Nâng mức giảm trừ gia cảnh, bỏ thuế suất 35%

09/03/2012 03:41 GMT+7

Sau một thời gian dài nghiên cứu, tại cuộc họp báo chiều qua (8.3), Bộ Tài chính chính thức công bố sửa đổi một số nội dung bất cập trong dự thảo sửa đổi luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) như mức giảm trừ gia cảnh, biểu thuế lũy tiến từng phần...

Sau một thời gian dài nghiên cứu, tại cuộc họp báo chiều qua (8.3), Bộ Tài chính chính thức công bố sửa đổi một số nội dung bất cập trong dự thảo sửa đổi luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) như mức giảm trừ gia cảnh, biểu thuế lũy tiến từng phần...

Tuy nhiên, vấn đề điều chỉnh thuế dựa vào mức trượt giá và lương tối thiểu từng thời kỳ vẫn chưa được tính đến.

Sửa luật Thuế TNCN theo hướng nâng mức giảm trừ gia cảnh
Sửa luật Thuế TNCN theo hướng nâng mức giảm trừ gia cảnh - Ảnh: Diệp Đức Minh

Thu nhập 6 triệu đồng/tháng mới phải nộp thuế

Hai nội dung quan trọng nhất trong lần sửa đổi này là mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) và biểu thuế lũy tiến từng phần. Cụ thể, mức GTGC cho bản thân người nộp thuế sẽ được nâng thêm 2 triệu đồng, từ 4 triệu đồng/người lên 6 triệu đồng/người. Đối với người phụ thuộc, mức giảm trừ cho mỗi người cũng được nâng thêm 800.000 đồng từ 1,6 triệu đồng/người lên 2,4 triệu đồng/người. Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, căn cứ để tính toán nâng mức GTGC dựa vào tốc độ trượt giá CPI, tốc độ GDP bình quân, tiền lương tối thiểu dự kiến. Trong đó, lương được tham khảo dựa trên Đề án cải cách tiền lương của Bộ Nội vụ, mức cao nhất vào năm 2014 là 1.650.000 đồng/người, dù mức này vẫn còn đang thiếu nguồn. Tốc độ tăng GDP bình quân giai đoạn 2011 - 2015 từ 6,5 -7%, nên mức GTGC cho bản thân người nộp thuế vào khoảng 5,85 triệu đồng/người. Nếu so với biến động chỉ số CPI trong giai đoạn tới dưới 2 con số, mức phải điều chỉnh khoảng 6,5 triệu đồng. Tổng hợp các yếu tố trên, ban soạn thảo đưa ra mức giảm trừ 6 triệu cho bản thân người nộp và 2,4 triệu cho người phụ thuộc.

Với mức điều chỉnh trên, theo bà Mai, 70% số người đang phải nộp thuế bậc 1 (khoảng 1,3 triệu người) không phải nộp thuế sau khi sửa đổi (tương ứng khoảng 664.000 người). Dự kiến cũng sẽ có 70% số người đang nộp thuế ở bậc 2 sẽ chuyển sang nộp thuế bậc 1. Việc nâng mức GTGC khiến ngân sách giảm thu khoảng 8.150 tỉ đồng.

Tính đến hết 2011, ngành thuế đã cấp mã số thuế cho 15.894.719 cá nhân. Qua 3 năm thực hiện luật Thuế TNCN, số thu ngân sách năm 2009 tăng 110% so với 2008 chiếm 3,4% tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN), tương tự năm 2010 bằng 183,6% so thực hiện 2009 và chiếm 4,7% tổng thu NSNN, năm 2011 số thu ước bằng 141,38%, chiếm khoảng 5,5%  tổng thu NSNN.

Riêng tiền thuế thu được khi bổ sung điều tiết đối với các khoản thu nhập từ đầu tư vốn, chuyển nhượng vốn, chứng khoán và thừa kế quà tặng năm 2009 là 23,7 tỉ đồng, năm 2010 là 861,2 tỉ đồng và năm 2011 là 1.540 tỉ đồng.

 

Đối với vấn đề sửa đổi biểu thuế lũy tiến từng phần, hiện nay luật 2007 đang tính theo 7 bậc, mức thấp nhất là 5% và cao nhất là 35%, dự thảo sửa đổi theo hướng bỏ bậc thuế suất cao nhất 35%. Ông Nguyễn Văn Phụng, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, dù chỉ có khoảng 0,18% người nộp thuế ở mức này nhưng lý do bỏ thuế suất 35% nhằm khuyến khích người có trình độ kỹ thuật cao, năng lực giỏi vào Việt Nam làm việc, như trường hợp của GS Ngô Bảo Châu. Ngoài ra, để đảm bảo tính tương quan với luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), khi mức thuế suất 25% của luật này sẽ giảm xuống còn 22 - 23% trong 2014. Ông Phụng cho biết thêm, nếu sửa đổi cả 2 phương án gồm GTGC và biểu thuế lũy tiến như trên, dự kiến ngân sách giảm thu 9.250 tỉ đồng.

Không giãn bậc thuế

Trước kiến nghị của nhiều chuyên gia như bà Nguyễn Thị Cúc - Tổng thư ký Hiệp hội Tư vấn thuế về việc nên giãn khoảng cách giữa các bậc thuế hiện nay (gồm 7 bậc), ông Phụng cho biết, khi sửa mức GTGC, 70% trong số những người thuộc bậc 1 sẽ không phải nộp thuế. Việc sửa nhằm bảo đảm quyền lợi cho đại bộ phận người nộp thuế, đặc biệt bậc thấp, còn những người thu nhập cao bậc 4, 5, 6 đã được hưởng một phần lợi khi GTGC cũng nên vui vẻ đóng góp theo mức này. “GTGC nâng lên thì thu nhập tính thuế được kéo xuống. Tức toàn bộ người nộp từ bậc 7 trở xuống đều được hưởng lợi, và hưởng nhiều hơn người bậc thấp. Nếu giãn rộng bậc thuế ra, người ở bậc cao được lợi quá, như vậy không đạt được mục tiêu lấy người thu nhập cao chia sẻ cho người thu nhập thấp và xã hội, làm cho khoảng cách giàu nghèo càng rộng hơn”, ông Phụng nói.

Đối với thu nhập từ hoạt động đầu tư chứng khoán, hiện nay đang có 2 cách tính thuế, thứ nhất tính 20% thu nhập và 1% dựa trên giá trị giao dịch, khiến nhà đầu tư thua lỗ cũng phải nộp thuế có sửa hay không? Ông Phụng cho biết, luật hiện hành quy định phương án 1% chỉ là tạm nộp, đến cuối năm khi quyết toán nếu nhà đầu tư bị lỗ, không phải chịu thuế. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần biết, trong trường hợp này phải đăng ký từ năm trước, nếu không đăng ký khi quyết toán sẽ vẫn phải nộp. Do đó, lần này luật chỉ sửa đổi theo hướng đảm bảo cho người nộp không phải đăng ký từ năm trước, mà được tự khai, tự tính. “Làm như vậy, ngành thuế mất thời gian nhưng người nộp sẽ được tiện lợi hơn”, ông Phụng nói.

Trước nguyện vọng của người nộp thuế vì sao không sửa luật sớm đảm bảo quyền lợi, bà Mai cho biết, do cần phải xét tương quan với luật Thuế TNDN, sẽ được sửa vào năm 2013 để năm 2014 thực hiện nên luật Thuế TNCN cũng phải đợi đến 2014. Ngoài ra, theo kế hoạch dự thảo được trình vào kỳ họp tháng 10.2012, sau đó sẽ phải có nghị định và thông tư, cũng như sự chuẩn bị của cơ quan và phần mềm quản lý.

Anh Vũ

>> Thu nhập 6 triệu đồng/tháng mới nộp thuế TNCN
>> Miễn như không
>> Siết" thuế thu nhập cá nhân
>> Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân
>> Thuế TNCN đối với người thu nhập trên 9 triệu đồng/tháng
>> Thuế thu nhập cá nhân: Thêm đối tượng là người phụ thuộc
>> Thu nhập từ 9 triệu đồng trở xuống được miễn thuế TNCN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.