Lớp học tình thương ở rừng U Minh Thượng

27/12/2012 09:16 GMT+7

Ở tuổi 70 tuổi, lẽ ra phải nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi, vui vầy bên con cháu, nhưng gần 12 năm qua, vợ chồng thầy giáo Trần Văn Nhâm và cô Lê Thị Lệ vẫn miệt mài với lớp học tình thương ở Xẻo Nhàu A, một ấp vùng sâu của xã Tân Thạnh (H.An Minh, Kiên Giang).

Lớp học tình thương ở rừng U Minh Thượng
Vợ chồng thầy Nhâm bên những học trò của mình

Duyên nợ với trẻ nghèo

Ấn tượng đầu tiên khi đến lớp học này là cảnh học sinh ngồi chật cả 2 phòng học tạm bằng tre lá. Một bên, thầy Nhâm đang dạy học sinh đánh vần, bên kia cô Lệ dạy trò làm toán. Nhìn không khí học tập sôi nổi ở 2 phòng học cây lá, đơn sơ này ít ai có thể hình dung, nó đã được duy trì gần 12 năm và xóa mù chữ cho biết bao trẻ nghèo.

Trong vòng vây của những học trò nhỏ, thầy Nhâm, cô Lệ xúc động kể về lớp học tình thương của mình. Năm 2000, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, lương của giáo viên tiểu học không đủ để nuôi hai đứa con đang học đại học tại Cần Thơ, vợ chồng thầy Nhâm phải rời bục giảng ở Rạch Giá về quê Xẻo Nhàu A làm kinh tế. Là xã vùng sâu, đường không có, điện cũng không nên chuyện cho con em đi học ở Xẻo Nhàu rất khó khăn. “Lúc vợ chồng tôi mới vô đây, gặp lại mấy đứa học trò cũ, chúng đem con lại gửi nhờ kèm cặp. Thấy các cháu kém quá. Mấy đứa học trò năn nỉ mình mở lớp dạy tư để chúng gửi con. Vợ chồng đắn đo mãi rồi quyết định trở lại với nghề”, thầy Nhâm kể.

Năm đầu tiên mở lớp, do còn phải nuôi hai con ăn học nên thầy cô phải thu học phí 500 đồng/em/ngày. Sang năm 2001, các con ra trường đi làm, thầy cô chuyển qua dạy tình thương không thu tiền nữa. Dù chỉ là lớp học tạm nhưng học trò của vợ chồng thầy Nhâm tiến bộ rất nhanh, phụ huynh ai cũng vui mừng vì con học mau biết chữ. “Tiếng lành đồn xa”, nhiều người ở các xã lân cận tìm đến thầy cô gửi con em. Chẳng mấy chốc số lượng học trò đã lên đến hơn trăm em. Để có đủ bàn ghế cho học trò, hằng ngày ngoài giờ dạy, vợ chồng thầy Nhâm phải đi xin từng cây dừa, tấm ván, tàu lá đem về cùng với phụ huynh xẻ cây, chắp vá, nới rộng nơi học hành cho các em.

Dạy đến khi không đủ sức

Hiện tại, thầy Nhâm và cô Lệ dạy luân phiên 4 lớp với trên 120 em từ mẫu giáo đến lớp 3. Mỗi người đảm nhận 2 lớp nên thầy cô phải đứng lớp cả sáng, chiều. Kỳ hè, công việc lại bận gấp bội bởi nhiều phụ huynh tranh thủ gửi con đến nhờ kèm thêm. Cả những ngày thứ bảy, chủ nhật, thầy cô cũng hiếm khi chịu nghỉ ngơi mà hay nhắn các em yếu kém tập trung tại nhà để ôn bài. Những học sinh học ở đây, ngoại trừ khoản tiền đóng góp để mua phấn, nước uống là 2.000 đồng/em/tháng, không phải đóng khoản chi phí nào khác.

Trước hiệu quả xóa mù chữ từ lớp học này, Sở GD-ĐT tỉnh Kiên Giang đã chính thức công nhận lớp học do thầy Nhâm, cô Lệ thành lập là một điểm trường của Trường tiểu học Tân Thạnh. Thầy Nhâm vui vẻ khoe: “Vợ chồng tôi tự hào là các em học ở đây đều tiếp thu kiến thức rất tốt. Năm nào tỷ lệ học sinh tiên tiến cũng cao”. Chính vì lớp học hiệu quả nên nhiều người vẫn gọi vợ chồng thầy Nhâm là “chuyên gia trị bệnh mất căn bản”. Cô Lệ chia sẻ: “Muốn các cháu học tốt mình phải thực sự quan tâm, coi chúng như con cái để chúng đừng rụt rè, sợ sệt, giấu dốt rồi mới tập thói quen học nghiêm túc, siêng năng”.

Thiếu thốn đủ bề nhưng hằng ngày, dù nắng gắt hay mưa dầm lầy lội, lớp học của thầy cô vẫn luôn đông đúc. Đó chính là động lực để thầy Nhâm, cô Lệ từ chối cuộc sống an nhàn, tiếp tục bám trụ với lớp học tình thương của mình. “Con cái đều thành đạt cả, tụi nó cứ kêu về ở chung trên Cần Thơ cho an nhàn. Nhưng nhìn lũ trẻ ở đây, rồi tình cảm của các phụ huynh, vợ chồng tôi không cam tâm dời đi”, cô Lệ nói.

Còn thầy Nhâm, lúc tiễn chúng tôi ra về, thầy nhắn đi nhắn lại: “Em về thành phố, nếu có thấy sách gì hay nhớ mua giúp tôi nha. Ở đây, vợ chồng tôi không đi đâu được, chỉ ao ước có một tủ sách cho các em và em nào cũng có đầy đủ tập, viết, sách giáo khoa để học”.

Đình Tuyển

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.