Giúp dân nhẹ gánh

09/05/2013 03:00 GMT+7

Đó là một trong nhiều ý kiến của bạn đọc về bài viết Né giấy chủ quyền vì hệ số K trên Thanh Niên ngày 8.5.

Lãng phí

Việc tính hệ số K quá cao đã từng được báo chí, nhân dân phản ứng mạnh mẽ. Không thể có chuyện đóng tiền sử dụng đất lại cao hơn số tiền mua diện tích đó. Vì vậy, nhà nước cần phải tính toán lại, làm sao để người dân không phải vất vả, nặng gánh khi xin hợp thức hóa nhà đất. Ngọc Dung (dungnguyen_tkb@yahoo.com)

Thất thu

Khi hệ số K quá cao như vậy thì người dân né giấy chủ quyền là điều đương nhiên. Thà không có giấy tờ nhà đất còn hơn có mà phải ôm một cục nợ vào người. Nếu không giải quyết tốt vấn đề này thì nhà nước sẽ thất thu một khoản tiền rất lớn. Phương Nam (nambanghuu@gmail.com)

Khó hoàn thành chỉ tiêu

Hợp thức hóa đất đai đang là chủ trương lớn của nhà nước và được đông đảo người dân ủng hộ. Trong lúc công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đang được triển khai rộng rãi, nhanh chóng thì hệ số K như bài báo phản ánh là một trong những rào cản quá lớn, nó có thể khiến công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không thể hoàn thành được chỉ tiêu.

Do đó, kiến nghị Chính phủ quan tâm, xem xét nguyện vọng của dân. Lâm Gia Khang (giakhangtk@yahoo.com)

Thực tế đáng buồn

Hạn mức thổ cư cho một người là 200 m2, nhưng nếu đã có căn nhà và bạn đang chuẩn bị hợp thức hóa mảnh đất 190 m2 khác đã mua từ lâu thì 190 m2 đất này phải tính hệ số K gấp 4 lần là vô lý quá, trong khi giá trị đất này nhiều khi không bằng tiền đóng thuế. Vì sự vô lý này mà bây giờ cả quận Bình Tân nơi tôi sinh sống không một ai chịu đóng tiền sử dụng đất. Phạm Bằng (bang090909@gmail.com)

Trong bối cảnh hiện nay, giá trị đất trên thị trường giảm, mà giá hệ số K lại quá cao, không giảm vì đã là quy định. Đó là một nghịch lý, một sự thiệt thòi cho người dân. Nếu không giải quyết được vấn đề hệ số K sẽ góp phần làm cho thị trường bất động sản hiện đóng băng càng đóng băng hơn và giảm nguồn thu thuế của nhà nước. (Nguyễn Đức Đạt - Tây Hồ, Hà Nội)

Nếu không cho người dân xin hủy giấy chủ quyền thì có lẽ nên chăng chính quyền cần gia hạn thời gian nợ tiền sử dụng để người dân dễ dàng xoay chuyển tình hình tài chính của mình. Nếu bắt buộc dân phải nhận giấy, ghi nợ, đến hạn thanh toán mà dân không có tiền trả buộc họ phải bán nhà thì cuộc sống của cả gia đình bị đảo lộn. (Nguyễn Cẩm Linh - Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội)

Thanh Đông
(thực hiện)

Ban CTBĐ
(tổng hợp)

>> Né giấy chủ quyền vì hệ số K

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.