Bóng đá Sài Gòn một thời vang bóng: Người xây lối đá đẹp cho Cảng Sài Gòn

27/04/2016 09:08 GMT+7

Ông Nguyễn Thành Sự từng là một tiền vệ giỏi và HLV đội tuyển bóng đá Việt Nam Cộng hòa. Sau khi đất nước thống nhất, ông cũng là người được chọn để xây dựng đội Cảng Sài Gòn với lối đá phối hợp nhỏ, đẹp mắt và hiệu quả.

Ông Nguyễn Thành Sự từng là một tiền vệ giỏi và HLV đội tuyển bóng đá Việt Nam Cộng hòa. Sau khi đất nước thống nhất, ông cũng là người được chọn để xây dựng đội Cảng Sài Gòn với lối đá phối hợp nhỏ, đẹp mắt và hiệu quả.

Trần Ta, Nguyễn Văn Quang, Nguyễn Thành Sự (hàng ngồi, từ trái qua) - Ảnh: N.V.C.C
Tam Phong “Ta - Quang - Sự”
Nguyễn Thành Sự sinh năm 1932, lúc còn trẻ thi đấu cho đội bóng Cần Thơ và từ năm 1956 là một trong những cầu thủ đầu tiên ở các tỉnh miền Tây lên “đá chầu” cho đội Thương Khẩu tại Sài Gòn. Đến năm 1959, ông được chọn vào đội tuyển quốc gia Việt Nam Cộng hòa (VNCH) đoạt HCV bóng đá SEAP Games lần 1 tại Thái Lan.
Thời đó nhờ có kinh nghiệm và là thủ lĩnh của đội trong nhiều năm, ông Sự được lãnh đạo đội Thương Khẩu cử kiêm nhiệm vai trò HLV. Với trách nhiệm này, ông đã chọn trung phong Nguyễn Văn Quang cùng tiền vệ phải Trần Ta để hợp cùng với ông tạo thành “Tam phong Ta - Quang - Sự” nức tiếng thời đó. Ông Sự kể: “Anh Ta thường được phân công về sân nhà “lục lạo” bóng rồi đưa cho tôi vừa làm bóng vừa đánh lừa đối phương để chuyền đến anh Quang làm nhiệm vụ sút cầu môn”. Năm 1968, anh Quang về đội Quan Thuế, còn anh Ta thì qua đời, bản thân tôi đã ở tuổi 36 nên “tam phong” cũng... tan!”.
Năm 1969, ông Sự được học lớp HLV của FIFA và AFC tổ chức do giảng viên người Đức Dettmar Cramer giảng dạy rồi trở thành HLV đội tuyển VNCH (thay cho HLV Từ Bá Nhẫn) cho đến cuối tháng 4.1975. Ông Sự nói thêm: “Đội tuyển sau SEA Games 1973 do tôi huấn luyện còn giữ lại Hồ Thanh Cang, Cù Sinh, Lê Văn Tâm, Nguyễn Tấn Trung, Nguyễn Vinh Quang... được bổ sung thêm các cầu thủ trẻ tiếp tục thi đấu ở giải Merdeka của Malaysia và các giải đấu khác. Ngày 27.3.1975 là ngày cuối cùng tôi dẫn dắt đội tuyển VNCH thi đấu quốc tế ở giải King’s Cup của Thái Lan, vì chuyến đi dự giải Quốc khánh của Indonesia ngày 26.4.1975 bị hủy vào giờ chót”.
Tấm lòng hào sảng
Sau tháng 5.1975, ông Sự là một trong những người góp ý thành lập đội Cảng Sài Gòn (CSG): “Lúc đó có ý kiến chọn tên đội là Cảng TP.HCM nhưng tôi và vài anh em cho rằng còn mới mẻ quá, nên chọn tên CSG cho gần gũi với người hâm mộ”. Cuối cùng thì đội CSG đã chính thức được thành lập vào ngày 1.11.1975 và ông Sự là HLV đầu tiên của đội. Ngay khi đặt nền móng đầu tiên cho CSG, HLV Nguyễn Thành Sự đã xây dựng lối đá phối hợp nhỏ, đẹp mắt, hiệu quả làm nức lòng người hâm mộ. Ông Sự góp phần giúp CSG 4 lần vô địch giải A1 TP.HCM, á quân giải Cửu Long 1976...
Năm 1982, ông Nguyễn Thành Sự nghỉ công việc huấn luyện cho đội CSG, nhưng vẫn chưa rời bỏ niềm đam mê của mình: sau đó ông làm HLV dẫn dắt đội Công an TP.HCM, huấn luyện cho các đội ĐBSCL, cố vấn cho đội Đá Mỹ Nghệ... Đến năm 1998, ông mới thật sự nghỉ hẳn, nhưng gặp nhiều khó khăn khi trở về cuộc sống thường nhật. Căn nhà gia đình ông ở từ rất nhiều năm trước tại cư xá Cảng Sài Gòn bị giải tỏa để làm bãi xe container, tiền đền bù quá ít chỉ đủ cho ông mua một căn nhà nhỏ ở dưới chân cầu Tân Thuận, Q.7; phải chắt chiu, tằn tiện để sống. Bây giờ ở tuổi 83, gia cảnh rất khó khăn nên ông bà tính bán căn nhà đang ở, lấy tiền gửi ngân hàng để trang trải cuộc sống.
Ông tâm sự: “Chúng tôi đã thu xếp hết trơn rồi: cả hai vợ chồng đã làm thủ tục hiến xác ngay từ năm 1997 cho ngành y. Không chỉ hiến mô (2 mắt), nếu cho phép tôi hiến luôn 2 thận, 1 tim, 1 lá gan, cũng cứu được 6 người. Như vậy thì chúng tôi cũng yên lòng ra đi!”.
Vốn nặng nợ với bóng đá Sài Gòn, ông rất vui khi có đội bóng đá V-League mang tên Sài Gòn. “Đó là cái tên thân thương và dù cầu thủ ở nơi đâu trên đất nước Việt nhưng đến bằng tấm lòng thì người Sài Gòn sẵn sàng đón nhận với sự mến mộ và tình cảm dạt dào nhất. Quan trọng là phải phát huy lối đá đẹp mắt của CSG trước đây thì đội bóng sẽ đứng vững. Tôi tin cái gì xuất phát từ trái tim sẽ được đón nhận bằng trái tim, chứ không muốn đội bóng chỉ làm thương hiệu vài năm rồi biến mất. Có như vậy bóng đá Sài Gòn mới vững vàng tiến bước...”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.