Thứ trưởng Ngoại giao Lê Văn Bàng: Doanh nghiệp Hoa Kỳ sẽ có kế hoạch đầu tư và làm ăn dài hạn tại Việt Nam

09/12/2006 21:46 GMT+7

Sau khi PNTR đối với Việt Nam được thông qua, Thanh Niên đã có cuộc trao đổi nhanh với Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Bàng, cựu Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ.

* Thưa ông, cuối cùng thì Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua PNTR đối với Việt Nam, ông có bất ngờ trước diễn biến tương đối nhanh chóng này không?

- Tôi theo dõi sát sao các diễn biến mấy ngày qua tại Quốc hội Hoa Kỳ, đây là phiên họp cuối cùng của Quốc hội Hoa Kỳ khóa 109, tình hình nội bộ Quốc hội Hoa Kỳ cũng có nhiều phức tạp nên không dễ dự đoán. Tuy nhiên, có được kết quả ngày hôm nay là một điều quan trọng. Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, đánh dấu việc bình thường hóa hoàn toàn quan hệ song phương giữa hai nước, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế - thương mại. Đây là kết quả của những cố gắng to lớn của cả hai bên. Trước sau gì thì Quốc hội Hoa Kỳ cũng phải thông qua PNTR đối với Việt Nam, đây còn là lợi ích của chính Hoa Kỳ nữa.

* Ý nghĩa của sự kiện này như thế nào, thưa ông?

- Về mặt chính trị ngoại giao, thì đây được coi là bước cuối cùng trong việc bình thường hóa quan hệ của hai nước. Chừng nào mà Hoa Kỳ hằng năm còn duy trì việc gia hạn miễn áp dụng điều khoản Jackson - Vanick, tức điều khoản áp dụng quan hệ thương mại không bình thường thì chưa thể coi là hai nước có quan hệ ngoại giao bình thường được.

Thứ hai về mặt kinh tế thì rõ ràng là có tác động tích cực. Từ nay trở đi về mặt tâm lý các doanh nghiệp Hoa Kỳ, đặc biệt là các nhà đầu tư Hoa Kỳ hoàn toàn yên tâm làm ăn và đầu tư tại Việt Nam, một quốc gia mà Hoa Kỳ có quan hệ thương mại hoàn toàn bình thường, đặc biệt là một thành viên của WTO. Các doanh nghiệp Hoa Kỳ cũng không phải thấp thỏm nhìn vào việc Quốc hội Hoa Kỳ hằng năm gia hạn Quy chế thương mại cho Việt Nam, do đó có thể yên tâm đầu tư dài hạn và làm ăn mang tính chiến lược lâu dài tại Việt Nam.

* Về phía cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam thì thế nào, thưa ông?

- Tôi nghĩ một trong những lợi ích có thể thấy ngay đó là việc này sẽ giúp Việt Nam khai thác được những lợi thế những cơ hội mà tư cách thành viên WTO đem lại. Trước hết là xuất khẩu, các DN Việt Nam sẽ có một thị trường Mỹ rộng mở đa dạng và không có giới hạn, đặc biệt là dệt may sẽ không còn hạn ngạch. Việt Nam cũng sẽ là một đối tác thương mại bình đẳng với Mỹ, kể cả trong các cuộc tranh chấp thương mại, hai bên dành cho nhau nhiều điều kiện lợi thế đã cam kết trong hiệp định song phương gia nhập WTO.

* Xin cảm ơn ông.

** Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Susan Schwab tuyên bố bà hài lòng với việc thông qua quy chế "cực kỳ quan trọng này". Quy chế cho phép Hoa Kỳ tiếp cận một thị trường đang phát triển nhanh và mở ra một kỷ nguyên mới cho mối quan hệ giữa hai quốc gia.

Phòng Thương mại Mỹ liên hệ việc thông qua PNTR đối với Việt Nam trước Giáng sinh là một món quà ý nghĩa cho các công ty Mỹ và công nhân được hưởng các lợi ích từ việc gia tăng thương mại. "Các nhà lập pháp đã có cơ hội trao món quà cho các công ty, người tiêu cùng và công nhân Mỹ trước Giáng sinh", Bruce Josten, Phó chủ tịch thường trực của Phòng Thương mại Mỹ vui mừng tuyên bố.

** Chủ tịch Amcham tại TP.HCM, ông Walter Blocker: "Đây là tin vui cho cộng đồng doanh nhân, giới nông dân, ngành chăn nuôi và cả những người lao động cả hai nước. Để PNTR được thông qua, vì quyền lợi của chính doanh nhân Mỹ, Amcham đã tiến hành vận động hành lang rất tích cực ngay tại chính trường Mỹ".


Giáo sư Hà Tôn Vinh -ảnh: Bình

** Giáo sư Hà Tôn Vinh, Đại học Hawaii (Mỹ) cho rằng nếu không có PNTR, chính các doanh nghiệp Mỹ là người bị thiệt nhiều nhất trong quan hệ thương mại với Việt Nam, một thành viên mới của WTO. Từ nay dư luận Mỹ sẽ không còn thắc mắc Việt Nam có phải là một nước, một thị trường mở cửa hay không nữa. (Tr.Bình - X.Danh ghi)

Xuân Danh (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.