Ca nhạc vắng khách, rạp phim đông người

23/12/2008 22:46 GMT+7

Khán giả, đặc biệt là tuổi đôi mươi đang ngày càng thích đến rạp xem phim. Đây là sự thay đổi nhu cầu thưởng thức nghệ thuật so với cách đây vài năm.

Một năm âm nhạc ít sôi động

Chưa có con số thống kê cụ thể chính xác về doanh thu âm nhạc trong cả nước do không thể dẹp bỏ được nạn băng đĩa lậu, và vì vậy khó mà căn cứ vào số lượng đĩa gốc do các ca sĩ phát hành để nhìn lại toàn bộ thị trường băng đĩa nhạc. Mặt khác, không có công ty nghiên cứu thị trường đánh giá mức độ kinh doanh các chương trình biểu diễn ca nhạc để có số doanh thu cụ thể.

Tuy nhiên nhìn lại một năm qua, trừ vài liveshow của các ca sĩ hàng sao như Quang Dũng, Đàm Vĩnh Hưng, Đan Trường, Cẩm Ly, còn lại đa số các chương trình ca nhạc hiện nay đều do các đài phát thanh, truyền hình tổ chức; hoặc một vài công ty tổ chức thực hiện chương trình nhưng chủ yếu để phục vụ việc quảng bá thương hiệu là chính, hay chỉ là những show nhỏ tại các tụ điểm ca nhạc với sự đơn điệu trong tổ chức, dàn dựng.

Một mô hình đặc trưng khác của ca nhạc là phòng trà cũng đang "thoi thóp". Đơn cử tại TP.HCM, chỉ một vài phòng trà như Đồng Dao, Không Tên, ATB, Văn Nghệ là còn có thể trụ lại được với thời khó khăn về kinh tế. Còn lại rất nhiều phòng trà buộc phải giải tán hoặc chờ đợi thời cơ thuận tiện tái khai trương.
Cũng có vài thử nghiệm như vở nhạc kịch Lan và Điệp, Kim Vân Kiều kết hợp giữa ca nhạc, cải lương với dàn nhạc giao hưởng nhưng cũng chỉ ở dạng "thăm dò" chứ chưa thể tạo nên một sự đột phá về dàn dựng show ca nhạc theo khuynh hướng đương đại.

Điện ảnh khởi sắc

Qua rồi thời điện ảnh đìu hiu, rạp chiếu phim xuống cấp trầm trọng, phim chiếu chỉ để "ru ngủ" khán giả, nay điện ảnh đã thật sự thay đổi cả về chất và lượng. Hàng loạt hãng phim trong nước ra đời, tuy chưa thể tạo ra nhiều bộ phim đạt giá trị nghệ thuật cao nhưng cũng đã phần nào thỏa mãn được nhu cầu khán giả trong nước, đặc biệt là dịp Tết. Trong khi đó với 3 "đại gia" chuyên nhập phim là Thiên Ngân (Galaxy), Megastar và BHD, chuyện khán giả trong nước được xem những bộ phim hay nhất của Hollywood và thế giới đã trở nên rất đỗi bình thường.

Theo nhận định của giới hoạt động, kinh doanh điện ảnh, nguyên nhân để khán giả quay lại với màn bạc do hệ thống rạp chiếu phim trong cả nước đã có sự thay đổi lớn. Nhiều cụm rạp được xây dựng đúng chuẩn thế giới. Vào rạp, nhiều khi khán giả khó mà phân biệt đang ngồi xem phim ở New York, Paris, Singapore hay Hà Nội, TP.HCM; vì nhiều rạp được lắp đặt hệ thống âm thanh nổi cùng máy chiếu phim đời mới nhất để có thể cho ra những khuôn hình đạt chất lượng cao.

Yếu tố thứ hai, quan trọng không kém chính là sự nhanh nhạy của các hãng phân phối phim tư nhân khi họ nhanh chóng đáp ứng nhu cầu thị trường. Năm 2008, Megastar nhập về hàng loạt phim "bom tấn", chỉ chiếu sau Mỹ từ 1 đến 2 tuần như Iron Man (Người sắt), Hoàng tử Caspian, Indiana Jones 4, Mummy 3, Eagle eye (Mắt đại bàng), High school musical... Mùa Giáng sinh và năm mới 2009, hàng loạt bộ phim do Megastar nhập về, ra mắt khán giả cả nước như Transporter 3, Twilight (Chạng vạng), Đại chiến Xích Bích 2... gần như cùng thời điểm với Mỹ. Riêng phim Watch Man chiếu ở Việt Nam sau Mỹ (22.1) đúng 1 ngày là 23.1.2009.

Công ty Thiên Ngân cũng phát hành rất nhiều phim "bom tấn" ở Hollywood tại thị trường Việt Nam như Batman-The dark knight, Hancock (Siêu nhân cái bang), Quantum of solace… chậm hơn thị trường Bắc Mỹ vỏn vẹn từ 3 đến 5 ngày, trước cả thị trường châu Á, Úc. BHD dù nhập ít phim hơn nhưng cũng tạo ấn tượng mạnh khi trình chiếu các phim ăn khách nhất do Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan sản xuất như Họa bì, Chuyện tình kiếm khách hay Xin đừng gác máy.

Những nhà đầu tư điện ảnh nhìn nhận thị trường phim chiếu rạp tại Việt Nam rất có tiềm năng với dân số trên 80 triệu người. Vì vậy các công ty phát hành phim đang ra sức cải tạo dần hệ thống rạp để tăng số lượng lên đáng kể (hiện chỉ khoảng trên dưới 100 rạp trong cả nước). Ngày 18.12 vừa qua, Megastar khai trương thêm cụm rạp chiếu phim tại CT Plaza - 60A Trường Sơn, Q.Tân Bình, TP.HCM phục vụ nhu cầu xem phim của khán giả dịp cuối năm.

Với những con số cụ thể về doanh thu, thị trường điện ảnh chắc chắn hứa hẹn nhiều sự bứt phá lớn trong năm 2009. Theo thông tin từ Công ty Thiên Ngân và Megastar, trong năm 2009 sẽ giới thiệu với khán giả cả nước những bộ phim "hot" nhất của Hollywood cùng thời điểm phát hành tại Mỹ. Sự năng động, nắm bắt thị trường của các hãng phân phối, phát hành phim trong thời gian qua là minh chứng cho hướng đi đúng của chương trình xã hội hóa nghệ thuật đã đề ra. Và người được lợi nhiều nhất không ai khác hơn chính là khán giả cả nước.

Năm 2008, ước tính tổng doanh thu bán vé xem phim trong cả nước đạt xấp xỉ 200 tỉ đồng, trong đó riêng Thiên Ngân và Megastar đạt trên dưới 180 tỉ, vượt gấp đôi so với năm 2007. Hàng loạt phim ra rạp đã lên cơn sốt vé vào các ngày cuối tuần như Mummy 3 (thu về 10 tỉ đồng), Kungfu Panda (7,1 tỉ), Batman-The dark knight (6 tỉ), Hancock (4 tỉ)... Riêng Quantum of solace dù vẫn còn đang chiếu nhưng doanh thu đã đến con số 10 tỉ đồng.

Đỗ Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.