Nhiều doanh nghiệp kinh doanh lữ hành sẽ gặp khó khăn?

23/12/2006 21:53 GMT+7

Ngày 23.12, cuộc hội thảo "WTO, những giải pháp phát triển du lịch Việt Nam" đã được Tổng cục Du lịch phối hợp với Báo Du Lịch, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức tại Hà Nội. Mặc dù đánh giá chung là ngành du lịch sẽ phát triển mạnh trong các năm tới khi các công ty nước ngoài được tham gia thị trường Việt Nam và các điều kiện thuận lợi khác do việc gia nhập WTO tạo ra, tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng cho rằng, sẽ có những khó khăn không nhỏ cho doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành...

Tiến sĩ Nguyễn Văn Mạnh, Trưởng khoa Du lịch và khách sạn  Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho rằng, nếu theo như các cam kết của Việt Nam với WTO thì trong ngành dịch vụ du lịch, các doanh nghiệp du lịch Việt Nam   ở trong tình trạng "hoặc là sống hẳn hoặc là chết hẳn". "Lý do là bắt đầu có sự cạnh tranh quyết liệt của các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam với các doanh nghiệp có vốn nước ngoài (100% vốn, liên doanh, chi nhánh) trong lĩnh vực nhận khách quốc tế (inbound) và tương tự ở phân ngành kinh doanh khách sạn, nhà hàng - một lĩnh vực ta cũng phải cam kết mở cửa", ông Mạnh nói. Theo ông, "các nhà cung cấp dịch vụ du lịch nước ngoài có khả năng tài chính mạnh mẽ, kỹ năng quản lý chuyên nghiệp và hiểu biết sâu về nhu cầu, sở thích của khách quốc tế sẽ có ưu thế vượt trội so với các doanh nghiệp Việt Nam". Ông Ngô Đức Anh, chuyên gia của Tổ chức Diễn đàn Phát triển Việt Nam cũng cho rằng các doanh nghiệp lữ hành nước ngoài với năng lực mạnh, kinh nghiệm lâu năm sẽ là "thách thức lớn nhất cho các doanh nghiệp lữ hành inbound nội địa. Ông phân tích: "Các doanh nghiệp nước ngoài có khả năng chiếm lĩnh và bán các chương trình du lịch liên hoàn cho du khách u, Mỹ và khách đi tham quan Việt Nam chỉ là một phần trong tour liên hoàn của họ đi Thái, Campuchia, Lào, Malaysia...". "Họ sẽ đầu tư khai thác luôn cả các điểm đến du lịch chứ không chỉ đơn thuần đưa khách đến Việt Nam và việc rò rỉ hết thu nhập là điều không tránh khỏi mặc dù các doanh nghiệp trong nước vẫn còn có thể thu hút một lượng lớn khách nước ngoài", ông Anh cảnh báo. Cũng theo ông Ngô Đức Anh, cùng với việc mất thị trường, các doanh nghiệp trong nước có khả năng mất cả nhân lực có chất lượng do những người quản lý giỏi, hướng dẫn viên giỏi trong nước sẽ bị hút vào các công ty nước ngoài do thu nhập cao, điều kiện làm việc chuyên nghiệp...". Để đối phó, theo ông Đức Anh, các doanh nghiệp trong nước nên chọn, hợp tác với các đối tác mạnh là các công ty du lịch nước ngoài dưới hình thức liên doanh, liên kết và phải tái cơ cấu, thay đổi hình thức quản lý, linh hoạt hơn để tận dụng được nguồn khách và nghiệp vụ khai thác, quản lý, điều hành du lịch của các hãng du lịch nước ngoài. Ngoài ra, theo ông, các doanh nghiệp trong nước cũng cần đầu tư mạnh, áp dụng các công nghệ du lịch tiên tiến, nhất là công nghệ thông tin và viễn thông vào hoạt động du lịch trực tuyến, tham gia tại chỗ vào các chuỗi phân phối toàn cầu để phục vụ hoạt động marketing, quảng bá sản phẩm...

Trên thực tế, trước thời điểm Việt Nam gia nhập WTO thì các doanh nghiệp lữ hành trong nước đã tỏ ra lép vế với các doanh nghiệp nước ngoài. Ông Thân Hải Thanh - Tổng giám đốc Công ty Bến Thành Tourist - thừa nhận: "80% khách inbound của chúng tôi do đối tác nước ngoài gửi cho". Ở nhiều doanh nghiệp lữ hành lớn khác, tỷ lệ này lên tới 85-90%! Còn ông Lê Đức Kế - Giám đốc chi nhánh Hà Nội của Công ty Bến Thành Tourist - cho biết: "Chẳng cần chờ đến WTO, từ lâu, nhiều doanh nghiệp lữ hành nước ngoài đã tự mua vé máy bay, tự đặt phòng và trả tiền trực tiếp cho khách sạn tại Việt Nam (hai dịch vụ đem lại lợi nhuận nhiều nhất - PV). Phía Việt Nam chỉ còn "nắm" được phần cung cấp hướng dẫn viên và ô tô".

Có một cách nhìn nhận lạc quan hơn, ông Phan Đức Mấn, Giám đốc Công ty khách sạn du lịch Kim Liên (Hà Nội) nói: "Sau WTO, dòng khách và nhu cầu tiêu dùng sản phẩm và du lịch sẽ tăng đột biến. Nếu khai thông được thủ tục, cơ chế với một số thị trường hiện nay thì khả năng thu hút khách sẽ mạnh lên". Ông Mấn cho rằng, "sau WTO, hiệu quả và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp du lịch được nâng cao. Việc mở cửa thị trường sẽ làm môi trường kinh doanh du lịch cạnh tranh hơn và các doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp nhà nước chỉ còn một sự lựa chọn là vươn lên để nâng cao sức cạnh tranh". Theo ông, các doanh nghiệp nhà nước cần đẩy nhanh tốc độ sắp xếp, tìm các giải pháp tiếp cận đối tác, thị trường ngoài nước, nâng cao tính hợp tác, liên kết để phát huy lợi thế cạnh tranh... mới có thể trụ vững được trong thời gian tới.

Nhiều đại biểu khác cũng đã phân tích các thế mạnh của du lịch Việt Nam, tuy nhiên, ý kiến chung vẫn cho rằng, tiềm năng phát triển du lịch còn rất lớn và sau WTO, dòng khách du lịch vào Việt Nam sẽ tăng mạnh như khách du lịch kết hợp hội thảo, hội nghị (MICE), người nước ngoài vào tìm hiểu kinh doanh... Về phía các doanh nghiệp phải đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh nhưng về phía Nhà nước, một điều đang rất cần hiện nay là đầu tư mạnh hơn cho việc phát triển hạ tầng du lịch, có các quy hoạch rõ ràng về đất đai, diện tích dành cho du lịch và có sự đầu tư nguồn nhân lực cho du lịch ở trong nước... và rà soát lại, tạo ra hành lang thông thoáng cho du lịch phát triển.

M.Q

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.