Bị giết tại Tòa dân sự, ai chịu trách nhiệm?

08/12/2006 22:13 GMT+7

Mới đây, tại TAND huyện Ninh Hòa (Khánh Hòa) có giải quyết một vụ hòa giải ly hôn, trong lúc cán bộ tòa án đi ra ngoài, người chồng đã dùng dao giết chết vợ mình vì lý do người vợ không đồng ý rút đơn ly hôn.

trước đó, tại TAND TP.HCM cũng xảy ra một vụ cố ý gây thương tích: thân chủ đã dùng tuốc-nơ-vít đâm vào luật sư của mình. Thực trạng trên cho chúng ta thấy sự coi thường danh dự của người khác, bất chấp pháp luật dù đương sự đang ở chốn công đường. Ngoài trách nhiệm hình sự đối với những bị can, bị cáo nói trên, vấn đề đặt ra đối với trách nhiệm của cơ quan Nhà nước cụ thể là ngành tòa án đối với vấn đề này như thế nào. Chúng tôi đã trao đổi với bà Nguyễn Ngọc Ánh - Phó chánh án Tòa án nhân dân Q.Gò Vấp (TP.HCM). Bà Ánh cho biết:

- Về trách nhiệm của bị can, bị cáo: Người nào có hành vi cố ý giết người thì sẽ bị truy tố theo điều 93 Bộ luật hình sự, tùy theo tình tiết và mức độ phạm tội, mức phạt tù sẽ tương ứng với hành vi đó;  cao nhất có thể lên đến chung thân hoặc tử hình. Trong trường hợp người nào đó cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% - 30% thì bị truy tố theo điều 104 Bộ luật Hình sự; có những trường hợp, tuy tỷ lệ thương tật dưới 11% nhưng cũng có thể bị truy tố trước pháp luật nhằm để răn đe, phòng ngừa.

- Về trách nhiệm của cơ quan Nhà nước: Từ trước đến nay, pháp luật chưa quy định tại các phiên tòa dân sự có lực lượng công an bảo vệ và cũng chưa quy định có một lực lượng nào làm công tác bảo vệ nói chung, mặc dù nơi đây luôn xảy ra những tranh chấp, mâu thuẫn. Về phía tòa án cũng chưa có biện pháp gì để bảo vệ những hoạt động của mình. Đây là bức xúc chung của ngành tòa án. Có những lúc chúng tôi đang làm việc hoặc đang hòa giải với đương sự, có những đương sự rất hung hăng, hăm dọa cán bộ tòa án và cả thẩm phán. Chúng tôi cũng đành bó tay. Hiện nay, trong các phiên tòa hình sự mới có lực lượng công an dẫn giải. Chúng tôi cũng có ý kiến đề nghị nhanh chóng thành lập lực lượng cảnh sát tư pháp để bảo vệ các hoạt động tại tòa án nhằm bảo vệ cán bộ tòa án cũng như bảo vệ người dân nhưng chưa được đáp ứng.

Hoàng Tạo (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.