Thị trường bất động sản: Nóng ít, lạnh nhiều

22/12/2005 23:09 GMT+7

Kiến nghị "bơm" vốn trung và dài hạn cho kinh doanh bất động sản Tình trạng nguội lạnh của thị trường bất động sản (BĐS) trong cả năm 2005 đang đặt ra cho các cơ quan quản lý một bài toán hóc búa: Trong năm 2006, làm sao để "hâm nóng" thị trường này mà vẫn có thể quản lý các hoạt động giao dịch, kinh doanh có hiệu quả, giá BĐS không tăng đột biến ?

Nhà, đất đua nhau giảm giá

Tại Hà Nội, trong năm 2005, Trung tâm giao dịch địa ốc Ngân hàng Á Châu có tháng không có lấy một cuộc giao dịch thành công. Những tháng cuối năm, trung bình ở đây có 6-7 cuộc giao dịch mua bán nhà ở so với 30-35 cuộc giao dịch/ngày trước đây. Giá đất giảm rất rõ rệt: tại quận Long Biên, có lô đất ở ngách đường Nguyễn Văn Cừ tháng 6.2006 rao bán 10 triệu đồng/m2 đến tháng 9 đã rao giảm còn 7 triệu đồng/m2. Lô đất tại mặt ngõ khu Chợ Bưởi tháng 6.2006 rao bán 25 triệu đồng/m2 đến tháng 10.2005 giảm giá rao bán còn 21,5 triệu đồng/m2... Tại khu vực quận Ba Đình, căn hộ chung cư tầng 2 diện tích 70m2 đầu năm rao bán 730 triệu đồng cuối năm chỉ bán được giá 690 triệu đồng. Theo Sở Tài chính Hà Nội, giá đất tại các dự án khu đô thị mới giảm trung bình 3 triệu đồng/m2 so với năm 2004. Giá nhà tại các khu phố cổ giảm trung bình 5-10%. Căn hộ chung cư ở khu đô thị Linh Đàm, khu đô thị Mỹ Đình (cách trung tâm thành phố 8-10 km) giảm 50-70 triệu đồng/căn hộ. Một cán bộ Sở Tài chính Hà Nội nhận xét: "Sức mua nhà, đất chỉ bằng 50-60% so với năm 2004".

Giao dịch ở nhiều trung tâm địa ốc tại TP.HCM giảm đến 70-80% - (ảnh: D.Đ.M)

Tại TP.HCM, các hoạt động giao dịch nhà đất cũng rất trầm lắng. Giá nhà chung cư bình dân phổ biến ở mức 400-500 triệu đồng/căn nhưng vẫn khó bán. Số hồ sơ về mua bán chuyển nhượng trên thị trường 6 tháng đầu năm 2005 là 4.518 hồ sơ, chỉ bằng 30% so với cùng kỳ năm 2004. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, giao dịch BĐS 7 tháng đầu năm giảm 51-68% tùy theo khu vực.

Thành phố Đà Nẵng tổ chức đấu giá nhiều lô đất ở khu mới quy hoạch nhưng chỉ thành công đúng... 1 lô ở mặt tiền đường Điện Biên Phủ. Các lô khác không tổ chức đấu giá được vì... không có người nộp hồ sơ đăng ký đấu giá. Hà Nội cũng chỉ tổ chức đấu giá đất đạt 20% chỉ tiêu đề ra. Nhiều quận, huyện phải hoãn đấu giá nhiều lần do số người tham gia không đủ quy định. TP.HCM từ đầu năm đến nay mới chỉ tổ chức đấu giá 3 lô đất nhưng cũng không thành công.

Tuy nhiên, căn cứ trên khảo sát sơ bộ và báo cáo của Sở Tài chính 8 tỉnh, thành phố, Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho rằng tình trạng "đóng băng" không phải diễn ra ở toàn bộ thị trường BĐS mà chỉ diễn ra ở khu vực thị trường nhà ở và đất ở; một số mảng thị trường BĐS khác vẫn sôi động. Theo đánh giá của cả Bộ Tài nguyên - Môi trường và Bộ Tài chính, thị trường cho thuê, thế chấp, thậm chí nhiều khu dân cư và đô thị đã hoàn chỉnh về hạ tầng kinh tế - xã hội vẫn sôi nổi (ví dụ như khu đô thị Phú Mỹ Hưng tại TP.HCM). Kết quả khảo sát của một số tổ chức nước ngoài cho thấy, văn phòng cho thuê tại Việt Nam dù có giá rất cao, gấp đôi ở Bangkok (Thái Lan) nhưng hiệu suất cho thuê vẫn rất cao. Văn phòng cho thuê hạng A tại Hà Nội đạt hiệu suất sử dụng 99,45%, văn phòng loại B đạt 99%. Tại TP.HCM, hiệu suất cho thuê suýt soát 100%.

Giải pháp

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu thị trường BĐS vẫn còn "đóng băng" như hiện nay thì có nguy cơ một số doanh nghiệp kinh doanh BĐS sẽ thua lỗ, phá sản trong năm 2006. Nhiều ngân hàng cũng sẽ gặp khó khăn lớn do theo ước tính có tới khoảng 50% vốn đầu tư vào BĐS là vốn vay từ ngân hàng. Theo Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, để khơi thông thị trường BĐS hiện nay, cần có một loạt giải pháp. Trong đó, trước hết phải nâng cao năng lực quản lý thị trường BĐS về quy hoạch và kiến trúc. Các địa phương phải có quy hoạch sử dụng đất lâu dài, rà soát lại kế hoạch giao đất và xử lý dứt điểm tình trạng quy hoạch "treo", công khai quy hoạch để chống đầu cơ, giảm cầu "ảo"; đẩy mạnh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở đô thị.

Cũng theo Cục Quản lý giá, một giải pháp khác là nên bổ sung, sửa đổi một số nội dung hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2003 như sửa đổi quy định cấm phân lô, bán nền với dự án xây dựng, kinh doanh nhà ở. Quy định này chỉ nên áp dụng cho các thành phố, thị xã. Biện pháp quan trọng khác là thực hiện cung ứng vốn cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh BĐS bằng nhiều kênh, nhất là vốn trung và dài hạn. Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Phó cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính kiến nghị nên nghiên cứu cho Hà Nội, TP.HCM thí điểm hình thành quỹ nhà xây dựng mới hằng năm có giá phù hợp với người thu nhập thấp qua việc Nhà nước miễn, giảm tiền sử dụng đất, ưu đãi thuế với dự án nhà ở loại này... Ngoài ra, cũng theo ông Thỏa, cần có thêm các biện pháp như áp dụng chính sách thuế lũy tiến trong việc  sử dụng đất đai, nhà ở để chống đầu cơ; cải cách hành chính trong đấu giá đất, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất.

Mạnh Quân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.