Khó quy định trần học phí dạy thêm

22/03/2013 11:15 GMT+7

Việc tổ chức và thu học phí từ hoạt động dạy thêm của các nhà trường được đoàn giám sát của HĐND TP.Hà Nội nhận định là “trăm hoa đua nở”, mỗi trường thu và chi mỗi kiểu.

Việc tổ chức và thu học phí từ hoạt động dạy thêm của các nhà trường được đoàn giám sát của HĐND TP.Hà Nội nhận định là “trăm hoa đua nở”, mỗi trường thu và chi mỗi kiểu.

Từ ngày 11-21.3, đoàn giám sát của HĐND TP.Hà Nội đã tổ chức giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về dạy thêm học thêm; triển khai đề án dạy ngoại ngữ bắt buộc; thu chi học phí và các khoản thu khác trên địa bàn TP.

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT Hà Nội, toàn thành phố hiện có 388 cơ sở đang hoạt động dạy thêm, trong đó có 342 cơ sở được cấp phép; có hơn 12.300 học sinh tham gia học thêm trong nhà trường và chỉ có hơn 2.800 học sinh học thêm ngoài nhà trường.

Trường tiểu học Lê Ngọc Hân với những lớp bán trú ngoài nhà trường
Trường tiểu học Lê Ngọc Hân với những lớp bán trú ngoài nhà trường - Ảnh Mai Thủy

Bà Nguyễn Thị Thùy, Trưởng ban chuyên trách Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP, nhận định: Qua giám sát cho thấy, việc dạy thêm hiện nay trên địa bàn thành phố rất đa dạng: có trường tổ chức dạy 1 buổi/ngày và buổi hai là dạy thêm; có trường dạy 2 buổi/ngày và thu tiền buổi thứ hai; có trường trông giữ trẻ ngoài giờ; có trường không đủ cơ sở vật chất phải dạy học hai ca thì thuê địa điểm dạy thêm ở ngoài nhà trường…

Hầu hết các cơ sở dạy thêm đều chưa làm được theo quy định, đó là phân loại học lực của học sinh để giảng dạy; kể cả những lớp được cấp phép rồi cũng chưa kiểm tra được nội dung giảng dạy của giáo viên có đạt chất lượng không…Đó là chưa kể tới những loại hình khác tuy không gọi là dạy thêm nhưng cũng là đưa thêm vào nhà trường và thu tiền của phụ huynh theo từng tháng hoặc từng khóa học, như: học tăng cường tiếng Anh, tiếng Anh tự chọn, tổ chức luyện chữ đẹp, bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống, tổ chức các hoạt động ngoại khóa…

Ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT, cho hay theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT, các trường tiểu học tuyệt đối không dạy thêm, kể cả dạy một buổi hay hai buổi/ngày.

Lý giải về các trường không có điều kiện học 2 buổi/ngày và giáo viên phải thuê nhà dân để dạy học buổi thứ hai và thu tiền của học sinh để trang trải từ thuê phòng học, bán trú, học phí… theo ông Tiến, đây là hình thức bán trú ở nhà dân và hoàn toàn xuất phát từ nhu cầu của phụ huynh chứ không phải hoạt động bắt buộc.

Ví dụ, Trường tiểu học Lê Ngọc Hân, Q.Hai Bà Trưng, do vẫn phải chung cơ sở vật chất với trường THCS, có 100% lớp bán trú ngoài nhà trường nhưng chỉ có khoảng 60% học sinh theo học, số còn lại chỉ học 1 buổi/ngày rồi về nhà. “Tuy là lớp ở ngoài nhà trường nhưng phòng GD-ĐT phải có nhiệm vụ quản lý, giám sát; hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm về hoạt động dạy học và đảm bảo an toàn cho học sinh”, ông Tiến nói.

Ngược lại với một số trường tiểu học muốn mà không có chỗ học buổi hai như kể trên, với khối THCS, rất nhiều trường có điều kiện dạy học 2 buổi/ngày nhưng lại không tổ chức theo mô hình này mà lại xin cấp phép dạy thêm vào buổi thứ hai. Đây là vấn đề mà đoàn giám sát của HĐND TP cảm thấy rất băn khoăn.

Bà Nguyễn Thị Thùy đặt câu hỏi, tại sao có điều kiện để dạy học 2 buổi cho học sinh mà lại tổ chức theo hình thức dạy thêm dẫn đến tình trạng số trường THCS học 2 buổi/ngày không phải tăng theo từng năm mà lại giảm dần?

“Sở GD-ĐT cần xem lại nên theo mô hình nào thì ưu việt hơn. Không nên hoạt động theo kiểu “treo đầu dê bán thịt chó”, nhìn bề ngoài thì vẫn tưởng như trường đó tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cho học sinh nhưng thực chất thì lại là học thêm để có thể thu mức học phí cao hơn nhiều”, bà Thùy đề nghị.

Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD-ĐT lý giải, không phải phụ huynh nào cũng muốn con mình ở lứa tuổi THCS học cả ngày ở trường. Nếu một lớp mà có một vài phụ huynh phản đối thì nhà trường cũng không thể thực hiện được.

“Tuy nhiên, nếu có đủ điều kiện thực hiện một cách bài bản, khoa học thì việc học 2 buổi/ngày là mô hình lý tưởng cần hướng đến trong tương lai”, ông Độ khẳng định.

Đoàn giám sát còn chỉ ra rằng, mức thu từ các hoạt động dạy thêm hoặc dạy tăng cường rất khác nhau, “trăm hoa đua nở” ngay trong một khu vực.

Theo bà Thùy có trường chỉ thu vài chục nghìn đồng/môn học với mỗi học sinh vẫn hoạt động được trong khi có trường thu hàng trăm nghìn đồng vẫn thấy… thiếu. Việc chi từ tiền dạy thêm này cũng rất khác nhau, có trường thì chi rất cao cho giáo viên trực tiếp giảng dạy, có trường chỉ chi 40-50%, có trường lại trích khoản tiền này vào quỹ phúc lợi…

Liệu có thể quy định được một mức trần về học phí trong hoạt động dạy thêm, học thêm trong hướng dẫn sắp tới của UBND TP hay không? Câu hỏi này của đoàn giám sát nhận được trả lời rằng “khó” của cả đại diện Sở Tài chính lẫn sở GD-ĐT.

Bà Nguyễn Thị Hồng Nga, Phó giám đốc Sở GD-ĐT, lý giải: “Đây là hoạt động hoàn toàn tự nguyện nên mức thu thế nào thì tinh thần tự nguyện cũng phải đặt lên hàng đầu. Với giáo viên giỏi, có tiếng mời người ta dạy thêm đã khó, nếu quy định mức trần học phí, trong khi phụ huynh có điều kiện kinh tế muốn mời giáo viên đó dạy, sẵn sàng đóng học phí cao hơn thì quy định mức trần sẽ không khả thi”.

Tuệ Nguyễn

>> Chỉ trả lương dạy thêm giờ ở những môn thiếu giáo viên
>> Cấp phép để quản lý dạy thêm
>> Dạy thêm, học thêm chỉ là phần ngọn
>> Quảng Ngãi ban hành quy định dạy thêm, học thêm
>> Nhập nhằng dạy thêm, giữ trẻ hộ
>> Nói rõ về quy định dạy thêm, học thêm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.