Chúng ta bia rượu và hút thuốc nhiều quá

12/02/2014 14:10 GMT+7

Tôi nhớ một kênh tivi có chiếu một đoạn phim trong đó rất nhiều loài động vật ăn thỏa thuê một loại quả chín có tác dụng như rượu để có thể say quắt cần câu và ngủ mê mệt. Trạng thái say của các loài vật thật đáng yêu: say xong là ngủ và ngủ, hiền lành và sảng khoái.

 
Chúng ta bia rượu và hút xách nhiều quá - Ảnh minh họa: Shutterstock

Nhu cầu say là nhu cầu có thật

Như vậy, nhu cầu say xỉn là nhu cầu có thật, chính đáng và phổ biến của nhiều loài động vật, trong đó có con người. Nhưng nếu như các con vật chỉ biết chờ thứ trái cây kia chín, chờ những con voi rung cho quả rụng xuống rồi tận hưởng, thì con người với trí thông minh cao hơn, đã tìm ra cách chủ động để được say xỉn nhiều hơn, thường xuyên hơn và cả tệ hại hơn. Chúng ta say và làm cho nhau say. Chúng ta mời gọi, khuyến khích, dụ dỗ, kể cả lừa cho nhau say nhiều hơn.

Thực ra, cảm giác say (bia rượu, thuốc lá…) cũng có tác dụng tích cực đối với cơ thể. Trong chừng mực nhất định, chúng kích thích ăn ngon hoặc tập trung trí não. Nhưng chúng cũng là chất gây nghiện, càng ngày cơ thể sẽ càng đòi hỏi nhiều hơn mới có tác dụng. Chưa kể tác dụng ngoài mong muốn nhiều hơn và nguy hại hơn.

Và nhu cầu tàn phá thể lực cũng có thật

Trong con người, thì người Việt là tiêu thụ bia rượu vào hạng khá cao. Chúng ta cũng rất ưa hút thuốc lá. Hay nói chung chúng ta chăm chỉ tàn phá thể lực và ý thức, những thứ chúng ta vốn không được dồi dào cho lắm…

Dân ta nhậu nhẹt nhiều quá, đó là điều không thể phủ nhận. Cứ nhìn các nhà hàng quán xá ở các thành phố thị xã hoặc giỗ chạp cưới hỏi ở thôn quê thì biết dân ta tiêu thụ bia rượu cỡ nào. Chiều chiều, thay vì về nhà cơm nước với gia đình, không ít đàn ông chọn quán xá làm nơi tiêu khiển. Đám xá thay vì một ly hai chung vừa đủ vui thì chúng ta ép nhau tới ói ra mới chịu. Lý do nhậu thì: vui, buồn, thất nghiệp, tăng lương tiến chức, chúc mừng vợ đẻ, bố vợ qua đời v.v và v.v. Và chưa say chưa về.

Tôi rất hiếm khi thấy một người nào uống bia rượu mà chưa say đã ngừng. Cũng như ít thấy ai đủ bản lĩnh từ chối những lời mời lẫn ép của bạn nhậu. Mà rượu vào thì khói thuốc ra. Kết quả là nếu chưa qua đời vì tai nạn giao thông thì ung thư ngày ngày đến đón.

Người ta mời nhau, ép nhau, thách đố nhau uống nhiều bia rượu cũng bởi bia rượu khá rẻ. Dù so với mặt bằng thu nhập chung thì giá một lon bia khá đắt nhưng theo các bợm nhậu vẫn là chấp nhận được để đổi lấy cảm giác lâng lâng hưng phấn khiến quên đời.

Hệ lụy của việc say xỉn ai cũng biết là quá nhiều và hết sức nặng nề. Hầu hết các vụ tai nạn giao thông đều có nguyên nhân liên quan đến bia  rượu. Trật tự an ninh từ gia đình đến xã hội bị xâm phạm cũng có liên quan rượu bia.

Không khốc liệt như vậy thì một buổi nhậu xong cũng mất một buổi để hết say, thế là mất một buổi làm. Buổi làm sau đó năng suất làm việc không thể cao được. 

Bộ Tài chính vừa trình chính phủ dự thảo luật sửa đổi, bổ sung thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu bia và thuốc lá. Tôi - với tư cách một người tiêu dùng các mặt hàng này - vẫn hết sức ủng hộ.

Tôi nghĩ tăng 65% chứ tăng nữa, 200%, tôi vẫn ủng hộ.

Doanh nghiệp cần quan tâm lợi ích của xã hội và người tiêu dùng.

Việc tăng thuế Tiêu thụ đặc biệt có thể ảnh hưởng tới quyền lợi của các doanh nghiệp hoạt động liên quan với các mặt hàng này, và đằng sau đó là đời sống của nhiều người lao động. Nhưng thiết nghĩ quyền lợi của cộng đồng và xã hội nói chung cần được đặt lên trên.

Doanh nghiệp có cảm thấy áy náy khi doanh số cao, lợi nhuận nhiều mà không ít khách hàng của mình suy yếu về thể chất lẫn tinh thần? Chả lẽ lại bán thật nhiều rượu bia với thuốc lá, khuyến khích người tiêu dùng tàn phá sức khỏe, rồi lại dùng tiền đó đi làm từ thiện?

Việc tăng thuế dẫn đến tăng giá. Nhưng tôi tin người ta vẫn uống bia cũng như hút thuốc, có điều, người ta sẽ cân nhắc kỹ hơn một chút, sẽ nhớ đến túi tiền và gia đình hơn một chút. Có thể, thay vì uống đến say bí tỉ quên trời đất, họ sẽ uống vừa đủ sức. Có thể, thay vì hút 20 điếu thuốc một ngày, họ sẽ bớt lại một nửa. Có thể bớt vui nhưng sẽ an toàn và khỏe mạnh hơn. Có thể bệnh ung thư sẽ chậm bước hơn. Có thể đường phố sẽ bớt người loạng choạng vì bia rượu hơn…

Tất cả chỉ là “có thể”, trong đó “hy vọng nhiều hơn” cũng là một “có thể”.

Phạm Quy*

(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, là thợ thủ công, blogger sống và làm việc tại TP.HCM

>> Uống rượu rẻ tiền, 37 người ở Ấn Độ thiệt mạng
>> Thời điểm thích hợp nhất để uống rượu vang
>> Hút thuốc + uống rượu = suy giảm nhận thức nhanh hơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.