Những ông chồng "nữ tính"

19/12/2005 12:13 GMT+7

Đàn ông luôn được xem là trụ cột trong gia đình, là chỗ dựa vững chắc về mặt tinh thần cho vợ con. Thế nhưng, một khi người chồng lại tính toán vụn vặt, chi li như... đàn bà thì người vợ sẽ cảm thấy như thế nào?

Quá kỹ tính

T. là con gái một, từ nhỏ đã được mẹ nuông chiều vì vậy mà cách sống của cô có hơi luộm thuộm một chút. Khi cưới P. là một ông chồng kỹ tính, T. xem như một sự bù trừ. Nhưng điều đáng nói ở đây là sự kỹ tính hơi quá đáng của ông chồng làm cô cảm thấy bực mình. Hễ đi làm về là P. sà ngay vào bếp, hết dọn cái này rồi đến lau chùi cái kia. Bạn bè nhiều đứa bảo chị có phước, gặp được ông chồng chu đáo, nhưng có mấy ai biết chị đã mấy lần bị ê mặt vì cái sự kỹ tính của chồng mình. Trước đây, bạn bè thường xuyên lui tới nhưng cứ bị anh ta ca cẩm mãi điệp khúc “nhà mới lau vui lòng bỏ dép bên ngoài”. Thay vì ngồi trò chuyện thân mật, anh cứ lăng xăng đi lau lại vết chân dơ mà khách đã lỡ in trên nền gạch bóng loáng, hoặc gom giày dép của họ bỏ vào “đúng nơi quy định”, làm nhiều người tỏ ra ái ngại, không ai còn dám đến lần thứ hai.

Riết rồi chị đâm ra bực mình, góp ý thì anh nào có chịu nghe nên nhiều lúc chị có cảm giác như nhà mình đang thừa một người phụ nữ.

Chi li tính toán

Q. lập gia đình hơi muộn so với bạn bè cùng trang lứa nên tin chắc là mình đã có sự lựa chọn kỹ càng. Chồng chị quả là một người đàn ông tốt bụng, tính tình hiền lành, chỉ có điều anh chi li từng chút một. Từ chuyện mua sắm đến chuyện chi tiêu vặt vãnh trong gia đình, tất tần tật mọi thứ anh đều để ý tới. Thậm chí anh còn bảo chị Q. kê khai tất cả những khoản thu nhập rồi đưa cho anh giữ, để anh tính chi tiêu sao cho hợp lý. Q. vốn đã quen cách sống tự lập từ nhỏ, nên giờ bị gò bó trong khuôn khổ của chồng, chị đâm ra khó chịu, nhưng chẳng lẽ lại cãi nhau vì những chuyện vặt vãnh như thế. Nhiều lúc anh giành luôn việc đi chợ vì cho rằng Q. mua đồ mà không hề biết trả giá.

Mặc dù là đàn ông nhưng anh sẵn sàng kì kèo ngã giá từng đồng một hoặc xin thêm cái này bớt cái kia, lắm khi anh đôi co với chị hàng cá, hàng thịt vì cân thiếu và thế là anh ném trả lại cho họ biết mặt. Lúc đó, nhìn anh chẳng còn đâu dáng vẻ của một người đàn ông đích thực. Mấy lần chị góp ý, anh bảo tiền bạc mình làm ra cực khổ phải tính toán cho kỹ, chứ để họ ăn gian trên đầu trên cổ mình như thế thì tức lắm.

Anh còn lập ra bảng chi tiêu hằng tháng và bảo chị cứ thế mà thi hành theo, nhưng ở đời đâu phải lúc nào mọi chuyện cũng theo ý mình. Nhiều lúc nhà có khách hoặc có ai bị đau ốm đột xuất, chi phí phát sinh, anh lại cằn nhằn cho rằng chị tiêu xài hoang phí.

Sợ va chạm

Không ai mong muốn chồng mình là một kẻ “giang hồ”, nhưng chí ít cũng phải biết nổi nóng trong những tình huống cần thiết, để chứng tỏ bản lĩnh đàn ông, đằng này cái gì anh ta cũng ngại, cái gì cũng sợ mất lòng. Đó là lời than phiền của chị H. - một giáo viên dạy cấp III. Chồng chị là một anh chàng quá hiền lành nếu không muốn nói là nhu nhược. Chuyện lớn, chuyện nhỏ gì anh cũng phó thác cho vợ; con cái học hành ra sao anh cũng chẳng hay. Anh chỉ biết đi làm kiếm tiền đem về nộp cho vợ là coi như đã làm tròn trách nhiệm của một người chồng, người cha.

Chị H. tâm sự: “Lấy ông chồng có đức tính hiền hậu cũng tốt nhưng hiền kiểu như ông chồng mình thì quá mệt mỏi và đôi khi có cảm giác anh ấy là người không có trách nhiệm. Trong gia đình thì sợ làm mất lòng người thân, ra ngoài xã hội lại sợ va chạm người này người nọ, lỡ làm họ không ưng ý thì mất công gây thù oán. Thôi, chuyện mình mình làm, chuyện họ họ lo. Thật chẳng đáng mặt đàn ông chút nào”.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.