Bò tót si tình

11/02/2013 15:25 GMT+7

(TN Xuân) Tại Vườn quốc gia Phước Bình, chúng tôi được nghe câu chuyện bò tót đực khổng lồ tách bầy về “tán tỉnh” đàn bò cái nhỏ bé gặm cỏ dưới chân núi Tà Nin, thôn Bạc Rây 2, xã Phước Bình, H.Bác Ái (Ninh Thuận).

(TN Xuân) Tại Vườn quốc gia Phước Bình, chúng tôi được nghe câu chuyện bò tót đực khổng lồ tách bầy về “tán tỉnh” đàn bò cái nhỏ bé gặm cỏ dưới chân núi Tà Nin, thôn Bạc Rây 2, xã Phước Bình, H.Bác Ái (Ninh Thuận).

Tại Vườn quốc gia Phước Bình, chúng tôi được nghe câu chuyện bò tót đực khổng lồ tách bầy về “tán tỉnh” đàn bò cái nhỏ bé gặm cỏ dưới chân núi Tà Nin, thôn Bạc Rây 2, xã Phước Bình, H.Bác Ái (Ninh Thuận).

Đến từ đại ngàn

Năm 2008, một sự kiện hiếm có khi người dân địa phương phát hiện con bò tót đực cường tráng từ đại ngàn về làng, đuổi theo những ả bò nhà ở khu vực nương rẫy dưới chân núi Tà Nin. Từ dạo đó đến nay, hễ đến mùa động dục, gã si tình khổng lồ ấy lại mò về.

Tại tiểu khu 20 của Vườn quốc gia Phước Bình, chúng tôi chứng kiến cảnh con bò tót đen sì, có kích thước đồ sộ đang thong thả gặm cỏ chung với đàn bò nhà. Nó không còn những động thái mài sừng, trợn mắt hung dữ khi thấy người đến gần như những năm trước đây nữa. Già làng Pinăng Thông, thôn Bạc Rây 2, cho biết: “Trước đây, mỗi lần bò tót xuất hiện là người dân rất lo sợ bởi tính hung hãn của nó. Hễ thấy vật lạ cản đường là nó liền đưa sừng húc đổ tứ tung, kể cả những chòi canh rẫy của người dân. Thế mà đám bò cái của làng đã làm cho kẻ “si tình” kia cũng phải thuần phục đấy”.

Bò tót si tình
Bò tót sinh sống chung với bò nhà - Ảnh: Thu Thảo

Già làng Thông đã từng nhiều lần chứng kiến bò tót về làng bám theo các ả bò nhà rất đều đặn: buổi sáng từ rừng về rẫy gặm cỏ và chiều đến, nó lại biến vào rừng. Trong quá trình ve vãn các ả bò nhà, kẻ si tình sẵn sàng chiến đấu với đối thủ là những chú bò đực nhà đi chung bầy. Ngược lại, bò tót rất dịu dàng trước những ả bò nhà yểu điệu. Mấy ả bò nhà cũng không xa cách gã cao to ấy.

Trưởng thôn Pi Năng Vanh cho hay, từ khi bò tót về làng đến nay, “hắn” đã hạ gục 7 bò đực trưởng thành. Vì vậy, các chú bò đực lai Sind mỗi khi thấy bò tót xuất hiện đều cong đuôi mà chạy. Ông Vanh kể: “Dân làng chứng kiến bò tót húc chết con bò đực của ông Chuẩn (thôn Bạc Rây 2) thả ăn chung, rồi “tòm tem” với con bò cái trong đàn”. Theo ông Vanh, kết quả của những cuộc giao phối không cân sức tại thôn bản từ 4 năm qua đã cho ra đời hơn 12 con bò tót lai vượt trội về thể trọng và có các đặc điểm về lông, sừng... rất giống bố. 

Thương hiệu bò lai

Nói về con bò tót lạc bầy nọ, các chuyên gia Vườn quốc gia Phước Bình cho rằng nhiều khả năng đây là trường hợp sa thải sinh học sau cuộc giao tranh thống lĩnh bầy đàn hoặc cũng có thể nó đi lạc xuống núi, bất ngờ gặp gỡ bò nhà và nhập đàn sống chung. Giám đốc Vườn quốc gia Phước Bình Nguyễn Công Vân nhận định về sự ra đời những chú bò tót lai: “Đây là hiện tượng sinh học tự nhiên rất đặc biệt mà con người không thể tác động vào được”.

Ông Vân cho biết hiện Sở Khoa học - Công nghệ hai tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng đang làm đề tài khoa học nghiên cứu giám định di truyền và đánh giá khả năng phát triển của bò lai F1 giữa bò tót (Bos gaurus) và bò nhà (Bos taurus) tại vùng rừng giáp ranh Ninh Thuận và Lâm Đồng. Đề tài được thực hiện tại Vườn quốc gia Phước Bình, nơi phát sinh đàn bê F1 lai giữa bò tót và bò nhà. Việc sử dụng bò lai F1 để tạo ra đàn bò lai F2 có ý nghĩa quan trọng trong việc đưa nguồn gien quý từ động vật hoang dã vào vật nuôi nhằm cải thiện năng suất, chất lượng, khả năng chống chọi với bệnh tật và đáp ứng với điều kiện chăn nuôi quảng canh, kém thuận lợi.

Do có 50% máu bò tót (một cách ước tính tương đối), nên đàn bê F1 đã thể hiện khả năng tăng trọng nhanh, chịu đựng tốt các điều kiện nuôi dưỡng kham khổ của chăn nuôi quảng canh và có thể có khả năng đề kháng tốt với một số bệnh thông thường hay xảy ra trên đàn bò nhập nội và bò nhà. Khi trưởng thành, trong điều kiện nuôi tập trung phù hợp, các ưu thế lai phát huy tốt, bò lai sẽ có trọng lượng lớn và cho khối lượng thịt hơn hẳn bò nhà. Đây là cơ hội hiếm có để hội tụ các nguồn gien quý, hướng tới giá trị thương hiệu bò lai Ninh Thuận - Lâm Đồng.

“Trước mắt, Sở Khoa học - Công nghệ hai tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng đã thống nhất mua lại số bò tót lai của người dân và tạo vùng khoanh nuôi phù hợp với môi trường sống của bò tót ngay tại Vườn quốc gia Phước Bình. Ngoài ra, đã có hai trường đại học của Mỹ và Hàn Quốc ngỏ ý sẽ giúp đỡ việc xét nghiệm gien và công tác bảo tồn bầy bò tót lai này”, ông Vân cho biết.

Thiện Nhân

>> 17 người tham gia đánh chết bò tót
>> Điều tra vụ giết bò tót ở vườn quốc gia
>> Một con bò tót tại Vườn quốc gia Cát Tiên bị sát hại
>> Xác định được "lộ trình" bò tót xâm nhập sân bay Phú Bài
>> Bò tót làm lộ lỗ hổng an ninh, an toàn sân bay

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.