Uy lực pháo điện từ của Mỹ

09/04/2014 09:00 GMT+7

Hải quân Mỹ sắp thử nghiệm loại pháo điện từ có sức công phá lớn với tham vọng biến nó thành dòng vũ khí tấn công chủ lực trên biển.

Vận tốc gấp 7 lần vận tốc âm thanh


Ảnh minh họa pháo điện từ lắp đặt trên tàu USNS Millinocket của Mỹ - Ảnh: US Navy

Ngày 7.4, Chuẩn đô đốc Matthew Klunder, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu hải quân Mỹ, thông báo loại pháo điện từ mới được hải quân phát triển có thể bắn những viên đạn nặng 10 kg đi xa 160 km với vận tốc gấp 7 lần vận tốc âm thanh (Mach 7). Ông tiết lộ việc phát triển pháo điện từ được lấy cảm hứng từ bộ phim Chiến tranh giữa các vì sao (Star Wars). “Hiện pháo điện từ không còn là chuyện khoa học viễn tưởng nữa mà đã trở thành hiện thực. Nó sẽ giúp chúng ta trong lĩnh vực phòng không, cụ thể là chống tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo”, ông Klunder tuyên bố.

Chi phí sản xuất thấp

Ông Klunder khẳng định ưu điểm của pháo điện từ là tạo ra sức công phá lớn nhưng chi phí sản xuất lại thấp, theo Reuters. Cụ thể, việc phóng một viên đạn pháo điện từ chỉ tốn khoảng 25.000 USD so với từ 500.000 - 1,5 triệu USD để phóng một tên lửa. Nó cũng có thể bắn hạ các mục tiêu trên không trung. “Không có gì trên bầu trời có thể chịu được đạn pháo điện từ”, ông Klunder nhấn mạnh.

Chuẩn đô đốc Bryant Fuller, kỹ sư trưởng của hải quân, cho biết mỗi viên đạn khi rời khỏi nòng súng sẽ được cung cấp năng lượng 32 MJ (1 MJ có thể đẩy một vật thể nặng 1 tấn bay với tốc độ 160 km/giờ). Theo Lầu Năm Góc, tác động từ va chạm thẳng đứng với mục tiêu đủ đáp ứng mọi sứ mệnh pháo kích của hải quân Mỹ.

Pháo điện từ mới đã được thử nghiệm rộng rãi trên đất liền và sẽ được đưa lên tàu vận tải cao tốc USNS Millinocket để tiến hành bắn thử trên biển vào năm 2016, theo Chuẩn đô đốc Klunder. Giới chức Mỹ hy vọng siêu pháo sẽ được trang bị cho tàu chiến sau năm 2018. Họ mong đợi nó sẽ trở thành dòng vũ khí tấn công chủ lực trên các chiến hạm Mỹ sau khi trải qua các cuộc thử nghiệm gắt gao. Các quan chức Lầu Năm Góc hiện rất ấn tượng với những vụ thử nghiệm của hải quân và đang khảo sát phương án xây dựng phiên bản trên bộ nhằm sử dụng vào mục đích phòng thủ tên lửa.

Vũ khí “thay đổi cuộc chơi”

Theo Reuters, giới chức Mỹ từng bày tỏ lo ngại rằng ngân sách quốc phòng eo hẹp có thể khiến Lầu Năm Góc đánh mất thế mạnh về công nghệ trước Trung Quốc, Nga... Những nước này thời gian gần đây đã phát triển hệ thống tên lửa chống hạm cũng như tăng cường năng lực phòng không nhằm thách thức sự thống trị của không quân và hải quân Mỹ. Các loại vũ khí như pháo điện từ có thể giúp quân đội Mỹ duy trì vị thế, tạo ưu thế lớn so với đối thủ. Ngoài ra, với công nghệ mới này, tàu chiến có thể chở hàng trăm viên đạn pháo điện từ thay vì chỉ vài chục tên lửa.

Reuters đưa tin hải quân Mỹ đã tài trợ phát triển hai mẫu pháo điện từ bắn từng phát một của các tập đoàn vũ khí Mỹ General Atomics và BAE Systems. Chuẩn đô đốc Klunder cho biết thêm hải quân đã chọn Tập đoàn BAE Systems cho giai đoạn hai của dự án. Theo đó, BAE Systems sẽ nghiên cứu phát triển một hệ thống pháo điện từ có khả năng bắn hàng loạt thay vì từng viên một như hiện nay. Bên cạnh đó, các chuyên gia Mỹ cũng đang tính đến khả năng tạo loại đạn có thể điều khiển được sau khi chúng rời nòng pháo. Tuy nhiên, những điều này mới chỉ là ý tưởng và việc biến chúng thành hiện thực sẽ cần thêm thời gian cũng như công sức nghiên cứu.

Danh Toại

>> Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ được lên tàu sân bay Trung Quốc tham quan
>> Iran bí mật đóng 'bản sao' tàu sân bay Mỹ?
>> Tàu sân bay của lão ông
>> Mỹ sắp thử nghiệm siêu tàu sân bay
>> Pháp chạy thử nghiệm tàu sân bay chở trực thăng cho Nga

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.