Tập huấn kỹ năng sinh hoạt ngoại khóa cho giáo viên - Việc nên làm ngay!

19/12/2007 10:38 GMT+7

Đọc xong bài viết về hội thảo Can thiệp và phòng ngừa các vấn đề sức khỏe tinh thần ở trẻ em, tôi thật sự mừng sau những nỗi lo. Dù hơi muộn, nhưng còn hơn không nhận ra, để tiến đến hoàn thiện chương trình giáo dục hiện nay.

Là giáo viên chủ nhiệm, là người làm công tác thanh niên, được tiếp xúc và hướng dẫn học sinh trong các tiết hoạt động ngoài giờ, tôi phát hiện các em thật mệt mỏi, ngày càng ù lì với các kỹ năng và hoạt động cộng đồng (dù học cũng không giỏi hơn). Những câu hỏi rất đơn giản trong xử lí tình huống giao tiếp với bạn bè, với xã hội, các em trả lời vụng về, hoặc có em lại trả lời không đúng với suy nghĩ (vì sợ bị cười)... Khi người lớn không biết suy nghĩ, nhận thức thật sự của các em về các vấn đề như bạo hành, ma túy, sức khoẻ sinh sản, giới tính,... thì làm sao có thể định hướng cho chúng nghĩ và làm tốt hơn!

"Mình kkhông đẹp trai, làm sao con gái theo mình, cô?", "Ma túy là một dược liệu quý, mỗi gia đình nên dự trữ một ít, giống như thuốc giảm đau", "Học Giáo dục quốc phòng chỉ làm cho tụi em căng thẳng thêm thôi, vì toàn là lý thuyết, kiểm tra"... Đây chỉ là một số ít trong những tình huống mà tôi gặp phải trong tiết hoạt động ngoài giờ, khi các em thảo luận nhóm theo gợi ý của giáo viên. Tất nhiên không phải em nào cũng có suy nghĩ lệch như vậy. Tuy nhiên, điều quan trọng là các em dám nói thật suy nghĩ của mình. Muốn đạt được một sự trao đổi, thảo luận thẳng thắn và không hình thức, đòi hỏi giáo viên, người hướng dẫn phải có một kiến thức nhất định, một bản lĩnh vững vàng, nghệ thuật ứng xử để khéo léo để định hướng cuộc trao đổi đi theo hướng nhẹ nhàng, dí dỏm, không lý thuyết, không khô khan. Tiết hoạt động ngoài giờ phải tổ chức thật phong phú để học sinh vừa tìm hiểu kiến thức xã hội vừa học kỹ năng sinh hoạt tập thể, xuất hiện trước đám đông v.v... Nhưng thực tế liệu có bao nhiêu giáo viên có sự đầu tư, sáng tạo cho tiết hoạt động ngoài giờ này?

Thiết nghĩ, đã đến lúc phải tập huấn cho giáo viên kỹ năng sinh hoạt ngoại khóa. Vì hơn ai hết, họ chính là những người gần gũi và hiểu học sinh mình nhất.

Về chương trình học chính khóa, không hiểu sao ngày càng làm cho học sinh thấy nặng nề hơn?! Càng lên lớp lớn càng thấy rõ sự mất căn bản. Chúng tôi thấy thương các em nhiều hơn khi càng ngày các em càng đuối, mà ở các lớp học cấp 3, thầy trò chúng tôi làm gì còn đủ thời gian để bắt đầu lại! Và chúng tôi cũng thấy thương cho nghề nghiệp mình hơn. Nhiều lần, tôi và đồng nghiệp rớt nước mắt vì sự bất lực của mình: "Mình giảng dạy hết sức mình, dồn hết tâm tư vào, mà chẳng hiểu sao học sinh vẫn dậm chân tại chỗ!".

Tình trạng mất căn bản của học sinh, tôi không dám đổ lỗi cho các giáo viên dạy ở bậc tiểu học hay THCS, vì cũng còn đó các em học sinh giỏi, xuất sắc thật sự (dù con số này không nhiều). Nhưng cũng chưa tự có câu trả lời xác đáng.  Xin các cấp quản lý chia sẻ và nhanh chóng tìm ra nguyên nhân sâu xa của tình trạng này, từ đó có cách khắc phục hiệu quả. Những giáo viên tâm huyết với nghề như chúng tôi vẫn đang ngày đêm miệt mài với giáo án mới, phương pháp mới..., nhưng hiệu quả thì còn xa lắm. Tôi không phải tuýp người bi quan, nhưng thật sự quá lo lắng cho một thế hệ đang nghèo dần kiến thức và kỹ năng sống!

Đỗ Phượng (Cần Đước, Long An)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.