Người đúc lưỡi cày ở cổng trời

06/12/2005 22:15 GMT+7

Cao nguyên đá Mèo Vạc, Hà Giang, ở đây chỉ nhìn thấy đá. Đá làm đường đi. Đá làm tường rào quanh nhà để ngăn gió rét, thú dữ và đá nằm lổn nhổn trên nương, dưới ruộng. Từ nhiều đời nay, cày trên đá là nỗi khổ của biết bao đồng bào. Có một người dân tộc đã đúc được loại cày đặc biệt theo kiểu thủ công gia truyền. Nhờ những lưỡi cày này, bà con đã thoải mái cày trên đá mà không phải còng lưng cuốc nương nữa. Đó là Chứ Chúng Lầu, một ông già người Mông ở bản Sủng Cáng, Sủng Trà, Mèo Vạc.

Xưởng đúc trên cổng trời

Mất nửa ngày quần thảo ở chợ phiên Lũng Phìn (huyện Đồng Văn) nhưng chúng tôi không tìm thấy Chứ Chúng Lầu ngồi bán lưỡi cày ở chỗ nào. Trong khi đó, người trên bản nói, đêm qua Chứ đã xuống núi đi chợ và mang theo nhiều lưỡi cày. Người trên bản bảo, chợ phiên nào Chứ cũng bán hết lưỡi cày rồi ngồi uống rượu đến hai, ba giờ chiều mới về... Chợ phiên Lũng Phìn ken đặc những bàn rượu, cạnh đó là những nồi thắng cố khói bốc nghi ngút. Nhưng tuyệt nhiên không thấy Chứ! Những sạp hàng bán dao, kéo, rìu của người Mông cũng không bán cái lưỡi cày nào. Họ nói, chỉ có Chứ làm và bán lưỡi cày thôi. Chợ đông lắm, không biết Chứ ngồi đâu mà chỉ.

Chúng tôi lại lên bản. Gần hai mươi cây số đường đèo gập ghềnh hiểm trở. Từ dưới nhìn lên, cổng trời dẫn xuống Sủng Trà thoắt ẩn thoát hiện trong mây. Quanh co, dốc ngược, đường dân sinh rải đá dăm nhọn hoắt. Con "Win" dã chiến của anh xe ôm bắt từ trị trấn Mèo Vạc rồ máy oằn mình leo dốc, khói bốc khét lẹt. Rồi xuống xe dắt bộ. Mất gần một tiếng mới leo tới cổng trời. Từ đây nhìn xuống, Lũng Cáng là một thung lũng nhỏ, bao quanh là núi đá. Nhà Chứ Chúng Lầu ở đó. Từ đầu bản, chúng tôi gặp một thằng bé Mông vừa đi chợ về. Nó là Chứ Mi Pó, con trai vợ hai của Chứ Chúng Lầu. Pó mười tám tuổi, bé loắt choắt như học sinh cấp hai nhưng đã có vợ. Pó chỉ: "Bố say rượu, về trước rồi".

Dỡ lưỡi cày đỏ rực khỏi khuôn đúc

Cuối cùng thì chúng tôi cũng gặp được Chứ Chúng Lầu. Chứ khề khà bằng giọng Kinh không sõi: "Chú say quá, phải kêu thằng con kéo bễ, chú đúc lưỡi cày cho mà xem". Xưởng là gian nhà gỗ chứa đầy những khuôn đúc cày các loại và cả khung cửi dệt vải. Chứ lọm khọm bê ra khuôn đúc nặng, đen sì với những đường cong rất... "khí động học". Nhưng nó không phải bằng sắt thép hay chất liệu gì đó "công nghiệp". Khuôn đúc lưỡi cày được làm bằng gỗ, trên dát đất sét! Để chống cháy, Chứ quyện đất sét với than phết lên mặt khuôn. Chứ bảo: "Than và đất sét cùng nhau làm mới được!".

Trong lúc thằng con bà vợ cả là Chứ Dung Chính liên tục phết "dung dịch" than trộn đất đen sì lên hai "má" và "lõi" cày thì thằng Pó phùng miệng kéo bễ. Lửa đỏ bốc cao ngang mặt người. Chứ lấy từ nhà dưới lên những lưỡi cày đã hỏng hoặc bị gãy rồi đập nhỏ ném vào miệng lò. Than vùi xung quanh. Chứ gập mình áp hai "má" cày vào nhau, "lõi" cày đút vào giữa. Đất sét vàng được trét xung quanh. Khuôn đúc dân dã, mộc mạc đã hình thành. Trong lò, những lưỡi cày cũ oằn mình bởi ngọn lửa đỏ rực rồi nhão ra, chảy xuống chảo gang. Chứ thọc mạnh cán chảo vào lò lôi ra chiếc chảo gang nóng chảy sóng sánh rồi nghiêng mình đổ gang vào khuôn. Lưỡi cày đỏ rực thành hình. Chờ chừng mười phút, Chứ cho con dỡ hai "má" cày, rút "lõi". Thằng Pó lấy dao chặt bớt ba-via rồi mang vào ủ trong bếp lửa. Chiếc lưỡi cày nặng gần 2kg trông rắn rỏi, gõ vào nghe coong coong.

Nối lại nghề gia truyền

Chứ Chúng Lầu là cháu ruột Chứ Chúng Lử, người duy nhất ở Mèo Vạc đã đúc được lưỡi cày để cày trên đá! Những lưỡi cày có thể "trườn" trên nương đá nhanh và khéo như con trăn rừng mà không bao giờ gãy, càng cày nó càng trắng như đồng bạc xòe. Thổ ty thời đó biết chuyện liền đặt lệ: ai muốn có lưỡi cày phải nộp một đồng bạc cho thổ ty, thổ ty mới cho Chứ Chúng Lử đúc. Ức lắm nhưng cụ Lử không làm khác được. Những lần phải vào dinh thổ ty đúc lưỡi cày, cụ Lử cho Lầu vô xem, phụ việc. Rồi cách mạng tới, thổ ty không còn nhưng cụ Lử cũng qua đời, nghề đúc lưỡi cày dường như thất truyền từ đó.
Chứ Chúng Lầu nhớ lại: "Có dạo dài, thương nghiệp đưa lên những lưỡi cày chính phủ  để phục vụ bà con. Đó là những lưỡi cày hiệu 51, 58; loại cày chỉ phù hợp với việc cày cấy trên đồng bằng". Chứ lắc đầu: "Lưỡi cày chính phủ cứ gặp đá là gãy, không cày được". Bà con các dân tộc ở Hà Giang lại phải đem cái cuốc lên nương, vừa cuốc vừa tránh đá, rất cực trong khi năng suất thấp. Chứ nghĩ đến cụ mình...

Thương vợ con, thương đồng bào, sau mỗi buổi làm rẫy cực nhọc, Chứ lại mò lên nương đá. Nhìn ruộng gập ghềnh đá, nhìn những lưỡi cày gãy nằm lăn lóc, Chứ xót lắm. Đêm về lại trằn trọc không ngủ được. Nhiều đêm trắng, Chứ vùi đầu bên bếp lửa, nghĩ cách luyện gang, làm khuôn, tính toán hình dạng, đường cong của lưỡi cày. Rồi nhớ lại những kỹ thuật, kinh nghiệm đúc cày học được từ lúc đi với cụ nội. Những lưỡi cày "thế hệ Chứ Chúng Lầu" dần được phác thảo qua những nét than gạch ngang dọc bên bếp lửa hồng từ dạo ấy. Rồi Chứ lầm lũi vào khe tìm đất sét, lên rừng chặt gỗ làm khuôn...

Một ngày giá rét trên cao nguyên đá, Chứ cho vợ con nhào đất, đắp lò luyện gang. Lửa đỏ rực thung lũng. Bà con trên bản đổ xô xem truyền nhân của cụ Lử nổi lửa đúc cày. Chiếc cày đầu tiên ra đời, đích thân Chứ đánh bò cày phăm phăm trên nương đá. Cày miết, nó cứ sáng loáng lên. Lưỡi cày Chứ gặp đá không khựng lại và gãy khục mà nó trườn đi như con trăn rừng. Mấy đêm sau đó, rượu ngô trên bản chảy tràn, bà con dân tộc vui lắm vì từ nay không phải cuốc nương nữa. Xưởng đúc lưỡi cày của Chứ nổi lửa liên tục từ mờ sáng đến nửa đêm để đúc phục vụ bà con.

Tên tuổi "lưỡi cày người Mông" vang xa

Trong ngày hội trình diễn kỹ thuật rèn, đúc, khoan truyền thống diễn ra tại Bảo tàng Dân tộc học VN mới đây, nhiều nghệ nhân làng nghề từ các tỉnh Hà Giang, Hà Tây, Cao Bằng, Nghệ An đã được mời đến trổ tài. Đại diện đến từ cao nguyên đá Hà Giang là một "nghệ nhân người Mông" dáng người nhỏ bé với cái lưng hơi khòng nhưng bước đi vững chãi, rắn rỏi. Nghệ nhân đó không ai khác là Chứ Chúng Lầu. Trước mặt quan khách và bà con nông dân, ông già Chứ đã biểu diễn kỹ thuật đúc lưỡi cày thủ công một cách hết sức điêu luyện và chuyên nghiệp. Sản phẩm "lưỡi cày người Mông" ra đời ngay tại ngày hội được đánh giá là rất thích hợp với địa hình dốc núi đá tai mèo và được các dân tộc trong vùng ưa chuộng. Lần về Hà Nội đó, Chứ Chúng Lầu được thưởng tiền, số tiền theo như Chứ kể là đã về Mèo Vạc mua hai con bò để đi cày.

Chứ Chúng Lầu bán lưỡi cày ở chợ phiên Mèo Vạc

Hôm chúng tôi xuống chợ phiên Mèo Vạc thì gặp Chứ đang ngồi bán lưỡi cày cùng thằng Pó và đứa con dâu mười chín tuổi. Chứ mang theo ba cái lưỡi cày loại to, 100.000 đồng/cái. Giàng Vả Pò, một khách hàng người dân tộc sà xuống chọn lựa. Pò nhặt cục đá gõ gõ lên thân cày, tiếng kêu coong coong. Pò nói: "Ở đây không ai biết đúc cày đâu, chỉ có của Chứ thôi, mua cày về để trồng ngô, không gãy đâu". Pò lấy ra hai lưỡi cày bị gãy để đổi lưỡi cày mới. Anh bù thêm cho Chứ 40.000 đồng. Chưa đầy một tiếng, bốn chiếc lưỡi cày của Chứ Chúng Lầu đã bán hết veo.

Giàng Sáy Già, một ông già dân tộc cầm lưỡi cày của Chứ lên nói: "Cái cày này mũi rộng, đầu lưỡi hơi cong chứ không nhọn hoắt và cong vút như cày chính phủ, gặp đá không gãy đâu". Giàng Vả Pò nói: "Gặp đá, chỉ cần nâng nhẹ tay cày hoặc lượn qua hai bên là bẩy được đá đi, cày không gãy”. Chứ Chúng Lầu bảo: "Lưỡi cày chú đúc không gãy vì biết luyện gang. Luyện sao cho gang vừa tới, không giòn, không nứt nẻ. Người dân tộc biết mua cày chú chỉ cần lấy đá gõ thử. Gõ nghe giữa cày tiếng thanh, cuối cày tiếng hơi đục thì đó là cày Chứ Chúng Lầu”.

Chúng tôi nhớ lại lần xem đúc lưỡi cày trên bản. Hỏi Chứ rằng sao Chứ không đánh dấu vào cày để người ta có thể nhận ra, Chứ cười bảo "không cần". Giờ mới biết người dân tộc thử lưỡi cày qua tiếng gõ. Chứ cười: "Tự tay chú đã làm nhiều nghìn cái lưỡi cày rồi. Chú còn đi dạy người ta làm lưỡi cày ở Mèo Vạc, Đồng Văn, Quản Bạ... Chú không giấu nghề đâu! Chú dạy cho bà con từ làm lò, bễ đến khuôn đúc, cách luyện gang. Cứ thấy bà con làm được nhiều cày để trồng ngô trồng sắn là chú mừng rồi”.

Nhưng Chứ kể, không phải vì dạy cho nhiều người mà lò đúc của mình vắng khách. Mỗi mùa vụ, bà con bản khác vẫn kéo lên xem trực tiếp và mua lưỡi cày của Chứ Chúng Lầu. Nhiều lần, họ còn xếp thành hàng dài. Lò lửa nổi suốt đêm ngày. Chứ tính, mỗi năm, riêng mình đúc và bán được từ 25 - 30 triệu tiền lưỡi cày. Một mức thu nhập khá cao so với đời sống ở đây. Nhưng có vẻ Chứ không muốn làm giàu. Cày cứ đúc như thế, mỗi phiên chợ lại mang xuống, bán cho bà con rồi lấy tiền uống rượu ngô, say quắc cần câu rồi lại về bản. Tỉnh rượu rồi lại đúc lưỡi cày, tới phiên lại mang xuống chợ. Trong khi đó, những nương lúa, nương ngô trên cao nguyên đá mùa nào cũng xanh tốt và bội thu bởi nhờ lưỡi cày Chứ Chúng Lầu...

Thiếu Gia

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.