Khổ vì bèo !

23/12/2007 22:41 GMT+7

Những cơn lũ liên tiếp trong hai tháng 10 và 11 đã mang theo bèo tây từ các nơi tụ về sinh sôi nảy nở, tấn công đất sản xuất khiến người nông dân chỉ biết khóc ròng.

Sau lũ, cánh đồng lúa rộng hơn 20 ha ở xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) trở thành cánh đồng... bèo. Bèo tây phát triển nhanh đến chóng mặt, rễ kết lại thành từng chùm bám chặt vào đất. Nông dân đứng ngồi không yên vì mùa vụ sản xuất đông - xuân 2007-2008 đã cận kề mà chẳng biết cách nào để kéo, vớt bèo ra khỏi ruộng. Đứng nhìn đám ruộng của mình giờ chỉ toàn là bèo tây, ông Phạm Ngọc Việt ở thôn Mỹ Lại, xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh than: " Bèo ơi là bèo, nhiều như thế này thì làm sao mà dỡ dọn, phá bèo để lấy đất sản xuất. Mà không có ruộng thì lấy gì ăn". 

Trên dòng sông Khê Đông, xã Tịnh Khê, người dân có thể đi lại thoải mái trên lòng sông, từ bờ này qua bờ kia, dù nước sâu hàng 5-7 mét do bèo tây tụ  thành nhiều lớp dày cả mét. Dòng sông này chảy xuyên qua các xã Tịnh Thiện, Tịnh Hòa giờ đã bị bèo tây phủ kín hàng km. "Lượng bèo tây quá dày và nhiều nên việc tiêu úng ở các cánh đồng rất lâu. Do vậy, tiến độ sản xuất của vụ này chậm là cái chắc. Lũ chuột cũng chọn ruộng bèo để làm nơi  sinh sống, nguy cơ mùa màng bị chuột phá hoại rất lớn", ông Nguyễn Tấn Tâm, Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh lo lắng.

Bèo tây không chỉ tấn công hơn 40 ha ruộng, 60 tuyến kênh mương với tổng khối lượng ước tính lên đến gần 1 triệu mét khối ở trên địa bàn huyện Sơn Tịnh mà còn bao phủ cả hàng trăm ha ở các cánh đồng, kênh mương thủy lợi khác thuộc huyện Tư Nghĩa, Đức Phổ, Bình Sơn.... Trung bình các lớp bèo dày từ 0,8 đến 1 mét nên việc dọn bèo để lấy đất sản xuất sẽ mất rất nhiều công sức, chi phí. 

Làm thế nào có thể dọn dẹp bèo tây để lấy đất sản xuất đang là nỗi lo canh cánh của hàng ngàn nông dân Quảng Ngãi. Lão nông Quảng Tố ở thôn Tư Cung, xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh nhẩm tính: "Cứ đẩy phá, dọn dẹp được 1 sào ruộng bèo phải mất 6 công. Gia đình nào có lao động thì còn đỡ chứ không thì phải thuê mướn mất hết trên 300.000 đồng". Ông Nguyễn Duy Bốn, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hà, huyện Tư Nghĩa cho biết, vì tốn quá nhiều công sức, chi phí nên nông dân trong xã đã nghĩ ra cách là mua thuốc trừ cỏ hoặc muối để phun, rải lên làm bèo "chết dần, chết mòn", hạn chế sinh sản. "Nếu sử dụng thuốc trừ cỏ để diệt bèo thì dẫn đến nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng, đất sẽ nhanh chóng bạc màu" - ông Phạm Bá, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật Quảng Ngãi, cảnh báo. Theo ông Bá, phương cách duy nhất vừa bảo vệ được môi trường vừa có đất để sản xuất là dùng... sức người, thu gom bèo thủ công và tận dụng được nguồn bèo để làm phân bón. 

Trên thực tế, phương cách dùng sức người để thu gom bèo tây chỉ thực hiện đối với những hộ gia đình có lao động, có tiền thuê nhân công. Còn đối với các gia đình nông dân nghèo, neo đơn không có sức lao động thì coi như bó tay! Đó là chưa kể đến hàng chục ha ruộng, nhiều tuyến kênh mương nội đồng mà bèo tây dày cả mét thì sức người cũng không thể làm nổi nếu không huy động phương tiện cơ giới. 

Nguy cơ hàng trăm ha đất sản xuất nông nghiệp ở Quảng Ngãi đành bỏ hoang, mặc cho bèo tây hoành hành đang hiển hiện trước mắt.

Hiển Cừ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.