Thêm cơ hội cho thí sinh

23/12/2010 23:38 GMT+7

Sáng qua, tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa - Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM - đã trao đổi với báo chí một số chủ trương liên quan đến kỳ tuyển sinh năm 2011.

Ông Nghĩa khẳng định: “Vẫn thực hiện theo tuyển sinh “3 chung” của Bộ GD-ĐT, nhưng ĐH Quốc gia (ĐHQG) TP.HCM sẽ có một số cải tiến nhằm tăng thêm cơ hội cho thí sinh (TS) trong mùa tuyển sinh 2011”.

Mở rộng nguyện vọng 1B

Gần 10 năm qua, trường ĐH Bách khoa đã áp dụng NV1B trong công tác tuyển sinh. Đến năm 2010, trường ĐH Kinh tế - Luật và ĐH Công nghệ thông tin cũng đã triển khai thực hiện. Dự kiến năm 2011 sẽ mở rộng ra toàn ĐHQG TP.HCM và trong cả nước.

Vẫn thực hiện theo tuyển sinh “3 chung” của Bộ GD-ĐT, nhưng ĐH QG TP.HCM sẽ có một số cải tiến nhằm tăng thêm cơ hội cho TS trong mùa tuyển sinh 2011 - Tiến sĩ NGUYỄN ĐỨC NGHĨA - Phó giám đốc ĐHQG TP.HCM

Theo đó, nếu TS dự thi vào trường mà không trúng tuyển ngành đăng ký dự thi NV1, trường có quyền chủ động chuyển TS này sang một ngành khác. Việc xét tuyển NV1B được thực hiện cùng thời điểm xét NV1 cho những ngành chưa tuyển đủ chỉ tiêu. Trường sẽ thông báo cụ thể cách xét NV1B cùng với thời điểm phát giấy báo dự thi đến từng TS.

TS sau khi tìm hiểu, lựa chọn có thể đăng ký thêm NV1B vào ngày làm thủ tục đăng ký dự thi và trước khi thi môn đầu tiên. Khi có kết quả trúng tuyển, nếu TS không đủ điểm vào NV1 mà đồng ý vào NV1B, trường sẽ cấp giấy báo trúng tuyển. Nếu TS không đồng ý vào NV1B, trường sẽ cấp phiếu báo điểm để TS có thể tham gia xét tuyển NV2 như bình thường.

Giải thích lý do mở rộng NV1B, ông Nghĩa nói: “Cách làm này không chỉ đáp ứng nguyện vọng của TS mà còn giúp các trường chủ động hơn trong xét tuyển. Liên thông trong hệ thống giúp gia tăng tỷ lệ thực tuyển với những ngành khó tuyển và đảm bảo chỉ tiêu cho các trường”.

Tăng cường sự liên thông giữa các trường

Điểm trung bình của thí sinh ngày càng giảm

Năm 2010, toàn ĐHQG TP.HCM có 64.021 TS đăng ký dự thi. Điểm trung bình chung của TS dự thi năm 2010 là 13,73 điểm, năm 2009 là 14,08 điểm. Ngoại trừ trường ĐH Kinh tế - Luật có điểm trung bình của TS trúng tuyển khá ổn định, các trường còn lại đều giảm. 

Nếu so kết quả tuyển sinh năm 2010 với năm 2004, sự chênh lệch điểm trung bình ít nhất là 1 điểm. Trường có điểm chênh lệch cao nhất là ĐH Công nghệ thông tin (năm 2007 là 21,7 điểm và năm 2010 là 17,4 điểm); trường ĐH Khoa học tự nhiên (năm 2004 là 21,2 điểm và năm 2010 là 18 điểm). Toàn ĐHQG TP.HCM, điểm trung bình TS trúng tuyển năm 2004 là 20,4 điểm thì năm 2010 chỉ còn 18,7 điểm.

Tại buổi họp, ông Nghĩa nhấn mạnh: “Điểm mới nhất trong kỳ thi tuyển sinh 2011 của ĐHQG TP.HCM là tăng cường hơn nữa tính liên thông trong hệ thống. Một số trường thành viên dự kiến sẽ thực hiện thí điểm việc xét tuyển thẳng học sinh trường Phổ thông năng khiếu vào một số ngành cơ bản, Công nghệ thông tin và Hệ thống thông tin quản lý. Tất nhiên, việc xét tuyển thẳng sẽ không quá 10% trong tổng chỉ tiêu chung”. Tiến sĩ Nguyễn Kim Quang - Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Khoa học tự nhiên - đồng tình: “Về mặt chủ trương, trường hoàn toàn ủng hộ việc xét tuyển thẳng các học sinh giỏi, bởi đây là việc làm hợp lý và phát huy năng khiếu ở bậc phổ thông. Chúng tôi dự kiến sẽ tuyển vào những ngành học liên quan như Toán, Toán - Tin, Công nghệ thông tin, Vật lý…”.

Không chỉ xét điểm sàn chung cho các nhóm ngành trong cùng một trường như các năm trước, từ kỳ tuyển sinh 2011, ĐHQG TP.HCM dự kiến mở rộng việc xét điểm sàn chung cho các ngành và nhóm ngành giữa các trường thành viên. Chẳng hạn TS thi vào nhóm ngành Công nghệ thông tin, Điện tử viễn thông, Công nghệ sinh học, Quản trị kinh doanh có thể luân chuyển giữa các trường với nhau. Ông Nghĩa cho rằng việc lấy điểm sàn chung cho nhóm ngành của từng trường đã được thực hiện 2 năm nay với kết quả tốt, nhưng triển khai giữa các trường thế nào lại phụ thuộc vào tình hình cụ thể của các trường thành viên.

Bên cạnh đó, ĐHQG TP.HCM cũng dự kiến sẽ mở thêm 3 ngành mới gồm: Kinh tế xây dựng (trường ĐH Quốc tế), Ngữ văn Ý (trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn) và Kinh doanh quốc tế (trường ĐH Kinh tế - Luật). Ngoài ra, để khuyến khích TS vào những ngành khó tuyển, ĐHQG dự kiến sẽ xét tuyển thẳng, cấp học bổng, miễn học phí hoặc đào tạo liên ngành các ngành như Triết học, Thư viện thông tin, Lưu trữ học, Vật lý, Địa chất…

Hà Ánh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.