Làm phúc phải tội?

11/12/2010 19:02 GMT+7

Wan Xin, học sinh một trường trung học ở thành phố Trùng Khánh (Trung Quốc), phải mất một năm mới chứng minh được rằng mình vô tội trong vụ một cụ bà 77 tuổi bị ngã. Nhiều người ở đất nước đông dân nhất thế giới đang mắc hội chứng Genovese (hiệu ứng người ngoài cuộc).

Kéo co pháp lý

Khi nhìn thấy bà Zhang rên rỉ trên đường ngày 14.11.2009, Wan quyết định giúp một tay. Bà túm lấy Wan và nói rằng cậu phải chịu trách nhiệm về nỗi đau đớn của bà. Mẹ Wan bán hàng rong gần đó chạy tới và đưa bà Zhang tới bệnh viện và bà được xác định bị gãy chân.

Gần 3 tuần sau, mẹ Wan chi 20.000 nhân dân tệ tiền viện phí cho Zhang. Câu chuyện có lẽ dừng ở đó, nhưng người nhà của bà Zhang đòi thêm tiền, còn bố mẹ Wan từ chối. Bà Zhang đưa Wan ra tòa ngày 3-3, đòi bồi thường 30.483 nhân dân tệ. Tòa án bác đơn của bà Zhang, căn cứ trên thực tế rằng không có nhân chứng hoặc vật chứng cho thấy Wan làm bà bị ngã.

Tháng 8, bà Zhang tiếp tục kiện nhưng rồi rút lại đơn kiện. "Ngày cũng như đêm, em không thể không nghĩ đến vụ việc. Trong lớp, em không thể tập trung. Ban đêm, đôi lúc em không thể ngủ được. Em đã làm một việc tốt nhưng em sợ rằng mọi người nghĩ em là kẻ xấu", Wan kể. Kết quả học tập của Wan giảm sút và em trở nên thờ ơ với nhiều việc.

Câu chuyện của Wan được đăng tải rộng rãi trên các trang web lớn của Trung Quốc, riêng sohu.com thu hút hơn 27.000 lượt bình luận. "Tôi bảo các con tôi không được làm phúc nữa", Heixiaohaogou nhận xét. Nhiều người liên hệ vụ của Wan với một trường hợp nổi tiếng khác ở thành phố Nam Kinh. "Nếu ở Nam Kinh, Wan đã bị kết tội", Xiaosajianke viết.

Ngày 20.11.2006, Peng Yu được cho là giúp đỡ một phụ nữ nhiều tuổi tên là Xu Shoulan bị xô ngã trên đường phố Nam Kinh. Bệnh viện xác định bà bị rạn xương hông. Bà kiện Peng ra tòa, đòi bồi thường. Ngày 5.9.2007, tòa án kết luận Peng có tội và phạt 45.876 nhân dân tệ.

Thẩm phán nói: "Peng là người đầu tiên ra khỏi xe buýt và theo tư duy thông thường, Peng có khả năng va chạm với bà Xu". Phân tích của tòa khá đơn giản: Nếu Peng vô tội, sao anh ta lại giúp? Anh ta lẽ ra để bà Xu ở đó "chờ người thân đến đưa tới bệnh viện".

Sự lựa chọn vị tha (giúp người bị ngã) của Peng là "vô lý" và là bằng chứng tội lỗi. Logic gây tranh cãi này được báo chí Trung Quốc bàn luận sôi nổi. Sau đó, chính quyền Nam Kinh yêu cầu hai bên tự hòa giải.

Nhiều người nghĩ rằng, hai vụ trên tương tự, nhưng thực tế chúng hoàn toàn khác nhau, chuyên gia pháp lý Xu Xin ở Viện Công nghệ Bắc Kinh nói. "Phán quyết về vụ Wan Xin dựa trên chứng cứ, trong khi phán quyết về vụ Peng Yu dựa trên diễn giải theo lối kinh nghiệm", ông Xu nhận xét.

Theo ông, chính quyền Nam Kinh lo ngại hình ảnh thành phố bị ảnh hưởng xấu đã ép hai bên tự dàn xếp, mà dàn xếp không theo thủ tục pháp lý phù hợp là một sai lầm lớn. Phần lớn bằng chứng trong vụ Peng Yu cho thấy Peng thực sự xô ngã nạn nhân, dù công chúng có xu hướng tin anh này vô tội. "Nếu thẩm phẩm thấy Peng có tội dựa trên suy xét hợp lý và chứng cứ rõ ràng, vụ việc đã không có gì", ông Xu nói.

Trong khi đó, sự vô tội của Wan được chứng minh nhờ một người đi đường sẵn lòng đi xa để tới tòa làm chứng. "Trường hợp Wan Xin có phán quyết tốt dựa trên bằng chứng. Vụ này đưa một tín hiệu rõ ràng đến với công chúng: làm phúc thì không phải tội", ông Xu nhận định.

Một ngày sau phiên tòa xử Wan Xin lần thứ 2, một người đàn ông 78 tuổi, họ Zhang ngã khi sang đường ở tỉnh Hồ Bắc. Ông kêu gọi giúp đỡ suốt nửa tiếng nhưng không ai dừng bước để giúp một tay. Sau đó, tài xế taxi tên là Wang Tiejun là người đầu tiên tự nguyện tiến tới giúp ông Zhang. "Cảm ơn anh. Anh cứ yên tâm. Tôi tự ngã và sẽ không buộc tội anh đâu", ông Zhang nói với người giúp mình đứng dậy. Lái xe Wang kể lại: "Sau vụ Peng Yu, tôi sợ bị buộc tội làm điều gì đó mà mình không làm".

Vô cảm, khủng hoảng niềm tin

Trường hợp Peng Yu dường như đã tác động mạnh đến tâm lý người đi đường. Một người đàn ông đứng tuổi mang họ Ding ở thành phố Hàng Châu lên cơn đau tim và ngã đập đầu trên phố ngày 6.12.2009. Hàng chục người đi đường gọi số khẩn cấp 110 và 120 nhưng không ai làm gì thêm. Cuối cùng, ông Ding chết trong xe cứu thương.

 
Ngày 9.1.2007 ở thành phố Trùng Khánh, một người đàn ông
bị huyết áp cao ngã xuống đường thu hút sự chú ý của nhiều người,
nhưng ít người thực sự ra tay giúp đỡ - Ảnh : IC

Các nhà tâm lý coi hội chứng Genovese là một nhân tố quan trọng trong việc cân nhắc can thiệp trong những trường hợp như vậy. Thông qua nhiều thí nghiệm, các nhà khoa học xã hội rút ra kết luận rằng, càng nhiều người đi đường liên quan một tình huống khẩn cấp, càng ít người cảm thấy có nghĩa vụ phải hành động.

Càng nhiều người chứng kiến vụ việc thì tinh thần trách nhiệm cá nhân của họ càng giảm. Họ có tâm lý đùn đẩy trách nhiệm hoặc cầu an kiểu "mình không thể liều lĩnh được, nếu có chuyện gì xảy ra thì tất cả cùng chịu trách nhiệm". "Tôi nghĩ rằng, trường hợp ở Trung Quốc rất khác trường hợp Genovese. Nó không liên quan tính thờ ơ, lãnh đạm. Đơn giản là vì người ta quá lo cho tương lai của mình", Hou Yubo, giáo sư tâm lý học công tác tại Trường Đại học Bắc Kinh, nhận định.

Giáo sư Chen Lidan công tác tại Trường Đại học Nhân dân Trung Quốc lại nhấn mạnh yếu tố kinh tế thị trường. "Công chúng thường hiểu các nguyên tắc của kinh tế thị trường một cách méo mó. Sự tín nhiệm là nền tảng của một nền kinh tế thị trường, nhưng hiện nay nhiều người tin rằng, tiền là tất cả. Không có chuẩn mực về niềm tin cơ bản và hành vi, chúng ta phải trả giá nhiều mới xác định được thực và giả", giáo sư Chen nói.

Xã hội chú trọng quá nhiều đến phát triển tài sản vật chất. "Quản lý con người khác với quản lý máy móc. Việc thiếu niềm tin cũng là nguyên nhân của cuộc khủng hoảng tín nhiệm của chúng ta. Đạo đức của công dân của chúng ta rất thấp. Nhiều người chỉ nghĩ đến tiền và lợi nhuận", ông nhận định.

Để giải quyết vấn đề, một số chuyên gia Trung Quốc nghĩ đến việc ra đời của Luật Bác ái. Tuy nhiên, giáo sư Xu không hoàn toàn đồng ý. "Tôi nghĩ việc này liên quan niềm tin xã hội hơn là hệ thống pháp lý. Tự nguyện không liên quan luật pháp, nhưng cũng không nên bỏ qua chức năng thúc đẩy hành vi tốt và định hướng của luật", ông nói.

Với hệ thống pháp luật và môi trường xã hội hiện nay, người nào tình nguyện giúp đỡ người khác cần nghĩ đến việc bảo vệ quyền của mình bằng cách ghi nhận, lưu giữ bằng chứng, giáo sư Xu khuyến nghị.

Hiệu ứng người ngoài cuộc

Hiệu ứng người ngoài cuộc là hiện tượng tâm lý xã hội mà trong tình huống khẩn cấp, càng nhiều người có mặt thì càng ít khả năng họ sẽ hành động. Một thuật ngữ khác dùng để miêu tả hiện tượng này là hội chứng Genovese được đặt theo tên Kitty Genovese - người phụ nữ bị đâm chết gần nhà mình ở thành phố New York (Mỹ) ngày 13.3.1964. Genovese kêu cứu liên tục, và nhiều người hàng xóm nghe thấy nhưng không phản ứng gì.

Theo Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.