Hội nhập và thách thức cho ASEAN

07/09/2012 04:00 GMT+7

Việc thúc đẩy hình thành khu tự do mậu dịch trải dài 16 nước châu Á - Thái Bình Dương tạo ra không ít cơ hội lẫn thách thức cho ASEAN.

Hồi đầu tháng, AFP dẫn lời TTK ASEAN Surin Pitsuwan cho hay 10 thành viên ASEAN cùng 6 nước đối tác đã “đồng ý về nguyên tắc” đối với việc hình thành khu vực tự do thương mại. Theo đó, các bộ  trưởng kinh tế, thương mại hoặc công nghiệp đến từ 10 nước thành viên ASEAN và 6 nước đối tác khu vực gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và New Zealand vừa gặp nhau tại Siem Reap của Campuchia.

Sau cuộc gặp, tất cả đại diện đều thống nhất sẽ khởi động đàm phán hiệp định tự do mậu dịch mang tên Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vào tháng 11.2012, nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh ASEAN. Hiện tại, các thành viên ASEAN đã có hiệp định tự do mậu dịch với 5 trong 6 đối tác trên. Vì thế, việc hướng đến hình thành RCEP được cho là sẽ không quá khó khăn.

 Đại diện của những thành viên ASEAN và các nước đối tác - Ảnh: Asahi
Đại diện của những thành viên ASEAN và các nước đối tác - Ảnh: Asahi

AFP dẫn lời TTK Pitsuwan chia sẻ: “Ý tưởng này kết nối các hiệp định tự do thương mại riêng rẽ giữa ASEAN với từng đối tác để hợp nhất chúng. Về nguyên tắc thì đã được thông qua”. Khi RCEP ra đời, 16 đối tác sẽ cùng chia sẻ thị trường với hơn 3,5 tỉ dân, tương đương một nửa dân số toàn cầu, và có tổng giá trị GDP lên đến 23.000 tỉ USD, chiếm 1/3 toàn thế giới.

AFP cũng dẫn lời Bộ trưởng Thương mại New Zealand Tim Groser nhận định: “Đây là bước đi táo bạo để làm sâu sắc việc thống nhất một khu vực năng động nhất thế giới. Diễn biến này chứng minh châu Á vẫn đang tích cực theo đuổi tự do hóa mậu dịch bất chấp một số khó khăn ở các khu vực khác của thế giới”.

Tuy nhiên, điều gì cũng có tính hai mặt. Hội nhập giúp chia sẻ thị trường mà cũng sẽ khiến một số nền kinh tế nhỏ chịu ảnh hưởng do gánh nặng của nền kinh tế lớn cùng khối. Các nền kinh tế ASEAN sẽ phải cùng giải quyết bài toán dư thừa sản lượng ở Trung Quốc do hậu quả của việc đầu tư tràn lan. Nổi bật nhất là việc Trung Quốc đang tồn đọng lượng thép thừa quá lớn khiến các doanh nghiệp nước này phải bán tháo bán đổ nên thiệt hại nặng nề.

Cuối tháng trước, Tân Hoa xã đưa tin 80 nhà sản xuất thép lớn nhất của Trung Quốc thiệt hại tổng cộng 312 triệu USD chỉ trong tháng 7 vì thép rớt giá. Một số  dự báo cho rằng sản lượng thép thừa ở Trung Quốc sẽ tràn sang thị trường các nước ASEAN hiện có chung hiệp định tự do thương mại với Trung Quốc.

Ngô Minh Trí

>> Trung Quốc mất lợi thế trước ASEAN
>> Hồng Kông muốn gia nhập ACFTA với ASEAN
>> Canada hướng tới ASEAN
>> Mỹ muốn ASEAN thống nhất về biển Đông
>> Gây áp lực lên ASEAN là thiếu khôn ngoan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.