Sẽ đồng loạt thi tuyển chức danh lãnh đạo cấp quận, huyện

20/12/2012 18:04 GMT+7

(TNO) Theo Phó ban Tổ chức Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thị Lan, chủ trương thi tuyển các chức danh phó, trưởng phòng cấp sở, ngành, quận, huyện của TP có từ lâu nhưng tới đây mới áp dụng đồng bộ sau khi xây dựng một quy trình thống nhất.

>> Tại sao người tài về rồi lại đi ?
>> Khuyến khích, trọng dụng người tài phát triển khoa học công nghệ

Bà Lan cho rằng, yếu tố quan trọng nhất quyết định việc có thu hút được nhân tài vào bộ máy hay không là chính ở người sử dụng. Người sử dụng tạo điều kiện, tạo môi trường, tạo công việc cho các tài năng trẻ, những người giỏi làm việc để có thể phát huy năng lực, sở trường, đó là điều quan trọng nhất.

* Qua thực tiễn quy hoạch, sử dụng người trẻ tài năng vào bộ máy tổ chức chính trị - xã hội, các cấp chính quyền TP hơn 10 năm qua, có kinh nghiệm gì chia sẻ được từ cách làm của TP.HCM, thưa bà?

- Bà Nguyễn Thị Lan: Ở TP.HCM, trong nguồn quy hoạch cán bộ trẻ, người tài của TP, chúng tôi có bố trí về một số sở, ngành nhưng có sở ngành sử dụng được, giữ chân các em được nhưng có sở, ngành sử dụng các em không phát huy được, các em phải ra đi.

Cho nên điều quan trọng nhất vẫn là tạo điều kiện môi trường cho các em làm việc, lãnh đạo cơ quan, đơn vị cũng phải có sự trọng thị với người giỏi. Một số đơn vị sử dụng tài năng trẻ thành công, họ chia sẻ kinh nghiệm, ví dụ khi các em mới vào cơ quan thì lãnh đạo trực tiếp trao đổi, nói chuyện với các em, trao đổi về hướng bố trí công việc, đặt yêu cầu nhiệm vụ.

Trong quá trình làm việc thì tạo điều kiện cho các em sáng tạo, đề xuất những ý tưởng, cái gì sử dụng được thì người ta sử dụng, cái gì không sử dụng được thì động viên.

Hai nữa là tạo điều kiện, mạnh dạn giao việc, sắp xếp các em qua các bộ phận để có thêm kinh nghiệm, kỹ năng thực tiễn để rồi mạnh dạn bố trí chức vụ lãnh đạo, quản lý.
 
* Thưa bà, một trong những lý do cản trở người trẻ có tài vào bộ máy, được trọng dụng đó là tâm lý còn coi thường người trẻ của lớp người đi trước. Nếu không mạnh dạn giao việc, sẵn sàng chấp nhận cả thất bại ban đầu thì liệu người trẻ có cơ hội để thử sức, trưởng thành?

- Bà Nguyễn Thị Lan: Tâm lý đó ở TP.HCM trước đây cũng có nhiều, nhưng từ sau 10 năm thực hiện quy hoạch cán bộ trẻ, người tài, nhìn lại thì thấy tâm lý này có chuyển biến, rõ nhất là cán bộ trẻ đưa về cơ sở. Trước đây khi đưa cán bộ trẻ về cơ sở, cán bộ hưu trú ở địa bàn dân cư họ không chịu, bảo quá trẻ làm sao đảm đương được các nhiệm vụ lớn trên địa bàn, nhưng giờ thì khác hơn nhiều, chính mấy chú hưu trí là người ủng hộ.
 
Tất nhiên là không phải chuyển biến hoàn toàn tâm lý này nhưng nhìn chung có nhiều thay đổi ở các địa phương, đơn vị.
 
* Người tài thường có tâm lý ngại bon chen, nhất là trước tình trạng tiêu cực thi tuyển được cho là phổ biến. Ở TP.HCM có cách làm như thế nào để ngăn ngừa tiêu cực, tạo cơ hội cho người tài có chỗ thực sự trong bộ máy?
 
- Bà Nguyễn Thị Lan: Việc tuyển cán bộ trẻ vào cấp quận, huyện ở TP.HCM vừa qua thi tuyển rất công khai. Tôi là Chủ tịch Hội đồng thi tuyển của TP có thể thấy rõ điều đó, thi tuyển rất công khai, chặt chẽ, tuân thủ theo quy định của T.Ư và quy chế của TP.
 
Không biết có chủ quan hay không nhưng ở TP.HCM không nghe, chưa nghe dư luận về tiêu cực, chạy tiền để vào công chức của khối này. Các quy trình thi tuyển của chúng tôi hoàn toàn công khai.

* Với những thành công bước đầu về thi tuyển chức danh một số cấp chính quyền của TP, liệu TP.HCM có đặt mục tiêu cao hơn là sẽ thi tuyển các chức danh lãnh đạo cấp TP?

- Bà Nguyễn Thị Lan: TP đã có chủ trương thi tuyển chức danh trưởng, phó phòng ở các sở, ngành, quận, huyện. Chủ trương này cũng rất lâu rồi nhưng tổ chức triển khai chưa được rộng khắp, chưa có một quy trình chuẩn. Hiện nay chúng tôi đang xây dựng quy trình chuẩn để triển khai cho các sở, ngành, quận, huyện thi tuyển.

Bảo Cầm (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.