Dân càng kêu, trụ sở xây càng cao

10/12/2004 11:00 GMT+7

Cuối năm 2003, ông Đàm Tiến Dũng - Giám đốc Công ty TNHH Kim Thành, ngụ tại 65 Trần Phú, phường Lam Sơn, TP Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) khởi công xây dựng văn phòng công ty kiêm dịch vụ bán hàng cao 9 tầng. Công trình này xây trên diện tích 206,5m2 sát QL 1A, cạnh khuôn viên mà tỉnh Thanh Hóa đang thi công dựng tượng đài anh hùng dân tộc Lê Lợi.

Lẽ ra, công trình của ông Dũng phải được các ngành chức năng ở tỉnh và TP Thanh Hóa quan tâm kiểm tra chu đáo trước khi khởi công. Bởi vì, ở địa điểm này, nếu không tính toán xây dựng phù hợp, sẽ ảnh hưởng đến quy hoạch kiến trúc chung, nhất là không gian văn hóa nơi có tượng đài Lê Lợi. Nhưng, một công trình như vậy chưa có giấy phép xây dựng, chưa định vị công trình, không hiểu vì sao ông Dũng vẫn đàng hoàng tiến hành ép cọc xây dựng. Nếu không có sự cố xảy ra chắc chắn ông Đàm Tiến Dũng cứ thế mà làm ! Nhưng, khi ông Dũng tiến hành ép cọc đổ bê tông móng công trình này, đã làm cho nhà ông Hoàng Văn Hùng, ở nhà số 69, ông Nguyễn Văn Lộc ở 71 (Trần Phú), ông Phạm Văn Thuận, nhà số 75, Nguyễn Phúc Thắng, nhà số 73 và ông Nguyễn Tuấn Đạt nhà số 71 (Lý Thường Kiệt) bị rạn nứt nghiêm trọng. Đặc biệt, gia đình ông Hoàng Văn Hùng cả 3 tầng nhà đều bị rạn nứt - gây bức xúc cho các hộ dân.

Khi các hộ dân này nhiều lần phát đơn kêu cứu đến UBND TP Thanh Hóa và ngành chức năng kiểm tra thì trong tay ông Đàm Tiến Dũng chưa có giấy phép xây dựng, chưa có biên bản định vị công trình, nhưng đã ép xong toàn bộ số cọc móng bê tông (!?). Trước thực tế đó, cơ quan chức năng TP Thanh Hóa đã đình chỉ xây dựng công trình và kiểm tra thực tế các nhà liền kề bị hư hại đồng thời yêu cầu ông Dũng phải tiến hành thương lượng với các hộ dân bị ảnh hưởng. Theo quy định, ông Đàm Tiến Dũng phải có đầy đủ tất cả các thủ tục trước khi xây dựng, đặc biệt là Giấy phép xây dựng mới được tiến hành khởi công và khi làm hư hại đến các gia đình liền kề các bên phải thỏa thuận đền bù xong, ông Dũng mới được tiếp tục thi công.

Không hiểu bằng cách nào sau một thời gian ngắn tạm dừng, ông Dũng lại tiếp tục xây cất. Điều không thể chấp nhận được là sau 6 tháng thi công, Giám đốc Sở Xây dựng Thanh Hóa "cho" ông Dũng Giấy phép xây dựng số 439/GPXD đề ngày 14.6.2004. Điều nực cười là ông Dũng đã làm xong móng từ lâu nhưng trong giấy phép này vẫn ghi: "Phải thông báo cho cơ quan cấp phép xây dựng đến kiểm tra khi định vị công trình, xây móng và công trình ngầm (như hầm vệ sinh tự hoại, hệ thống xử lý và tiêu nước thải)"(?!). Sau khi Sở Xây dựng Thanh Hóa trao "bảo bối" thì UBND TP Thanh Hóa cũng "tháo ách" cho ông Dũng tiếp tục thi công và "xui" những nhà dân có nhà bị hư hỏng liên tục kêu cứu, kiện ra tòa án (!).

Theo chúng tôi, dù hòa giải không thành và phải mang nhau ra tòa, thì chỉ khi tòa phán quyết và thi hành bản án xong, TP Thanh Hóa mới cho phép ông Đàm Tiến Dũng tiếp tục thi công. Vì sao việc tranh chấp giữa ông Dũng và các hộ bị thiệt hại chưa xong, chính quyền TP Thanh Hóa với chức năng quản lý đô thị vẫn "lờ" đi để ông Dũng xây dựng?

Hiện tại các hộ liền kề bị thiệt hại rất bức xúc và liên tục kiến nghị với UBND TP Thanh Hóa giải quyết đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân. Việc cần làm ngay của lãnh đạo UBND TP Thanh Hóa là đình chỉ ngay việc xây dựng của ông Dũng. Khi nào giải quyết xong tranh chấp với các gia đình bị thiệt hại, công trình này mới được tiếp tục thi công. Hành dân theo kiểu bảo họ ra tòa còn kẻ xây dựng thì cứ "xây cho nhà cao cao mãi" thì lạ thật!

Vũ Anh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.