Lặng lẽ Hoàng Trinh

25/12/2010 21:24 GMT+7

Từng là cô đào đẹp của Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ TP.HCM rồi đầu quân cho Sân khấu IDECAF mười mấy năm nay, hai chữ "trách nhiệm" có lẽ đã gắn chặt với Hoàng Trinh từ trong gia đình cho tới sàn diễn.

Một nghề như bao nghề

Thật sự trong những lần trông thấy Hoàng Trinh đi tập tuồng, đến Hội Sân khấu, tôi cứ có cảm giác đây là một cô giáo nghiêm nghị hơn là một nghệ sĩ. Gương mặt lẫn giọng nói, cách đi đứng đều chuẩn mực, thậm chí tưởng như... khó gần. Nhưng quen lâu ngày rồi mới biết, hoàn toàn ngược lại. Anh em ở Sân khấu IDECAF còn nói: “Bà Trinh hả? Bả nói chuyện nghe tức cười lộn ruột!”.

Hóa ra có một Hoàng Trinh khác ẩn phía sau một cô con gái gia đình gốc Bắc, nền nếp lễ nghĩa. Bố mẹ là thợ may, không cho phép con cái la cà ngoài đường, và đi việc gì đến tối thì cũng 10 giờ phải về nhà răm rắp. Hát hò kịch nghệ trong mắt bố mẹ chỉ là “xướng ca vô loài”. Vậy mà cô con gái Hoàng Trinh đã lén bước đi xa hơn, lặng lẽ thi vào Đoàn kịch Cửu Long Giang, vừa học nghề tại đoàn, vừa học lý thuyết ở trường Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM. Đến ngày nọ, khi đang diễn chính thức tại đoàn thì Hoàng Trinh xanh mặt khi phát hiện mẹ mình đang ngồi ở khán phòng chăm chú nhìn lên. Cô gái chạy vô hậu trường òa khóc hu hu. Thế là mọi người phải đến động viên. Bà mẹ từ tốn bảo: “Con cứ diễn bình thường đi, mẹ có làm gì đâu!”. Từ đó, Hoàng Trinh được công khai theo nghề, và tốt nghiệp năm 1991.

Tuy nhiên nền nếp gia phong vẫn níu giữ Hoàng Trinh ở một chuẩn mực nào đó. Thành ra, chị làm nghệ sĩ mà không bon chen, không tung tẩy. Chị thích hợp với những vai đào thương, bi kịch, có chiều sâu tâm lý. Ấn tượng tại Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ TP.HCM  là cô Thủy trong Tiếng giày đêm, vừa trong trẻo vừa nhẹ dạ; hay cô cháu ngoại trong Trầu cau thảng thốt tìm lại được những giá trị truyền thống mà trước đây cô chê bai, vứt bỏ. Hay nhất vẫn là vai Noriko (Đèn không hắt bóng) tưởng mong manh nhưng lại ẩn chứa sự mạnh mẽ và bao dung cho tình yêu của Naoe tựa vào. Một loạt vai kiểu như thế đủ đưa Hoàng Trinh lên hàng đào chánh của chính kịch.

Nhưng khoảng 1997, về đầu quân cho IDECAF, Hoàng Trinh thoắt biến hình thật lạ. Một loạt vai công chúa trong các vở Hoàng tử chăn lợn, Vua hóa cò, Ngư ông và tiên cá, Bạch Tuyết và 7 chú lùn... khiến Hoàng Trinh trẻ trung, sinh động hẳn ra. Chị cười bảo: “Tại lúc đó IDECAF mới thành lập, tôi và anh Thành Lộc là một trong những người đầu tiên về diễn, nên phải đóng hoài vai công chúa, hoàng tử. Vui thiệt tình. Sân khấu thiếu nhi cũng giúp mình phát hiện thêm những năng khiếu mới”.

Đôi khi có cảm giác Hoàng Trinh chựng lại khi không có nhiều vai hay để chị tung hoành như xưa. Nhưng vai Ngọc Dao (Bí mật vườn Lệ Chi), Hoàng Kim (Cuộc chơi nghiệt ngã), cô giáo Xuân (Đùa với bóng) và mới đây là Hoàng hậu Thượng Dương (Ngàn năm tình sử) vẫn chứng tỏ Hoàng Trinh còn đầy nội lực. Song dù thế nào thì Hoàng Trinh vẫn bình tĩnh đi trên con đường nghệ thuật. Những ước mơ sôi nổi thời trẻ dường như lắng xuống, nhường chỗ cho nỗi lo toan cơm áo gạo tiền. Chị nói: “Thôi thì hãy xem biểu diễn như một cái nghề như bao nghề, và người nghệ sĩ cũng sống như bao người khác. Một cuộc sống ổn định có khi còn quý hơn sự nổi tiếng”.

Vợ thảo, mẹ hiền

Nếu Hoàng Trinh đầy trách nhiệm trong ngôi nhà sân khấu, thì chị càng đầy trách nhiệm trong ngôi nhà riêng của mình. Chồng làm gì chị cũng kiểm tra lại cẩn thận. Con làm gì chị cũng chăm chút từng li. Hoàng Trinh cũng tự nhận là mình tự làm khổ mình. Ai làm gì cũng sợ không vừa ý, thôi tự làm cho xong. Những ngày đi quay phim, chị phải thức từ 4 giờ sáng, nấu nướng để sẵn cho chồng con, rồi phóng xe máy lên tận Hóc Môn, Củ Chi, tối mịt mới chạy về, lại lui cui dọn dẹp. Sáng lại thức, lại nấu, tối lại dọn, lại rửa… Chị ngủ rất ít, một đêm còn trở dậy mấy lần đắp chăn cho con. Rồi có khi ngắm chồng, ngắm con say sưa trong giấc điệp, chị mỉm cười một mình.

Và vì không dám xa con nên Hoàng Trinh từ chối những bộ phim dài tập phải đi quay ở tỉnh. Thời buổi phim bộ truyền hình tạo cơ hội đánh bóng tên tuổi cho nghệ sĩ và có thêm thu nhập, mà Hoàng Trinh lại bỏ qua. Chị thật lòng: “Tôi đã chọn sự lặng lẽ, và sống tiết kiệm một chút mà yên tâm. Anh Dị Thảo làm nghề lồng tiếng, phải thường xuyên làm đêm, tôi không thể bỏ con một mình”. Với thu nhập mỗi tuần chỉ 2-3 suất diễn tại IDECAF, và một số sô khác ở đài truyền hình hoặc chương trình quảng cáo, hẳn chị phải hết sức đảm đang để lèo lái gia đình. Nhưng Hoàng Trinh vẫn bình thản chấp nhận. Suy cho cùng, khi người ta biết mình chọn gì thì dứt khoát sẽ không nản lòng.

Hoàng Kim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.