Có một anh Bồ Câu ít người biết

05/02/2013 14:00 GMT+7

(TN Xuân) Tôi biết y khi bắt đầu vào năm học lớp 10. Năm đó, từ một trường cấp huyện, y cùng với vài người khác, vào trường công lập lớn nhất tỉnh hồi đó để theo học ban C, ban Văn chương Sinh ngữ.

Nhìn bề ngoài, y chẳng có gì lôi cuốn, hấp dẫn. Đã vậy, buổi đầu gặp gỡ, có lẽ do mặc cảm học sinh trường huyện nên y cùng nhóm bạn bè cũ thường tách ra, chơi thành nhóm riêng cho đến khi ma mới ma cũ đều trở thành... ma cả thì “ranh giới” mới thực sự xóa sạch.

Vì trọ học nên y hay la cà nhà bạn bè. Nhà tôi là địa chỉ y thường lui tới. Gặp bữa thì ăn, muốn ở lại ngủ thì cứ tự nhiên. Ba mẹ tôi thương con nên quý bạn bè của con, chẳng chút phàn nàn. Thời gian này, y làm thơ nhiều và đăng báo cũng nhiều...

Hai mươi năm sau, tôi gặp lại y ở Sài Gòn. Y cũng vậy, dù bây giờ đã nổi tiếng khắp nước rồi. Điều tôi khoái y là mỗi lần gặp nhau, y cứ than thở thèm bánh đúc, thèm mắm cá cơm, thèm mì Quảng và mỗi khi biết tôi sắp về thăm quê, y không quên “nhắc nhở”: “Mi kiếm ít mắm cái đem vô nghe!”. Muốn có mắm cái, tôi phải “cầu cứu” đến mẹ tôi vì bà làm mắm rất ngon.

Mẹ tôi, lúc sinh thời, mỗi khi nói chuyện với tôi, bà hay nhắc tới bạn học của tôi ngày trước. Đứa nào lui tới nhà, bà đều nhớ hết. Thậm chí nhớ cả những điều tôi chẳng nhớ và bạn tôi chẳng để ý. Riêng với y, mẹ tôi thường nhắc: “Thằng đó tính tình nghệ sĩ. Tao chưa bao giờ thấy hắn mang giày một cách đàng hoàng cả. Lúc nào cũng đạp bẹp gót giày”. Hồi đó, học sinh đi học phải mang giày hoặc sandal chứ không được mang dép. Thịnh hành nhất là loại giày da, mềm, màu vàng. Lúc vội, chỉ cần xỏ chân vào là xong, chẳng tốn thời gian thắt dây, mang vớ.

Và mẹ tôi “kết luận”: “Hắn làm việc nghiêm túc nhưng tác phong phóng túng”. Không biết khi nghe mẹ tôi nhận xét, hắn nghĩ gì nữa? Riêng tôi, tôi thấy mẹ tôi quả là có con mắt tinh đời.

 Anh Bồ Câu
Minh họa: Văn Nguyễn

Học trò cấp 3 ngày xưa lớn hơn học trò bây giờ nhiều. Một phần do học không đúng tuổi. Nhiều đứa đã có vợ ở quê nhưng vẫn khăn gói đến trường. Vì thế, chuyện yêu đương ở tuổi này chẳng có gì lạ. Tất nhiên, không phải trong lớp đứa nào cũng biết… “rung động đầu đời”.

Lớp C tôi học ngày đó, “tự nhiên” xuất hiện mười tà áo dài trắng trong ngôi trường toàn là con trai. Của hiếm thường đi đôi với của quý. Mười cô bạn học, mỗi người một vẻ nhưng tất cả đều là... hoa hậu dưới hàng ngàn cặp mắt nam sinh. Học chung lớp, bên cạnh những điều bất tiện, chúng tôi lại có những thuận lợi, tất nhiên, là đối với những anh chàng... rắp ranh bắn sẻ. Và, cũng có những “bi kịch” kèm theo giống như những thiên tình sử khác: Y và vài đứa khác cùng “chú ý” một nàng, không biết nàng đã có người yêu rồi.

Y ôm hận trong lòng và chỉ biết viết thành thơ. Sau này, tình cờ đọc mấy câu thơ của y: “Gặp nhau bất chợt. Xa nhau bất ngờ. Yêu như oán giận. Khổ vào trong thơ”, tôi thấy đúng là “cốt cách” của y!

Tôi nhớ, có lần cùng y ngồi ở cà phê Quán trên đường Phan Đình Phùng. Lúc đó đã hơn 9 giờ tối, tức đã quá giờ giới nghiêm, hai đứa mới ra về. Y vừa đi vừa đọc thơ. Bài thơ tôi chỉ nhớ chưa tới hai câu: “... mà rung cười một buổi. Rồi thôi quên tuốt cả ngàn sau”. Y viết vậy nhưng chẳng hề “quên tuốt”. Bằng chứng là sau này, trong những tác phẩm của y, tôi thấy hình bóng “người xưa” thấp thoáng đâu đó. Và gần đây, tôi có dịp gặp lại “người xưa” ấy. Cô nàng, bây giờ đã thành bà ngoại, cười lúng liếng: “Quên hết bạn bè ngày trước rồi, chỉ nhớ mỗi mình... hắn” (!).

Y là Anh Bồ Câu, người giữ Vườn Hồng cho mọi người nhưng “vườn hồng” của y đã chỉ là hoài niệm. Tôi tin rằng, khi y tâm tình hay gỡ rối cho cô cậu mới lớn nào đó, y đang sống lại thời trai trẻ của y và đang nhớ tới “nỗi đau” thuở học trò của y. Nỗi đau ấy, cộng thêm với những “nỗi đau” khác, sau này, lại trở thành “kinh nghiệm” để y có thể trò chuyện dài dài về tình yêu. Đó là lý do y thường nói “Trong tình yêu, thất bại chưa chắc đã là mẹ của thành công nhưng thất bại trong tình yêu có thể đem đến thành công cho người giữ mục gỡ rối tâm tình cho người khác, ít ra là ở khía cạnh giúp cho người khác… đừng thất bại như mình”! 

Lưu Vỹ Bửu

>> Vườn hồng
>> Vườn hồng 20.1.2013
>> Vườn Hồng
>> Vườn hồng
>> Vườn hồng 30.12.2012

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.