Sửa sai cho thí sinh

18/08/2012 03:48 GMT+7

Đối với thí sinh (TS) điểm thi còn cao, vấn đề quan tâm hiện nay là làm sao để vào được một trường ĐH hoặc ngành học gần đúng với mong muốn ban đầu.

Đại diện các trường tham gia buổi tư vấn trực tuyến “Lời khuyên cho TS điểm còn cao” do Báo Thanh Niên tổ chức vào chiều 17.8 đã gợi ý nhiều thông tin cần thiết.

 Phụ huynh trực tiếp tham gia buổi tư vấn đặt câu hỏi cho đại diện các trường ĐH
Phụ huynh trực tiếp tham gia buổi tư vấn đặt câu hỏi cho đại diện các trường ĐH
- Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Ngành mới, ít người biết thì dễ trúng tuyển

Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, khuyên: “Chỉ tiêu xét tuyển bổ sung ở các trường ĐH lớn còn rất ít. Tuy nhiên, với các ngành mới mở và TS chưa biết nhiều thì cơ hội cao. Chẳng hạn ngành giáo dục quốc phòng ở Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, an ninh mạng (Trường ĐH Công nghệ thông tin). Thạc sĩ Tạ Quang Lâm, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, thông tin: “Những ngành như giáo viên tin học điểm sàn từ 15 trở lên là có khả năng đậu; công nghệ thông tin, giáo dục quốc phòng an ninh, song ngữ Nga - Anh, Pháp, Trung có rất nhiều khả năng trúng tuyển”.

Cùng quan điểm, thạc sĩ Hứa Minh Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Tài chính - Marketing TP.HCM, chia sẻ: “Ngành nào mới, càng ít người biết thì càng dễ trúng tuyển. Chẳng hạn năm nay ở trường có ngành mới là ngành bất động sản. Ngoài ra còn có những ngành nhiều khả năng trúng tuyển như hệ thống thông tin - tin học kế toán (đây là ngành rất nhiều công ty cần), tài chính ngân hàng với chuyên ngành tài chính công, chuyên ngành bảo hiểm và đầu tư…

Đối với khối ngành kỹ thuật, thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM - cho biết: “Trong các ngành xét tuyển của trường thì chuyên ngành khoa học hàng hải, kỹ thuật tàu thủy có chỉ tiêu tuyển sinh rất lớn. Vì vậy, cơ hội cho TS trúng tuyển vào những ngành này rất cao. Ngoài ra, theo quy định của nhà nước, ngành đi biển sẽ được giảm 70% học phí”.

Thạc sĩ Huỳnh Tổ Hạp, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn, khẳng định: “Ngành thư viện và giáo dục chính trị tuyển khối C, D1 với điểm tuyển bằng điểm sàn. Những ngành này ít được TS quan tâm nên có nhiều cơ hội”. Thạc sĩ Võ Văn Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Văn Lang, nói rõ: “Các ngành kỹ thuật, công nghệ có điểm trúng tuyển thường bằng điểm sàn, trong khi các ngành khác như kinh tế, ngân hàng thì điểm trúng tuyển thường cao hơn rất nhiều”.

Tham khảo thông tin điểm các năm trước

Theo thạc sĩ Huỳnh Tổ Hạp, TS nên tham khảo điểm chuẩn năm trước có trên website của trường để ước lượng tình hình. Tùy theo ngành, điểm trúng tuyển thường sẽ cao hơn so với điểm đã công bố xét tuyển. Với TS có điểm thi bằng điểm sàn hoặc chỉ cao hơn điểm sàn ĐH không đáng kể, cơ hội trúng tuyển ở bậc ĐH sẽ rất thấp. “Theo dự kiến, điểm chuẩn năm nay của trường sẽ nhích lên một chút từ 0,5 đến 1 điểm”, thạc sĩ Hạp thông tin. Ngoài ra, theo thạc sĩ Hạp, để học được đúng ngành mình thích, TS từ 15 - 16 điểm nên cân nhắc đến việc chọn đi con đường CĐ, sau 3 năm vẫn có cơ hội học liên thông ngay tại trường trong thời gian 1 năm rưỡi.

Còn thạc sĩ Võ Văn Tuấn cho rằng TS nên tham khảo điểm chuẩn các năm trước đó, thông thường điểm số không thay đổi lớn. TS cũng đừng nên vội vàng nộp hồ sơ xét tuyển sớm vì thêm nhiều thông tin TS sẽ dễ dự đoán mức điểm có thể trúng tuyển. Cùng lời khuyên này, tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa nói: “Việc xét tuyển thực hiện theo tiêu chí từ cao xuống thấp chứ không phải nộp sớm, tuyển sớm”.

Trúng tuyển rồi có được xét tuyển ?

Trả lời câu hỏi về việc đã trúng tuyển vào ngành đăng ký dự thi có được xét tuyển vào trường khác không, tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa nói: “Trên nguyên tắc, TS đã nộp hồ sơ đăng ký dự thi vào trường nào nếu trúng tuyển sẽ phải học tại trường đó suốt khóa học, việc chuyển trường chỉ có thể thực hiện sau khi hoàn tất năm thứ nhất tại trường đã thi vào, với những quy định học vụ cụ thể. Trên thực tế, TS này chỉ có giấy báo trúng tuyển nhập học, không được trường tổ chức thi cấp 2 giấy chứng nhận kết quả thi như TS không trúng tuyển để xét tuyển bổ sung vào ngành, trường khác. Hơn nữa, khi tốt nghiệp sinh viên phải có tên trong danh sách đầu vào, nếu không thì không thể nhận bằng tốt nghiệp khi ra trường”.

Đăng Nguyên - Hà Ánh

>> Điểm cao mà chưa trúng tuyển, chọn trường nào?
>> Loay hoay tuyển sinh
>> Trường ĐH Y Dược Cần Thơ thông báo tuyển sinh TCCN
>> Đại học Việt - Đức tuyển sinh đợt tháng 8: 21 điểm không nhân hệ số
>> Một trường ĐH Anh bị đình chỉ tuyển sinh viên nước ngoài
>> Phúc khảo điểm tuyển sinh đại học

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.