Nghề phu thúng

06/01/2014 14:26 GMT+7

Mùa gió bấc biển động, thời tiết xấu nên nghề đánh bắt xa bờ gặp rất nhiều khó khăn. Đối phó với thời tiết bất lợi, nhiều ngư dân vùng biển Bình Thuận vẫn tiếp tục bám biển bằng những nghề mới để giải quyết gánh nặng áo cơm...

Nghề phu thúng

Nghề khiêng thúng ra khơi của ngư dân Phan Thiết.

Nghề phu thúng1

 Phụ nữ tranh thủ vá lưới trong lúc chồng đi biển - Ảnh Bạch Long

Sau một đêm đánh bắt hải sản ngoài khơi, những chiếc thuyền thúng nhỏ nhoi đang tròng trành tiến vào bờ. Khi thuyền vào gần bờ thì một nhóm đàn ông chạy ra, chia đều hai bên thuyền thúng rồi quàng dây thừng quanh mép thúng, xỏ đòn vô cùng lấy nhịp gánh thúng lên bờ. Họ là những phu thúng chuyên nghiệp ở đây.

Bãi bồi ven biển ở KP.5, P.Đức Long, TP Phan Thiết, (Bình Thuận) từ lâu đã trở thành “bến cảng” của các ngư dân hành nghề khai thác hải sản bằng thuyền thúng tập kết. Cả trăm chiếc thúng xếp hàng dài trên bờ. Mỗi chiếc thuyền thúng phải cần từ 6 đến 8 người khiêng.

Ông Nguyễn Văn Dũng, ngụ KP.4, P.Đức Long là một trong những người lập nên đội phu thúng chuyên nghiệp này. Đội kéo thúng thuê của ông Dũng có trên 10 người, toàn là dân địa phương rảnh rỗi những tháng nông nhàn trong mùa biển động. Họ làm việc từ 4 giờ sáng đến 10 giờ trưa, nếu công việc đều đặn mỗi người cũng kiếm được 100 – 120.000 đồng/ngày. Nhiều lúc chủ thuyền “trúng mánh” cũng cho thêm phu thúng ít tiền hoặc mớ cá, mớ ốc làm mồi nhậu.

Dụng cụ hành nghề của phu thúng cũng rất đơn giản, chỉ cần chiếc đòn dài khoảng 5m và cuộn dây thừng thật chắc là được. Những chiếc thuyền thúng tưởng như nhỏ bé, chòng chành trên mặt biển nhưng khi vô bờ lại nặng kinh khủng. Thúng vừa ướt vừa chứa ngư cụ nên kéo lên bờ quả là một thách thức. Phu thúng phải đồng lòng, hợp sức và cũng phải có nghệ thuật thì mới nhấc bổng chiếc thúng nặng gần cả tấn đưa vào bờ.

Dưới cái nắng gắt và sóng biển ầm ào mùa gió bấc, những đànb ông nước da ngăm đen đang oằn mình với lưng áo ướt đẫm mồ hôi, lê những bước chân nặng nề hằn sâu trên cát để lần lượt kéo những chiếc thuyền thúng vào bờ an toàn sau hành trình ra khơi.

Khi những người chồng đi phu thúng và bám biển thì những bà vợ ở nhà cũng tranh thủ đan lưới, chuẩn bị ngư cụ cho mùa đánh bắt tiếp theo khi trời yên biển lặng. Hơn ai hết, những ngư dân nơi đây luôn tâm niệm sinh ra từ biển, phải bám biển mà sống. Nhờ những nghề mới, cách mưu sinh mới mà mùa gió bấc đối với những ngư dân nghèo ở làng quê ven biển này bớt đói khổ và lo toan chuyện cơm áo hàng ngày.

Bạch Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.