Trưởng đoàn Thanh tra có thể bị truy cứu hình sự nếu để “lọt” sai phạm

16/12/2010 11:50 GMT+7

(TNO) Đây là một trong những quy định đáng chú ý của Luật thanh tra (sửa đổi) vừa được Chủ tịch nước ban hành theo Lệnh công bố.

Ngoài Luật thanh tra (sửa đổi), cũng trong sáng nay, ngày 16.12, Văn phòng Chủ tịch nước đã họp báo về Lệnh của Chủ tịch nước công bố các dự án Luật khác, gồm Luật bầu cử Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và Luật bầu cử ĐB Hội đồng nhân dân (HĐND), Luật tố tụng hành chính, và Nghị quyết về việc thi hành Luật tố tụng hành chính.

“Siết” trách nhiệm Trưởng đoàn thanh tra

Luật thanh tra (sửa đổi) đưa ra nhiều quy định đáng chú ý. Chẳng hạn, đối với vụ việc đã có kết luận thanh tra của Chủ tịch UBND cấp tỉnh thì Tổng Thanh tra Chính phủ có quyền chủ động quyết định thanh tra lại nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật mà không cần phải được Thủ tướng Chính phủ giao. Tuy nhiên, đối với vụ việc đã có kết luận thanh tra của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ thì để thống nhất với quy định của Luật tổ chức Chính phủ vẫn phải giữ quy định Tổng Thanh tra Chính phủ chỉ có quyền thanh tra lại khi được Thủ tướng giao.

Đặc biệt, Luật cũng bổ sung quy định: “Trong quá trình tiến hành thanh tra, người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra, Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, cộng tác viên thanh tra mà không hoàn thành nhiệm vụ thanh tra hoặc cố ý không phát hiện hoặc phát hiện hành vi vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý mà không xử lý, không kiến nghị việc xử lý hoặc có hành vi khác vi phạm pháp luật về thanh tra thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.

Các hành vi bị nghiêm cấm cũng được nêu rõ trong Luật, đó là cấm lợi dụng chức vụ, quyền hạn thanh tra để thực hiện hành vi trái pháp luật, gây khó khăn, phiền hà cho đối tượng thanh tra. Cố ý không ra quyết định thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật; kết luận sai sự thật; quyết định, xử lý trái pháp luật; bao che cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật; tiết lộ thông tin, tài liệu về nội dung thanh tra trong quá trình thanh tra khi chưa có kết luận chính thức.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2011.

Số người ứng cử phải nhiều hơn số ĐB được bầu

Theo quy định tại Điều 46 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử ĐBQH và Luật bầu cử ĐB Hội đồng nhân dân, căn cứ vào danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH được Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giới thiệu, Hội đồng bầu cử gửi đến các Ủy ban bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND cấp tỉnh hữu quan danh sách những người được giới thiệu về ứng cử tại địa phương.

Số người trong danh sách ứng cử ĐBQH ở mỗi đơn vị bầu cử phải nhiều hơn số ĐB được bầu ở đơn vị đó; nếu đơn vị bầu cử được bầu 3 ĐB thì số người trong danh sách ứng cử phải nhiều hơn số ĐB được bầu ít nhất 2 người. Trong trường hợp khuyết người ứng cử vì lý do bất khả kháng thì do Hội đồng bầu cử quyết định. Người ứng cử chỉ được ghi tên vào danh sách ứng cử ở một đơn vị bầu cử.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2011.

Cho phép khởi kiện trực tiếp ra tòa hành chính

Theo quy định của Luật tố tụng hành chính, cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc trong trường hợp không đồng ý với quyết định, hành vi đó hoặc đã khiếu nại với người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, nhưng hết thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại mà khiếu nại không được giải quyết, hoặc đã được giải quyết nhưng không đồng ý với việc giải quyết đó.

Thời hiệu khởi kiện trong các trường hợp nêu trên là 1 năm, kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc.

Trường hợp vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác làm cho người khởi kiện không khởi kiện được trong thời hạn quy định trên thì thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác không tính vào thời hiệu khởi kiện.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2011.

Cũng liên quan đến Luật này, Quốc hội đã có nghị quyết số 56/2010 về việc thi hành Luật tố tụng hành chính.

Điều 3 của Nghị quyết nêu rõ: Trong thời hạn 1 năm kể từ ngày Luật tố tụng hành chính có hiệu lực (1.7.2011), người khiếu nại đã thực hiện việc khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai đến Chủ tịch UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ ngày 1.6.2006 đến ngày Luật này có hiệu lực, nếu khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại thì có quyền khởi kiện tại TAND theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.