Tìm vàng từ rác thải điện tử

21/12/2009 11:50 GMT+7

Chính phủ Nhật Bản đã có nhiều nỗ lực “xanh” sau khi nhận thấy môi trường đã phải trả giá không nhỏ cho sự tăng trưởng kinh tế.

Trong nỗ lực biến một vấn đề môi trường thành cơ hội kinh doanh, các công ty công nghệ cao tại đất nước nghèo tài nguyên Nhật Bản đang nỗ lực khai thác vật liệu quý từ rác thải điện tử độc hại.

Trả tiền nếu muốn bỏ rác điện tử

Một dự án mẫu là nhà máy Panasonic Eco Technology Center ở thành phố Kato. Bên trong nhà máy, các công nhân tháo dỡ những chiếc ti vi màn hình phẳng, tủ lạnh, máy điều hòa nhiệt độ, tách riêng những thành phần làm bằng kim loại và chất dẻo rồi cho vào hộp để đem đi tái chế.

Ông Yutaka Maeuhara, một quản lý tại nhà máy, cho hãng tin AFP biết 90% thành phần bị tháo dỡ đều đang được tái sử dụng bằng cách này hay cách khác. Ngoài ra, nhà máy còn phân lập những thành phần độc hại như kim loại nặng và khí nguy hiểm. Một mục tiêu quan trọng của nhà máy là làm sao tác động đến môi trường xung quanh càng ít càng tốt trong quá trình hoạt động.

Trong những năm gần đây, chính phủ Nhật Bản đã có những nỗ lực “xanh”, như siết chặt các tiêu chuẩn về khí thải và ban hành nhiều quy định bảo vệ môi trường, sau khi nhận thấy môi trường đã phải trả một cái giá không nhỏ cho sự tăng trưởng kinh tế.

Đến năm 2001, chính phủ đã đưa vào hoạt động một hệ thống tái chế, trong đó tách riêng giấy, thủy tinh và ca nhôm từ những rác thải ở nhà có thể mang đi đốt. Ngày nay, người dân nào muốn bỏ hàng điện tử gia dụng phải trả trung bình 28 USD cho một máy giặt, 32 USD cho một ti vi hoặc 54 USD cho một tủ lạnh. Nhờ những nỗ lực nói trên, số lượng rác tại các bãi rác hằng năm hiện đã giảm đáng kể so với mức năm 1990.

ĐTDĐ, camera cũ được quan tâm

Đối với nỗ lực tái chế rác thải điện tử, một công ty đi tiên phong ở Nhật Bản là hãng Canon bắt đầu tái chế thành phần máy in từ 20 năm trước. Ông Tomonori Iwashita, quan chức phụ trách chính sách môi trường của Canon, cho biết: “Chúng tôi có một hệ thống tái chế khép kín, những thành phần trong sản phẩm cũ sau khi tái chế sẽ được sử dụng lại trong những sản phẩm mới”.

Trong số rác thải điện tử được tái chế, điện thoại di động (ĐTDĐ) và camera đã qua sử dụng được quan tâm nhiều hơn cả do những kim loại quý có trong chúng, như vàng, bạc và đồng. Chính phủ gần đây đã phát động một chiến dịch khuyến khích người sử dụng ĐTDĐ đem thiết bị cũ của mình đến các công ty để tái chế.

Bất chấp những nỗ lực “xanh” nói trên, có một thực tế là không ít công ty vẫn thải ra môi trường những vật liệu nguy hiểm. Ông Tetsuya Sekiguchi, một nhà hoạt động môi trường, nhận định: “Tôi đã đấu tranh cho vấn đề ô nhiễm rác thải trong vài thập kỷ qua, nhưng tình trạng thải rác trái phép vẫn chưa được cải thiện bao nhiêu vì không có nhiều công ty quan tâm đến vấn đề tái chế”.

Một thách thức khác là tác động của toàn cầu hóa đối với ngành công nghiệp tái chế. Ông Yuichi Moriguchi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về tái chế và chất thải thuộc Viện Nghiên cứu Môi trường Quốc gia Nhật Bản, cho biết: “Một số nước châu Á đang tìm kiếm vật liệu thải của Nhật Bản, khiến ngành công nghiệp tái chế trong nước thiếu vật liệu đầu vào”.

Vấn đề đáng lo hơn là do không có được những công nghệ tiên tiến như ở Nhật Bản, việc tái chế vật liệu thải ở những nước châu Á nói trên thường gây ra vấn đề về sức khỏe và môi trường cho chính họ.

Theo Phương Võ / NLĐ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.