“Dịch cúm” âm nhạc

22/12/2005 15:58 GMT+7

“Chúng ta đang đứng trước hai đại dịch: "dịch cúm gia cầm" và "cúm âm nhạc". Cúm gia cầm thì dù sao đã có cách phòng chống, còn cúm âm nhạc vẫn là một đại dịch vô phương cứu chữa!”, nhạc sĩ Lê Mây (Hội viên Hội nhạc sĩ Việt Nam) nói trong cuộc trao đổi về âm nhạc để gửi tới các cơ quan quản lý văn hóa cùng những nghệ sĩ chân chính hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc.

Bát nháo ca khúc

Nhìn lại chặng đường phát triển của ca khúc Việt Nam từ những thập niên 60 của thế kỷ trước ắt hẳn chúng ta rất tự hào về những đóng góp to lớn cho nền âm nhạc Việt Nam của lớp lớp các thế hệ nghệ sĩ, nhạc sĩ, ca sĩ đàn anh, đàn chị. Ngoài dòng ca khúc cách mạng đã trở thành thiên sử hùng ca ca ngợi sự hy sinh thầm lặng nhưng vĩ đại của những chiến sĩ, bà mẹ Việt Nam anh hùng... cũng đã được khẳng định giá trị nghệ thuật. Đây cũng là tiếng nói của tâm hồn, của trái tim, là tiếng lòng người nghệ sĩ trong cuộc sống đời thường!

Không đi theo xu hướng phát triển tích cực đó, ngày nay một số nhạc sĩ trẻ, ngay cả những nhạc sĩ rất thành danh, nổi tiếng đã lóa mắt vì đồng tiền để bán rẻ cái “tôi” của mình, sáng tác những ca khúc thị trường, kém giá trị nghệ thuật, chạy theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận công chúng nghe nhạc. Chỉ cần nghe tên của bài hát đó ắt hẳn chúng ta phải rợn tóc gáy bởi những ca từ gây “sốc” như Không yêu thà rằng em nói một câu; Em sẽ khóc vì tôi; Kiếp chung tình; Ngã ba tình; Không có lần thứ hai; Đau một lần rồi thôi... với những ca từ nghèo nàn, cũ kỹ đến mức... rẻ rúng! Chỉ cần nghe vài câu trong một bài hát nào đấy ta có cảm giác đây như là một “diễn đàn” của bọn trẻ để chúng cãi vã, mắng mỏ nhau trong cuộc sống đầy lừa lọc, dối gian. Nói chung toàn bộ bài hát chẳng có một tí chất “văn”, chất “nhạc” nào, giữa nội dung, ca từ và âm nhạc chẳng có sự đan xen với nhau bởi toàn là chắp vá, cóp nhặt.

Dường như người ta bị bế tắc trong việc sử dụng ngôn từ trong âm nhạc hay họ chẳng hiểu biết gì về nghệ thuật, về bản sắc văn hóa? Hình như tâm trạng của người nghệ sĩ “nửa mùa” ấy đang rất đau đớn, dằn vặt và... giãy giụa trước những cám dỗ của đồng tiền, của dối trá trong tình yêu? Chẳng hiểu rằng khi viết những bài hát kém chất lượng này, họ có cảm thấy hổ thẹn, tội lỗi với lương tâm, với một nền âm nhạc Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc? Bỗng dưng họ lại tự biến mình thành những “con rối cạn” đang múa may quay cuồng trước một thứ âm nhạc hỗn độn?

Mới đây trong chương trình Bài hát Việt lại xuất hiện một bài hát với tên gọi Chim sẻ xù lông không mấy thiện cảm với công chúng nghe nhạc. Ca từ và giai điệu chẳng có gì đặc biệt, nói cách khác là nó quá... rẻ tiền! Ấy thế mà lại đoạt giải? Một lần nữa lại gióng lên hồi chuông cảnh báo với các cơ quan quản lý văn hóa, các nhà đài. Mong rằng chương trình tầm cỡ, một sân chơi quy mô như thế không nên có những hạt sạn đáng tiếc.

Không dừng lại ở đây, ca khúc bây giờ còn lai căng một thứ âm nhạc quái dị mà trong lịch sử âm nhạc Việt Nam chưa bao giờ nhắc đến, đó là ráp Việt (vừa nói, hát trên nền tiết tấu kích động). Thôi thì có đủ rác rưởi của xã hội lại được vào trong bài hát để bọn trẻ đón nhận, thưởng thức, để bày tỏ tình yêu của mình nào là ráp HàNội, Hải Phòng, ráp chế... có đủ hết. Có hẳn những trang web đăng tải công khai nội dung những bài hát này với số lượng hàng triệu lượt người truy cập. Tất nhiên chủ yếu cũng chỉ là giới trẻ độ tuổi từ 14 đến 23 đón nhận mà thôi. Đây cũng là bài toán khó đối với những cơ quan chức năng và các nhà quản lý văn hóa nước ta hiện nay?

Thập cẩm “nghệ danh”!...

Nếu để liệt kê danh sách những ca sĩ thị trường đã thành danh thì cũng phải mất hàng giờ đồng hồ cũng không hết, đó là chưa kể những ca sĩ “hạng vừa” đang hát ở quán bar, phòng trà. Chỉ nghe đến tên những ca sĩ này thì chúng ta cũng chóng mặt bởi những “nghệ danh” rất kêu như Quách Thành D, Nhật Tinh A, Châu Gia K, Điền Thái T, Lưu Chí V,... nghe rất Hồng Kông, chẳng có chút hồn Việt nào ở đây. Chính sự hỗn độn này đã xảy ra một câu chuyện dở khóc, dở cười với ca sĩ trẻ Lâm Nhật T ở TP. HCM bởi sự trùng “nghệ danh”.

Thật là trớ trêu, nực cười khi tên tuổi thì nổi tiếng như thế nhưng thực chất tài năng nghệ thuật và tư cách nghệ sĩ thì hoàn toàn trái ngược. Họ cư xử không đúng mực với người hâm mộ, những người yêu mến họ thậm chí là thiếu văn hóa, phát ngôn bừa bãi mà đi kèm với nó là lối sống thác loạn, tha hóa về nhân cách.

Đã có rất nhiều vụ “tiền - tình” tai tiếng, ầm ĩ trong dư luận của một số ca sĩ, nhạc sĩ đã được báo chí nhắc đến. Phải chăng đây cũng là một trong những chiêu thức lăng xê quái đản của bầu sô? Nào là chuyện cô gái Việt Kiều kiện ca sĩ L.H vì lừa tình, lừa tiền của cô ta, ca sĩ Ư.H.P tham gia ẩu đả với fans hâm mộ, gây trọng thương; ca sĩ T.H gây gổ với CSGT; nữ ca sĩ T.H ăn cắp điện thoại; một số ca sĩ kiêm diễn viên, người mẫu Y.V, L.N.A, K.T... tham gia vào đường dây mại dâm gái gọi và còn rất nhiều ca sĩ, diễn viên, người mẫu nữa mà chúng tôi không thể kể hết ra đây.

Như thế cũng thấy rằng, hoàn toàn họ theo nghệ thuật không nhằm vì nghệ thuật mà vì đồng tiền. Có ý kiến lại cho rằng: Họ ngụy trang dưới cái mác “ca sĩ” để đi kiếm tiền cho... dễ (?!). Chả thế mà nhiều diễn viên cũng “đá vịt, đá gà” trên sàn diễn để chen chân kiếm một cái danh “Les maisons” hão huyền: “ca sĩ - diễn viên - người mẫu”.

Bài toán khó cho các nhà quản lý văn hóa?

Qua những gì đã nêu ở trên phần nào cho chúng ta thấy được bộ mặt của nền âm nhạc thị trường nói riêng và âm nhạc Việt Nam hiện nay. Sự phát triển một cách ồ ạt, nhạc sĩ, ca khúc thị trường đã có tác động xấu đến nền âm nhạc nước nhà, đặc biệt là ảnh hưởng tới nhận thức, lối sống không lành mạnh của một bộ phận thanh thiếu niên ngày nay. Việc loại bỏ những ca khúc yếu kém của các nhạc sĩ “nửa mùa”, ca sĩ “dỏm” là điều rất cần thiết.

Đã có thời gian một số ca khúc thị trường nhảm nhí đã bị Cục Nghệ thuật biểu diễn nghiêm cấm sử dụng, một số ca sĩ đã bị tịch thu giấy phép hoạt động biểu diễn phần nào cũng thỏa lòng mong đợi của những người làm nghệ thuật chân chính, thế nhưng cần phải làm mạnh tay, cương quyết hơn nữa thì kết quả mới thực sự được như mong muốn.

Hoàng Bảo Đăng/báo Công An Nhân Dân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.