Niềm vui từ một bài báo

15/12/2010 23:26 GMT+7

Trong nghề làm báo, phóng viên được lưu ý đến ba khâu quan trọng là phát hiện đề tài, giới thiệu và nuôi dưỡng điển hình. Có thể nói tôi đã ít nhất một lần thành công với Báo Thanh Niên.

Tôi có một người anh rể là GS-TS Trần Đình Khương dạy ở Đại học Laval (Canada). Năm 2006, ông nghỉ hưu, cùng bạn bè về nước làm từ thiện, góp phần chăm lo đời sống cho đồng bào nông thôn.


Một cây cầu do nhóm VK xây ở Sóc Trăng

Nhóm thiện nguyện mà anh tham gia lấy tên là VK - gồm hơn 10 Việt kiều từ Canada, Mỹ, Pháp, Đức, Nhật, Úc... và có cả người nước ngoài. Chương trình của họ là xây những cây cầu bê tông để xóa dần cầu khỉ ở đồng bằng sông Cửu Long bằng kinh phí vận động được từ các nhà tài trợ, chủ yếu là ở nước ngoài. Nhóm VK bắt đầu hoạt động từ năm 2004 với kế hoạch khiêm tốn là trong 3 năm phải xóa được 10 cây cầu khỉ. Nhưng nhờ các nhà hảo tâm nhiệt tình giúp đỡ, với cách làm việc khoa học và tiết kiệm tối đa, chỉ đến đầu năm 2006, nhóm VK đã khánh thành cây cầu thứ 12 ở xã Xuân Thắng, huyện Cờ Đỏ, tỉnh Cần Thơ. Tôi được anh Khương rủ theo đoàn VK về dự lễ khánh thành cây cầu này vào ngày 5.3.2006.

Trong đoàn có chị Phạm Thị Kim Châu - Việt kiều Úc - kỹ sư cơ khí và là nhà thơ, cũng là ủy viên văn nghệ của đoàn. Cứ mỗi cây cầu làm xong, chị phải sáng tác một bài thơ để đọc trong lễ khánh thành. Ví dụ:

Thành An chốn cũ quê xưa
Xây cầu đúc thế cầu dừa năm nao
VK dù ở phương nào
Lòng luôn nhớ đến đồng bào quê hương

Mời bạn đọc tham dự buổi giao lưu, trao giải cuộc thi Nếu tôi là Tổng biên tập Báo Thanh Niên

Lúc 8 giờ sáng ngày 18.12 tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM (4 Phạm Ngọc Thạch, Q.1), Báo Thanh Niên sẽ có buổi giao lưu với bạn đọc là sinh viên, học sinh và những người yêu mến tờ báo nhân kỷ niệm 25 năm ngày ra mắt số báo đầu tiên và trao giải cuộc thi viết Nếu tôi là Tổng biên tập Báo Thanh Niên. Bên cạnh việc giao lưu với các phóng viên của báo, các bạn sinh viên đoạt giải, còn có sự góp mặt của nhiều ca sĩ trẻ như Đức Tuấn, Noo Phước Thịnh, Dương Triệu Vũ, Phạm Quỳnh Anh... Vào cửa tự do.

Hôm ấy khi đến xã Xuân Thắng, đồng bào và quan khách đã tập họp đông đảo chuẩn bị làm lễ. Chị Kim Châu nhìn một vòng đám đông với vẻ mặt băn khoăn rồi nói nhỏ: “Cách đây mấy hôm tôi có gặp anh Nguyễn Công Khế - Tổng biên tập Báo Thanh Niên. Anh Khế có hứa sẽ cử phóng viên xuống tham dự để viết bài đưa tin về lễ khánh thành này. Nhưng sao đến giờ không thấy ai cả. Chắc là ổng quên mất rồi”. Đúng là không thấy có phóng viên nào của báo, đài trung ương hoặc địa phương. Không muốn chị thất vọng, tôi nói: “Báo Thanh Niên người nhiều thế mạnh, ở đâu cũng có cộng tác viên của họ. Biết đâu người của họ đã có mặt mà mình không biết đó thôi”. Khi ấy tôi nghĩ: “Mình cũng là cộng tác viên của Báo Thanh Niên. Không có phóng viên chẳng lẽ mình đã đi theo đoàn lại không viết nổi bài báo này?”. Tuy không chắc bài được đăng nhưng tôi vẫn ghi chép, chụp ảnh đầy đủ như một phóng viên tác nghiệp. Tối hôm ấy về nhà tôi thức viết xong bài, sáng hôm sau mang đến tòa soạn gửi cho ban biên tập rồi hồi hộp chờ đợi.


Bài báo viết năm 2006 của tác giả

Hai hôm sau thấy bài viết của mình đã xuất hiện trên Báo Thanh Niên. Bài và ảnh chiếm gần một trang, sốt dẻo và hoành tráng. Quá đã! Tôi liền gọi điện thoại báo cho anh Khương và chị Kim Châu. Chị Châu báo cho ông trưởng đoàn Nguyễn Văn Công. Lát sau cả đoàn đều được tin. Mỗi người đều mua ngay số báo ngày hôm ấy để đọc. Có người mua vét hết cả chục tờ Báo Thanh Niên trên sạp. Ai cũng thấy bất ngờ và phấn khởi. Nguyên mấy năm nay, đoàn đã làm được rất nhiều việc mà chưa hề thấy báo đài đưa tin. Nay đã có bài báo này thì đoàn VK có thể lấy đó làm bằng chứng để các nhà hảo tâm thấy rằng đồng tiền tài trợ của họ đã được sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả. Đáng mừng hơn nữa, bài báo đã lọt vào mắt xanh của đạo diễn Nguyễn Hoàng, thuộc Xưởng phim Tài liệu TFS - Đài truyền hình TP.HCM. Anh Hoàng nhờ tôi chuyển thể bài báo thành kịch bản phim tài liệu. Từ đó, tổ làm phim của Nguyễn Hoàng gắn với đoàn VK để xây dựng cuốn phim Nhịp cầu quê hương.

Bài báo này cũng đã được Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM chú ý và lập hồ sơ đề nghị UBND TP khen thưởng nhóm VK. Tết năm 2007, tất cả thành viên trong đoàn VK được UBND TP.HCM mời dự buổi họp mặt mừng xuân tại hội trường Thống Nhất. Mỗi người được trao tặng một bằng khen về thành tích xóa cầu khỉ. Chỉ có một người trong đoàn có bằng khen nhưng không đến nhận được. Đó là chị Phạm Thị Kim Châu. Ngày 18.5.2006, chỉ ít lâu sau lễ khánh thành cây cầu thứ 12, chị bị một chiếc xe ba gác chạy ngược chiều gây tai nạn tử vong. Để tỏ lòng thương tiếc, nhóm VK đã đặt tên cho cây cầu thứ 13 (tại xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) là cầu Phạm Thị Kim Châu.

Sau mấy năm thực hiện, cuốn phim tài liệu Nhịp cầu quê hương của đạo diễn Nguyễn Hoàng đã được phát sóng trên Đài truyền hình TP.HCM vào tháng 4.2010. Lại có thêm một niềm vui bất ngờ nữa: nhân Ngày báo chí Cách mạng VN 21.6.2010, tổ làm phim Nhịp cầu quê hương bao gồm biên kịch, đạo diễn, quay phim được Hội Nhà báo TP.HCM tặng thưởng giải ba năm 2010 về thể loại tài liệu báo chí.

Trong nghề làm báo, phóng viên được lưu ý đến ba khâu quan trọng là phát hiện đề tài, giới thiệu và nuôi dưỡng điển hình. Có thể nói tôi đã thành công trong việc phát hiện và giới thiệu điển hình là nhóm VK. Còn khâu nuôi dưỡng thì khỏi cần. Nhóm VK vẫn thừa thắng xông lên và liên tục phát triển. Cho đến cuối năm 2010 họ đã hoàn thành được cây cầu thứ 120 - vượt xa chỉ tiêu khiêm tốn ban đầu. Cứ thế, “cuộc chiến đấu” của nhóm VK với những cây cầu khỉ vẫn tiếp diễn. Mỗi cây cầu là một điểm sáng nổi lên giữa cảnh khó quê nghèo. Đây mới là niềm vui chung lớn nhất của mọi người.

Hoàng Phủ Ngọc Phan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.