sạch sẽ.

Nếu là bố, bố sẽ hỏi con: ”Bây giờ con muốn chạy đuổi bắt bố mấy vòng nữa thì vào tắm đây?”. Và có thể tắm muộn một chút theo thời khóa biểu mẹ đặt ra, nhưng con sẽ tắm.

Bố không yêu con? Không hẳn thế. Mẹ hành động như trên là vì mẹ nghĩ: Nếu con yêu mẹ, con phải làm điều mẹ muốn vì điều đó tốt cho con. Vì thế, cho dù con có muốn hay không, đến giờ tắm thì con phải tắm.

Trong khi đó, bố lại rất ngại đối mặt với những trận chiến đầy nước mắt. Bố nghĩ, không nhất thiết mọi việc đều phải là trận chiến sống còn, miễn sao con tắm là được, không nhất thiết phải đúng giờ.

Đôi khi, có những việc cần linh hoạt một chút để giải quyết vấn đề, theo tiến sĩ Pruett. Và các bà mẹ có thể học hỏi cách này để việc chăm sóc con cái hằng ngày không còn đầy nước mắt, mà lại tốt hơn cho con về lâu dài.

Vậy đó, bố cũng yêu con đấy chứ!

Đức Trí

>> Hai cha con nhà Smith "trở về Trái đất
>> Tình cha con cảm động của voi ma mút
>> Cha, con và ảnh báo chí
>> Hai cha con nghệ sĩ làm phim hài

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.