"Bà mối" của quan hệ Việt - Mỹ

01/01/2006 23:55 GMT+7

Kết thúc quá trình đàm phán kéo dài 6 năm, trong buổi lễ ký Hiệp định thương mại song phương (BTA) Việt Nam - Mỹ một ngày cuối thu tại Nhà Trắng năm 2000, người ta nhìn thấy một người phụ nữ Mỹ lặng lẽ ra một góc khuất để cố giấu đi những giọt nước mắt sung sướng đang lăn dài trên khuôn mặt rạng rỡ của mình. Virginia Foote, Chủ tịch Hội đồng thương mại Mỹ - Việt (USVTC) mà các đồng nghiệp Mỹ và Việt Nam vẫn gọi thân mật là "Ginny" đã có những khoảnh khắc không thể nào quên trong đời mình.

Bén duyên Việt Nam

Tiếp chúng tôi trong một căn phòng nhỏ có treo bức ảnh lớn cựu Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch và Đại sứ  Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Bill Sullivan tại trụ sở của Hội đồng ở Hà Nội, người phụ nữ nhỏ nhắn xinh đẹp sinh ra ở miền đông bắc Mỹ nhớ lại: "Tôi đến Việt Nam lần đầu tiên là vào năm 1989, cùng với các thành viên Quốc hội như thượng nghị sĩ John McCain, John Kerry. Nhưng chuyến đi đáng nhớ nhất của tôi lại là chuyến đi cùng Đại sứ Sullivan đến Hà Nội", giọng bà bắt đầu trở nên sôi nổi: "Chúng tôi đã có một bữa tối đáng nhớ tại Nhà khách Chính phủ.  Hôm đó ở Hà Nội có bão và mất điện, chúng tôi đã phải ngồi trong bóng tối để nói chuyện một thời gian dài cho đến khi những ngọn nến được thắp sáng, nhưng dường như không ai để ý đến chuyện đó. Bộ trưởng Thạch và Đại sứ Sullivan, hai người bạn cũ gặp lại nhau có quá nhiều chuyện để nói với nhau, để chia sẻ với nhau, họ coi nhau như những người bạn thực sự, họ cười, họ vui. Hai người hỏi thăm nhau cả về việc cưới xin và sự nghiệp của con cái".

Từ đó, có thể nói cuộc đời của bà đã gắn chặt với sự nghiệp bình thường hóa  quan hệ Việt Nam - Mỹ. Washington - Hà Nội, Hà Nội - Washington bà bay tới bay lui, khi thưa thì vài ba tháng một chuyến, khi nhiều thì mỗi tháng một chuyến. Chương trình công tác của bà lúc nào cũng kín. Đến Hà Nội là bà đi gõ cửa ngay các cơ quan bộ, ngành, gặp gỡ tiếp xúc với các giới chức Việt Nam. Bà chuyển tải thông điệp của bên này tới bên kia, của bên kia tới bên này, góp phần làm cho hai bên hiểu nhau hơn, để hai bên gỡ dần những khúc mắc trên con đường bình thường hóa.

Bà Virginia Foote và ông Nguyễn Đình Lương, Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định thương mại Việt Nam - Mỹ

Tại Mỹ, người phụ nữ thông minh, nhanh nhẹn này đã ra điều trần hàng chục lần trước Quốc hội Mỹ để ủng hộ việc bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ. Phát biểu trước Quốc hội Mỹ, bà luôn nhấn mạnh: "Việt Nam và Mỹ chia sẻ một lịch sử đặc biệt còn in đậm trong tâm khảm, song cả hai bên đã nỗ lực hết mình để xây dựng một tương lai mới. Chúng ta phải nhìn Việt Nam ở nhiều khía cạnh và đánh giá thường xuyên sự phát triển của dân tộc này".

Khi quan hệ Việt Nam và Mỹ được bình thường hóa, với tư cách là Chủ tịch Hội đồng thương mại Mỹ - Việt, bà lại trở thành con thoi, là người góp phần đắc lực cho công cuộc đàm phán BTA. "Nhờ có mối quan hệ rộng trong các giới chức ở Mỹ, lại là người phụ nữ xinh đẹp, nhẹ nhàng, năng động và thạo việc, Ginny đã có một vai trò đặc biệt trong quá trình bình thường hóa quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước. Ginny chủ động kêu gọi sự đóng góp của các doanh nghiệp Mỹ để liên tục tổ chức các cuộc hội thảo cho các chuyên gia giới thiệu với Việt Nam về luật lệ Mỹ và thế giới. Ginny thường xuyên cung cấp cho đoàn đàm phán Việt Nam các thông tin, cập nhật những ý kiến khác nhau trong Quốc hội Mỹ qua các cuộc điều trần về các cuộc đàm phán BTA, phản ứng của các doanh nghiệp Mỹ trong từng thời kỳ, từng giai đoạn đàm phán, góp phần giúp đoàn đàm phán hình dung được những thuận lợi và khó khăn, những yêu cầu của phía đối tác" - ông Nguyễn Đình Lương, Trưởng đoàn đàm phán BTA nhớ lại.

Gắn bó với Việt Nam

Virginia Foote và USVTC đã tổ chức và ráp nối hơn 40 chuyến thăm viếng và làm việc của các phái đoàn Mỹ cũng như Việt Nam.

Virginia Foote hiện là chủ tịch đồng thời là người đồng sáng lập Hội đồng thương mại Mỹ - Việt, thành lập từ năm 1989 theo đề nghị của Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch. Hội đồng này đi tiên phong trong quá trình bình thường hóa quan hệ Mỹ - Việt. Diễn đàn giáo dục của Hội đồng đã hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam trong suốt quá trình đàm phán Hiệp định thương mại song phương Việt  Nam - Mỹ và hiện nay đang hỗ trợ tích cực cho việc thực thi hiệp định đó và quá trình gia nhập WTO của Việt Nam. Bà cũng mới được bầu là Phó chủ tịch Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN.

17 năm gắn bó với đất nước và con người Việt Nam, không phải ai cũng biết đến công việc của người phụ nữ này. Nhưng theo ông Nguyễn Đình Lương: "Bà là người xứng đáng được trao phần thưởng cao nhất vì những đóng góp to lớn cho sự phát triển quan hệ Việt - Mỹ". Bà không nhớ được đã có bao nhiêu ngày tháng ăn cơm Việt Nam, có bao nhiêu chuyến bay qua lại trên con đường dài từ Mỹ đến Việt Nam và ngược lại. Bà cũng không thể nhớ hết đã được gặp bao nhiêu người trong các thế hệ quan chức ở Washington, ở Hà Nội để góp phần tháo gỡ những vấn đề còn vướng mắc và để  hai bên xích lại gần nhau. Bà đã có mặt gần như trong tất cả các sự kiện xảy ra trong quá trình bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ. Bà là nhân chứng của bao thăng trầm. Bà vui với mỗi thành công và trái tim bà lắng đọng khi mối quan hệ hai bên có giờ phút giá lạnh. Trong đầu bà đầy ắp những kỷ niệm vui buồn của thời gian và sự kiện. "Một kỷ niệm đáng nhớ nữa đối với tôi là chuyến tháp tùng Tổng thống Clinton đến Việt Nam. Điều tôi cảm nhận được thật rõ ràng là một nhà lãnh đạo Mỹ đến Việt Nam và thực sự yêu mến đất nước này. Sau chuyến đi của Tổng thống Clinton đến Việt Nam, cha tôi đã quyết định phải đến Việt Nam mặc dù lúc đó ông đã 84 tuổi. Tôi đã rất lo lắng khi đưa một người già đi xa như thế, nhưng cuối cùng chúng tôi đã quyết định đưa ông đến Việt Nam. Đó là một quyết định quan trọng của tôi, thật là ý nghĩa khi cha tôi đến đất nước này và được biết những gì con gái mình làm. Trở về sau chuyến đi, cha tôi đã rất mãn nguyện và 6 tháng sau ông qua đời. Đó là một chuyến đi không thể quên được với ông", đôi mắt của bà như ngấn lệ.

"Tôi cũng có những người bạn Việt Nam rất tốt. Có lần tôi ốm rất nặng, bên giường bệnh của tôi ngoài cha mẹ, con gái tôi còn có một người bạn Việt Nam - Đại sứ Lê Bàng. Họ đã ở bên tôi suốt ngày đêm cho đến khi tôi khỏe trở lại". “Nếu có một bài học từ việc ký BTA thì đó là bài học gì cho hai dân tộc?”, chúng tôi hỏi. Người phụ nữ Mỹ nhỏ nhắn bỗng nhìn xa xăm: "Nhiều người cũng đã hỏi tôi về điều này. tôi nghĩ điều tôi cảm thấy tiếc nhất, đó là gần đi đến kết thúc thì chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội để rồi mất hai năm rưỡi lãng phí với một lý do không đáng so với tầm quan trọng của nó đối với nền kinh tế Việt Nam, cũng như đối với cộng đồng doanh nghiệp Mỹ. Có người nói là lỗi nằm ở Việt Nam,  có người nói lỗi nằm ở phía Mỹ nhưng tôi cho rằng hai bên đã phải trả một giá quá đắt. Tôi luôn nói rằng chúng ta phải so sánh lợi ích khi cánh cửa mở ra cho quan hệ hai nước với cánh cửa đóng lại. Nếu đóng lại chúng ta cũng chẳng có cơ hội để mở cánh cửa tiếp theo".

Nếu có thể nói một câu về quan hệ Việt - Mỹ trong 5 năm tới, bà sẽ nói gì ? "Sẽ là việc Việt Nam gia nhập WTO và Việt Nam được hưởng Quy chế thương mại vĩnh viễn từ Mỹ. Quan hệ hai nước sẽ đi vào chiều sâu và rộng hơn trên tất cả các kênh. Một tương lai sáng sủa là điều mà tôi tin tưởng". Điều đó, chúng tôi có thể nhìn thấy trong ánh mắt long lanh sáng ngời của người phụ nữ này. 

Xuân Danh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.