Đề nghị công khai, bảo đảm quyền lợi người dân trong quy hoạch, thu hồi đất

17/06/2013 18:46 GMT+7

(TNO) Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là nội dung các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tập trung thảo luận nhiều nhất trong phiên thảo luận dự thảo Luật Đất đai sửa đổi vào hôm nay 17.6.

(TNO) Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là nội dung các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tập trung thảo luận nhiều nhất trong phiên thảo luận dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, vào hôm nay 17.6.

Đảm bảo tối đa quyền lợi người bị thu hồi đất

Hầu hết ĐB đều đồng quan điểm đất đai là tài sản đặc biệt, tư liệu sản xuất rất quan trọng đối với mỗi người dân.

“Người bị thu hồi đất chịu thiệt thòi rất nhiều do xáo trộn cuộc sống, thiệt hại về vật chất, tài sản không chỉ trong thời điểm thu hồi mà còn kéo dài một thời gian vì phải làm quen, thậm chí kiếm việc làm, nghề nghiệp mưu sinh khi chuyển đến chỗ ở mới”, ĐB Lê Minh Hiền (Khánh Hòa) nói.

ĐB Hiền đề nghị bổ sung trong luật phải bồi thường cho người bị thu hồi cả những thiệt hại về vật chất, tài sản, thu nhập.


ĐB La Ngọc Thoáng góp ý - Ảnh: Ngọc Thắng

“Quyền sử dụng đất là tài sản đặc biệt vì vậy phải đảm bảo lợi ích tối đa cho người bị thu hồi đất, nhất là đất thu hồi cho mục đích kinh tế, đầu tư của doanh nghiệp”, ĐB Phạm Văn Tấn (Nghệ An) khẳng định quan điểm.

Theo ĐB Triệu Thị Nái (Hà Giang), luật cần bổ sung quy định tái định cư phải gắn với công việc, đời sống của người dân, sao cho người dân có thể lao động, làm ăn được, tránh tình trạng một số khu tái định cư, sau 2-3 năm người dân vẫn không biết làm gì để ăn, không có đất để sản xuất.

Đồng thời, ĐB La Ngọc Thoáng đề nghị cần quy định mức tối thiểu về hạ tầng cơ sở của khu tái định cư và diện tích tối thiểu của một căn hộ tái định cư để đảm bảo đời sống người dân tái định cư.

Quy định trách nhiệm cơ quan thu hồi, cưỡng chế

 
Chúng ta giao cho cơ quan Nhà nước quyền rất lớn (thu hồi, cưỡng chế - PV) mà lại không có quy định trách nhiệm rõ ràng dễ dẫn đến lợi dụng việc này, gây tranh chấp, bức xúc cho nhân dân trong việc thu hồi, cưỡng chế đất
ĐB Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên-Huế)
Xác định đất đai là tài sản hết sức quan trọng ảnh hưởng lớn đến đời sống, kinh tế mỗi người dân, hộ gia đình, ĐB Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên-Huế), yêu cầu trong luật Đất đai sửa đổi cần làm rõ trách nhiệm cơ quan nhà nước được QH, Chính phủ cho phép thẩm quyền thu hồi đất.

“Việc thu hồi đất của cá nhân, hộ gia đình rất quan trọng. Vì vậy, trách nhiệm cơ quan thu hồi phải đảm bảo lợi ích của người bị thu hồi để tránh lợi dụng việc thu hồi đất. Trong luật hiện nay chưa xác định rõ trách nhiệm của cơ quan nhà nước thu hồi đất. Khi anh ra quyết định thu hồi đất thì phải chịu trách nhiệm trước quyết định đó”, ĐB Mạo nhấn mạnh.

Tương tự, ĐB Mạo đề nghị là phải quy định “trách nhiệm” đối với quyết định và việc thực hiện cưỡng chế.

“Chúng ta giao cho cơ quan nhà nước quyền rất lớn (thu hồi, cưỡng chế - PV) mà lại không có quy định trách nhiệm rõ ràng dễ dẫn đến lợi dụng việc này, gây tranh chấp, bức xúc cho nhân dân trong việc thu hồi, cưỡng chế đất”, ĐB Mạo nói.

Mặt khác, ĐB Huỳnh Thành (Gia Lai), có ý kiến, không nên quy định “thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế xã hội” vì đã có quy định thu hồi vì “lợi ích quốc gia”.

“Nếu lại thêm “thu hồi vì mục đích phát triển kinh tế xã hội” thì rất dễ bị hiểu lầm, lợi dụng quy định này trong các dự án kinh tế như trong thời gian vừa qua. Còn nếu vẫn giữ quy định này thì cần quy định rõ quy mô, mục đích, những dự án nào vì “phát triển kinh tế, xã hội” cộng đồng, Nhà nước cần thiết thu hồi, chịu trách nhiệm bồi thường; dự án nào nhà đầu tư phải tự thỏa thuận với người dân”, ĐB Thành nói.

ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) dẫn chứng: “Nhiều cử tri nói rằng không phản đối việc thu hồi đất vì mục đích chung, lợi ích quốc gia nhưng thật vô lý khi thu hồi một mảnh đất cả ngàn m2 nhưng tiền bồi thường không đủ để mua lại mảnh đất vài chục m2 của nhà đầu tư”.

Không lấy ý kiến người dân, quy hoạch không có giá trị

Theo ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa), để khắc phục hành vi lạm quyền trong quy hoạch, quản lý đất đai, cần bổ sung trong luật “cấm các cơ quan có thẩm quyền quản lý đất đai từ chối cung cấp thông tin cho người sử dụng đất”.


ĐB Trương Văn Vở đề nghị luật cần có những quy định việc công khai trong quy hoạch, thu hồi đất - Ảnh: Ngọc Thắng

Đồng thời, ĐB Lợi cho biết trong lập quy hoạch sử dụng đất, nhân dân rất phàn nàn vì không biết gì về quy hoạch. Vì vậy “cần bổ sung trong luật, quy hoạch phải công khai, lấy ý kiến nhân dân trong lập kế hoạch, quy hoạch đất”.

“Cần có ràng buộc pháp lý mạnh hơn nữa trong việc phải lấy ý kiến người dân trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Quy hoạch nào không lấy ý kiến của nhân dân coi như không có giá trị”, ĐB La Ngọc Thoáng (Cao Bằng), đề nghị.

“Cần đảm bảo tính công khai trong quy hoạch, thu hồi đất nhằm tránh tranh chấp, khiếu kiện”, ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai), đóng góp ý kiến.

Kết thúc phiên thảo luận, Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân kết luận Ủy ban Thường vụ QH sẽ tiếp thu, tổng hợp tất cả ý kiến của ĐB để khẩn trương, dốc sức chỉnh sửa hoàn thiện Dự thảo luật Đất đai sửa đổi.

Nguyên Mi

>> Bộ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Minh Quang: Quy định rõ dự án nào được thu hồi đất
>> Tránh tình trạng thu hồi đất tràn lan
>> Sửa luật để đền bù thỏa đáng khi thu hồi đất
>> Đề nghị không thu hồi đất đã giao không đúng thẩm quyền
>> Đại biểu Quốc hội đề nghị báo cáo tình hình biển Đông
>> Đại biểu Quốc hội góp ý Điều 4 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.