Lãi suất “đi ngược”

03/04/2013 03:30 GMT+7

Hơn 1 tuần trôi qua kể từ khi Ngân hàng Nhà nước chính thức thực hiện giảm lãi suất huy động từ 8% xuống 7,5%, lãi suất cho vay vẫn chưa giảm. Đáng nói là, lãi vay trung và dài hạn vẫn ở mức cao khiến doanh nghiệp khó có thể lên kế hoạch đầu tư lâu dài.

Cũng như những lần trước, mục tiêu chính là giảm lãi vay nhưng cách thực hiện lại vẫn là "xén" bớt lãi suất (LS) tiền gửi của người dân. Huy động giảm thì bắt buộc nhưng lãi vay giảm hay không lại tùy vào mỗi ngân hàng (NH). Vì vậy, chẳng có NH nào sốt sắng giảm LS cho vay. Họ viện cớ rằng chính sách mới, cần "độ trễ" nên doanh nghiệp (DN) phải chờ. Đầu vào đã giảm, đầu ra giữ nguyên, chênh lệch giữa huy động và cho vay được nới rộng hơn. Nói cho dễ hiểu thì một phần giá trị LS được rút từ túi người gửi tiền bỏ qua túi NH. Còn đối tượng chính là DN vẫn phải chịu lãi vay cao. Đã đến lúc cần áp trần lãi vay để thực hiện mục tiêu giảm LS cho nền kinh tế.

Chính sách LS hiện đang cản trở DN đầu tư dài hạn. Theo quy định của NHNN, trần lãi vay ưu tiên chỉ áp dụng ở thời hạn ngắn cho 4 đối tượng là nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DN nhỏ và vừa. Như vậy, DN muốn vay vốn trung và dài hạn buộc phải chấp nhận lãi cao. LS cho vay thời hạn dài đang vào khoảng 15 - 17%/năm, đây là mức quá cao, nhất là đặt trong bối cảnh kinh tế khó khăn kéo dài nhiều năm nay. Với mức lãi này, DN nào đã lỡ vay đành phải chấp nhận còng lưng trả lãi NH. Còn các DN khác, có thể khẳng định, không thể và cũng không dám vay. Bởi hoạt động kinh doanh của đa số DN lúc này, duy trì được đã là tốt, kiếm mức sinh lời 5-7% không dễ. Để có thể trả mức lãi vay lên tới 15 - 17%, họ ít nhất phải có lợi nhuận 20% trở lên và điều này cực kỳ khó khăn. Vậy nên chính sách LS hiện nay vô hình trung đã cản trở DN đầu tư trung và dài hạn - vấn đề mà chúng ta luôn khuyến khích và kêu gọi.

Về nguyên tắc, lãi vay ngắn hạn luôn cao hơn lãi vay trung và dài hạn, nhằm khuyến khích DN đầu tư, sản xuất theo kế hoạch ổn định, cũng là ổn định nền kinh tế. Thế nhưng, thực tế ở Việt Nam thì ngược lại, trần lãi vay với mức LS thấp hơn chỉ được thực hiện ở kỳ hạn ngắn cho 4 đối tượng như nói trên.

Mặt bằng LS không hợp lý, không áp trần cho vay nhưng lại áp trần huy động, để mức chênh lệch giữa đầu vào - đầu ra quá cao.... có thể thấy, rất nhiều yếu tố "đi ngược" trong điều hành chính sách LS hiện nay. Thị trường đang chờ một động thái quyết liệt của NHNN để đưa LS "đi xuôi", giúp DN, nền kinh tế sớm phục hồi.

Nguyên Khanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.