Tan hoang vùng quặng Đồi Cờ

13/12/2006 22:49 GMT+7

Nằm phía bắc sông La Ngà, Đồi Cờ và Thác 700 thuộc huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận hiện đang trở thành điểm nóng bởi các cuộc khai thác khoáng sản trái phép liên tục xảy ra. Phóng viên Báo Thanh Niên đã tìm cách đột nhập khu vực này...

Lọt qua chốt chặn

Sáng 23.11, tôi có mặt dưới chân khu vực Đồi Cờ (xã Mépu, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận), nơi đang có nhiều người dân đổ xô đến khai thác trái phép quặng wolfram (kim loại cứng dùng để chế tạo thép hợp kim và sợi tóc bóng đèn điện). Từ xa, nhìn lên đồi thấy những mảng đất trọc đỏ tươi như những vệt máu, nổi bật giữa màu xanh lá rừng. Những vệt đỏ ấy khiến người ta rùng mình khi nghĩ đến những trận lũ quét kinh hoàng đã và sẽ xảy ra tại khu vực này.

8 giờ sáng. Con đường dẫn vào khu Đồi Cờ thưa bóng người. Trước đó, từ sớm tinh mơ, thậm chí từ 2 - 3 giờ sáng, những nhóm thanh niên với những dụng cụ gọn nhẹ đã lặng lẽ tỏa vào các ngọn đồi. Họ giấu xe gắn máy ở những nơi kín đáo. An toàn hơn, có những người bảo thân nhân chở đến "thả" gần chân đồi, từ đó đi bộ vào. Chiều tối, người ta lại kín đáo "hẹn hò" và chuyển "chiến lợi phẩm" trở về. Cũng có những người cơm đùm cơm nắm ở lại suốt đêm...

Băng qua khu vườn điều bạt ngàn, chúng tôi gặp một con suối nhỏ. Tới một "bùng binh" với nhiều ngã rẽ, đang phân vân không biết đi tiếp đường nào thì chợt thấy một lán trại khói lãng đãng bay. Chúng tôi trực chỉ hướng đó. Đến nơi, thấy hai người đang ngồi trên võng, hai người nữa đang đập đập ống tre, nấu nướng gì trên bếp. "Chị đi đâu mà vào tận đây?", người áo trắng hỏi. "Dạ, tui đi đào củ mì, bị lạc đường" - tôi đáp. À, thì ra đây là một chốt trực. "Đào củ mì sao mang rựa?"... Bị hạch hỏi thêm vài câu nữa nhưng rồi chúng tôi cũng dễ dàng vượt qua chốt trực này. Nói đúng hơn, chúng tôi quay trở lại "bùng binh" ban nãy. Trước mắt tôi, có rất nhiều con đường dẫn lên đỉnh Đồi Cờ, đâu nhất thiết phải đi qua chốt chặn kia!

"Vôn-phờ-ram hắn ra răng hè?"

Trước mắt tôi, những con dốc dựng đứng gần như kéo dài bất tận. Cứ leo chừng 2m, tôi phải dừng lại thở hổn hển, tay chân rã rời, mồ hôi túa ra như tắm. Đến lưng chừng đồi, 3 chai nước mang theo đã hết sạch. Lúc này, chúng tôi gặp một cái hang nằm giữa đường, sâu chừng 1 mét, bên dưới lộ ra vài tảng đá. Vài phút yên ắng trôi qua, bỗng một nhóm thanh niên 5- 7 người từ trong các bụi cây nhảy ra, giọng ngạc nhiên: "Vậy mà tụi tui tưởng kiểm lâm đi tuần...". Thế rồi họ lại vây lấy chiếc hố, bới bới, đục đục. Đi sâu vào, chúng tôi gặp một nhóm người khác đang nằm ngả nghiêng trên đất, thở hắt từng cơn, xà beng, búa... vứt bên cạnh. "Kiểm lâm mới rượt chạy té khói đây!" - một thanh niên giải thích. Một số người khác thì càu nhàu lực lượng tuần tra thiên vị, "đuổi" nhóm này nhưng "nương" nhóm kia cùng những chuyện "tiêu cực" khác...


Nhiều hang hố tiếp nối nhau (ảnh trái); Những tang vật dùng khai thác khoáng sản trái phép thu giữ được tại chốt trực trên đỉnh Đồi Cờ - ảnh: N.L

Chúng tôi leo đến đỉnh ngọn đồi vào đúng ngọ, một cảnh tượng hoang tàn hiện ra: hàng chục, hàng trăm chiếc hố san sát nối tiếp nhau, có những cái hố rất sâu. Tiếng đục đá tìm wolfram chan chát rộ lên khắp nơi. Một thanh niên chạy tới chạy lui, tay cầm cục đá nhỏ, gặp ai cũng hỏi: "Vôn-phờ-ram hắn ra răng hè? Có phải loại ni không?". H. (ngụ tại Mépu) cho biết anh ta lên đây là bất đắc dĩ vì... bị vợ liên tục cằn nhằn: "Sao chồng người ta lên Đồi Cờ kiếm tiền dễ quá, một ngày cả triệu bạc, còn anh thì...". Hai ngày nay, H. đào đỏ con mắt, chân tay phồng rộp mới được một ít đá. H. ước tính, sau khi đập nhỏ, đãi lấy wolfam thì kiếm được khoảng 240 ngàn đồng (1 kg wolfram thương lái mua khoảng 120 ngàn đồng - PV). Tuy nhiên, "vướng mắc" lớn nhất của H. lúc này là không chắc mấy cục đá nằng nặng trên lưng có "họ hàng" gì với... wolfram hay không?

Những người "đuổi chim"

Cách không xa khu vực vừa rộ lên tiếng đập đá ấy là một chốt trực nữa của kiểm lâm và lực lượng phối hợp. Chúng tôi bước vào lán trại xin nước uống, thấy một nhóm 6 - 7 người cởi trần đang nằm trên võng. Chừng mươi phút sau, một người có vẻ là phụ trách chốt trực vùng dậy, mặc áo và thúc hối những người khác: "Khẩn trương lên anh em! Đi truy đuổi tiếp thôi!".

Anh Phạm Văn Loan - cán bộ kiểm lâm ở huyện Đức Linh nói: "Tụi tui bắt đầu những cuộc truy đuổi từ 6 giờ cho đến tận 11 giờ 30. Chị vừa tới là tụi tui mới ăn cơm, nghỉ một chút lại đi tiếp đến chiều tối. Nói thiệt, đuổi những người này chẳng khác gì... đuổi chim! Đuổi bên ngoài họ chạy vào trong, không biết làm sao để xử lý họ triệt để".

Được biết, cuối năm 2005, một số người dân từ Bảo Lộc (Lâm Đồng) đến đào wolfram trái phép đầu tiên tại Đồi Cờ. Sau những trận lũ quét, lụt lội liên tiếp xảy ra, từ tháng 8.2006, nhiều người dân ở Mépu, Sùng Nhơn, Đa Kai (Đức Linh), một số xã thuộc Tánh Linh và từ tỉnh Đồng Nai... đã đổ xô lên đây. Trung bình mỗi ngày, chốt trực này lập biên bản khoảng 70 người vi phạm. Tuy nhiên, con số thực tế phải lên hàng trăm người, trong đó chiếm 70% là thanh niên. Anh Nguyễn Văn Nhường - Ban Quản lý rừng phòng hộ Đức Linh góp chuyện: "Tụi tui rượt, họ đứng ở trên lăn đá xuống. Tui dính đá ở mắt cá chân 20 ngày nay vẫn chưa khỏi đây này. Ngại nhất là khu vực Thác 700 giáp ranh, họ thường làm ban đêm, tuần tra rất nguy hiểm...". Đối với những người khai thác khoáng sản trái phép, có những trường hợp đã gặp phải tai nạn đáng tiếc: một người ở Mépu trong lúc đào tìm wolfram thì bị sập hầm, bị liệt tay và nửa phần lưng, phải vào Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) điều trị dài ngày. Ba thanh niên khác ở Sùng Nhơn đã quyết định "giải nghệ" sau ngày đầu tiên đến Đồi Cờ vì một người trong nhóm bị chấn thương, 2 triệu đồng cả nhóm kiếm được đã thành "của thiên trả địa"...

Trên đường trở xuống, chúng tôi phải "bám sát" hai thành viên ở chốt trực là Quang và Trung vì lúc này, việc cải trang của tôi đã bị lộ và thông tin lan nhanh trong khu vực Đồi Cờ, Thác 700...

"Trước mắt, chúng tôi tăng cường các biện pháp ngăn chặn, truy quét, đưa về địa phương giáo dục; nắm danh sách những người thu mua wolfram trái phép. Huyện cũng đã thay đổi số cán bộ chốt chặn có dư luận "tiếp tay" với những người khai thác trái phép đồng thời xem xét việc xử lý tịch thu tang vật, nhất là những tang vật "vô chủ"... Tôi được biết sau khi làm việc với các bộ, ngành, tỉnh đã đồng ý cho Công ty khoáng sản Duy Tân (Lâm Đồng) điều tra chi tiết để xác định trữ lượng, chất lượng khoáng sản wolfram tại khu vực Đồi Cờ. Nếu trữ lượng lớn và được phép khai thác thì có khả năng lực lượng lao động nghèo tại chỗ sẽ được sử dụng!" 

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch UBND huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận

N.L

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.