Căng thẳng chuyện môi trường và an toàn thực phẩm

12/12/2008 00:24 GMT+7

Ô nhiễm môi trường, mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) là những lĩnh vực được quan tâm nhiều nhất tại phiên chất vấn của HĐND TP Hà Nội hôm qua 11.12.

Phải chấp nhận sống chung với ô nhiễm

Đăng đàn trả lời về thực trạng, nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP, đặc biệt là đối với các làng nghề, khu công nghiệp và y tế, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh thừa nhận, hầu hết các lĩnh vực môi trường đang bị suy thoái nghiêm trọng. Về nguyên nhân, ông Khanh nói, hệ thống xử lý chất thải không được quan tâm đúng mức, chỉ có 1 trong số 10 khu công nghiệp mới, 2/25 cụm công nghiệp có hệ thống xử lý chất thải đạt chuẩn. Chưa kể trên 1.000 làng nghề chưa có hệ thống xử lý chất thải. Về giải pháp, ông Khanh cho biết, UBNDTP đã chỉ đạo Sở Tài nguyên - Môi trường rà soát, năm 2009 sẽ đưa ra đề án tổng thể khắc phục ô nhiễm môi trường, tăng ngân sách cho công tác bảo vệ môi trường, di dời các cơ sở sản xuất ô nhiễm ra khỏi nội thành…

Đối với người tiêu dùng, cách an toàn nhất là phải trở thành người tiêu dùng thông thái và chấp nhận giá cao.
 
Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Đào Văn Bình
Chưa thỏa mãn với nội dung trên, đại biểu Nguyễn Hoài Nam chất vấn: TP kêu gọi thu hút đầu tư, thành lập các khu công nghiệp từ nhiều năm trước, vấn đề đánh giá tác động môi trường, xử lý chất thải đã được đặt ra trước rồi nhưng vẫn xảy ra ô nhiễm, trách nhiệm của cơ quan nào? Ông Khanh trả lời: khi thực hiện các dự án đều có đặt vấn đề đánh giá tác động môi trường, xử lý chất thải nhưng các đơn vị liên quan thực hiện chưa nghiêm túc. “Trách nhiệm là của các ban quản lý dự án, các khu, cụm công nghiệp vì TP đã giao cho họ giải quyết vấn đề này”, ông Khanh khẳng định.

Đại biểu Nguyễn Việt Hưng hỏi khá gay gắt: “Phải đến khi phát hiện ra vi khuẩn tả ở hồ Văn Chương thì cơ quan chức năng mới phát hiện tất cả các hồ của TP đều ô nhiễm, chứng tỏ việc cảnh báo rất kém?”. Ngoài ra, ông dẫn ra một ví dụ cụ thể về dự án bảng cảnh báo ô nhiễm môi trường đặt tại ngã tư Kim Mã - Liễu Giai: “Mới hoạt động được một thời gian thì đã “tịt”, không biết dự án này đã ngốn bao nhiêu tiền và ai là người chịu trách nhiệm?”.

 
Phó chủ tịch TP Vũ Hồng Khanh trả lời chất vấn - Ảnh: Ngọc Thắng

Trả lời khá từ tốn, ông Khanh cho rằng, việc ô nhiễm hồ trên địa bàn TP là có nhưng để xử lý không đơn giản vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố như lối sống (xả rác xuống hồ), kinh phí để xử lý… Ông lấy ví dụ, muốn xử lý giảm ô nhiễm 10% ở các hồ hiện nay thì phải mất 1.200 tỉ đồng. TP đã cam kết, năm 2015 sẽ giảm được 40% ô nhiễm so với hiện nay. Tuy nhiên, điều kiện đặt ra là phải có đủ nguồn lực, nếu không, phải làm từng phần và vẫn phải chấp nhận sống chung với ô nhiễm.

Năm 2015 mới hoàn thành quy hoạch vùng rau an toàn

Chiều qua, HĐND TP Hà Nội cũng đã thông qua đề nghị của UBND về việc thành lập quận Hà Đông thay cho TP Hà Đông và chuyển TP Sơn Tây thành thị xã Sơn Tây trực thuộc TP Hà Nội. HĐND TP cũng lưu ý UBND sớm bổ sung phương án giải quyết việc các tuyến phố bị trùng tên giữa Hà Đông (cũ) và Hà Nội (cũ). Các đại biểu cũng đã biểu quyết thông qua 2 đề án về quy định mức phụ cấp và kinh phí trang bị phương tiện làm việc đối với lực lượng bảo vệ dân phố, đề án về điện nông thôn của TP giai đoạn 2008-2012. Nguồn vốn để đầu tư phát triển mạng lưới điện cho 13 xã miền núi, được trích từ quỹ hỗ trợ đầu tư của TP 75 tỉ đồng, cho Công ty Điện lực Hà Nội vay với lãi suất 0% và phải hoàn vốn trong vòng 8 năm.

Hồng Minh

Thực trạng rau, củ, quả sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phổ biến trong thời gian qua đã khiến nhiều đại biểu bức xúc, đặc biệt là các đại biểu nữ. Ngay câu hỏi đầu tiên, đại biểu Bùi Thị An đã gay gắt: "Hiện dư luận cho rằng, tại một số vùng sản xuất rau, đang có tình trạng người dân sản xuất rau để ăn và rau để bán. Rau để bán thì dùng thuốc bảo vệ thực vật vô tội vạ, ông có biết không?". Bà An tiếp tục hỏi dồn: TP có bao nhiêu cơ sở bán rau, củ quả có chứng nhận an toàn? Đến khi nào thì TP có quy hoạch vùng rau an toàn?… Nhiều đại biểu cũng tập trung chất vấn về vai trò kiểm soát thực phẩm sạch, làm thế nào để người tiêu dùng được an toàn?

Phó chủ tịch UBND TP Đào Văn Bình thẳng thắn thừa nhận có tình trạng người nông dân “phân biệt” rau bán và rau ăn. Theo ông, vấn đề này thuộc về ý thức, đạo đức của người bán. Để giải quyết cần dựa vào tuyên tuyền là chính. Ông Bình cũng cho biết, TP đã cấp giấy chứng nhận cho gần 200 cơ sở kinh doanh gia cầm sạch, 100 cơ sở bán rau sạch. Ngoài ra hệ thống chuỗi siêu thị trong TP cũng đã được cấp giấy chứng nhận do đó người dân có thể yên tâm khi mua sản phẩm tại các cơ sở này. Ông Bình cũng cho biết, phải đến 2015, TP mới quy hoạch xong vùng rau an toàn.

Về kiểm soát thực phẩm vào TP và giải pháp để người dân được an toàn khi tiêu dùng thực phẩm, ông Bình thừa nhận, mặc dù TP đã có những trạm kiểm soát thú y nhưng vẫn không thể kiểm soát hết được. Ông Bình nói rằng, đối với người tiêu dùng, cách an toàn nhất là phải trở thành người tiêu dùng thông thái và chấp nhận giá cao.

Không nằm trong danh sách trả lời chất vấn nhưng ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế đã chủ động “chia lửa” cho Phó chủ tịch Đào Văn Bình. Ông Tuấn cho rằng, để xảy ra tình trạng mất ATVSTP có một phần lỗi của cơ quan chức năng địa phương, tuy nhiên “rau quả độc hại nhập khẩu phải được ngăn từ cửa khẩu, nếu Hà Nội giải quyết “phần ngọn” thì không thể nào kiểm soát nổi”.

Bày tỏ quan điểm về phần chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh chia sẻ những khó khăn của cơ quan chức năng nhưng cho rằng, cần có một thái độ quyết liệt, thể hiện trách nhiệm rõ hơn trước sự an toàn của người dân.

Thái Uyên

>>Diễn đàn về an toàn thực phẩm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.