Đại tướng Võ Nguyên Giáp ‘vắng mặt’ trong SGK - Kỳ 6: Giới trẻ mong muốn gì ở SGK lịch sử?

25/10/2013 08:00 GMT+7

(TNO) Nhiều bạn trẻ thể hiện quan điểm riêng của mình về sách giáo khoa (SGK) lịch sử sau năm 2015: họ mong muốn có một sự thay đổi về cách thể hiện, để thế hệ trẻ hiểu biết hơn về những vị anh hùng của dân tộc, những cá nhân lịch sử của mọi thời đại.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp ‘vắng mặt’ trong SGK - Kỳ 6 - Giới trẻ mong muốn gì ở SGK lịch sử?
Tấm ảnh ghi lại khoảnh khắc thương yêu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cháu nội Võ Thành Trung - Ảnh: Duy Anh

>> Kỳ 5: Đừng để lịch sử gây ‘đau khổ’ cho học sinh
>> Kỳ 4: Lạc hậu trong quan điểm viết sách
>> Kỳ 3: Cần phải thay đổi cách làm sử
>> Kỳ 2: Làm nhẹ vai trò cá nhân
>> Kỳ 1: Sách giáo khoa ‘bỏ quên’ Đại tướng!

Vũ Trung Tùng (sinh viên năm 4, ngành Khoa học xã hội, Trường ĐH Sài Gòn) cho rằng học xong chương trình lịch sử phổ thông, anh chỉ nhớ được hai sự kiện lớn là Cách mạng tháng 8 và Chiến dịch Mậu Thân 1968.

“Số còn lại thì thật tình tôi không có dấu ấn nào cả. Tôi mong những nhà soạn SGK lịch sử cần có sự thay đổi trong viết sách mới, giúp người học đỡ ngán. Có thể đưa những bài học về các nhân vật có ảnh hưởng lớn đến lịch sử Việt Nam vào SGK, giúp chương trình học đỡ khô khan. Tâm lý chung là cứ ngày tháng lê thê thì ai cũng sợ, nghĩ tới là nhức óc thì làm sao kêu người ta đam mê học sử cho được”, Tùng cho biết thêm.

Về vấn đề này, Triệu Minh (học sinh lớp 11A1, Trường trung học thực hành, ĐH Sư phạm TP.HCM) cho biết: “Em không thích học sử, em học chỉ để đối phó với kiểm tra là chính. Em không biết phải phải đề xuất cụ thể gì về SGK lịch sử, nhưng rất cần có một sự thay đổi, để nội dung sao cho học sinh tụi em có thể tiếp thu nhẹ nhàng, ấn tượng và dễ nhớ”.

“Theo mình thì sự kiện, diễn biến lịch sử như hiện tại là hay. Nhưng nên giảm dung lượng và có thể tóm lược bớt. Và khi có ai muốn tham khảo thêm sự kiện gì thì có thể tìm sách  đọc thêm", Trần Thị Mỹ Linh (20 tuổi, ngụ Bến Tre) cho biết.

Đặng Thị Hồng Nhung (sinh viên Trường ĐH Y dược TP.HCM) cho biết: “Mình thấy nước ngoài họ làm phim lịch sử hay quá. Người ta chuyển thông điệp qua nhân vật lịch sử. Ví dụ như xem phim Tam Quốc Chí, người ta biết trong thời Tam quốc phân tranh có các nhân vật: Lưu Bị, Gia Cát Lượng, Tào Tháo... muôn màu tính cách… Phải chi SGK mà chuyển tải được thông điệp như phim, thì mọi người sẽ có cách học, cách nhìn nhận khác về môn lịch sử”.

Nhiều bạn trẻ khác cũng cho rằng, học lịch sử không chỉ học về các nhân vật anh hùng mà cũng cần đề cập đến những con người lịch sử. Ví dụ như trong các phim về Thế chiến thứ 2, ai cũng biết được một trùm phát xít Hitler thế nào, bởi ông là một nhân vật lịch sử của cả thế giới trong thời kỳ đó.

Sẽ đổi mới sau năm 2015

PGS Đỗ Ngọc Thống, Thường trực Ban soạn thảo Đề án đổi mới chương trình, SGK phổ thông sau 2015 của Bộ GD-ĐT cho biết: “Bộ phận thường trực Đổi mới chương trình và SGK sau 2015 chỉ mới nghiên cứu và xây dựng chương trình khung, tổng thể, chưa có Hội đồng xây dựng chương trình môn học nên chưa bàn về quan điểm viết SGK lịch sử nên thay đổi như thế nào. Nhưng Bộ GD-ĐT sẽ tập hợp các ý kiến xung quanh vấn đề về Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà các báo nêu lên để cùng ban biên soạn chương trình và SGK nói chung, môn lịch sử nói riêng nghiên cứu, thảo luận để có thể đề xuất một phương án phù hợp”.

Theo PGS Hà Minh Hồng, Trưởng bộ môn sử Việt Nam (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM), trong khoảng 3 năm nay, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã có nhiều ý kiến đóng góp với Bộ GD-ĐT xung quanh vấn đề viết SGK lịch sử.

“Theo tôi, với những góp ý cụ thể của Hội Lịch sử khoa học Việt Nam, SGK sử sắp tới sẽ thể hiện theo kiểu khác. Ngoài việc thay đổi cách trình bày, soạn thảo, nhiều khả năng sẽ nêu cao vai trò nhân vật lịch sử (đây cũng là vấn đề mà chúng tôi đề cập nhiều với Bộ GD-ĐT) chứ không đưa quá nhiều số liệu ngày tháng, sự kiện như hiện nay. Tôi cũng theo dõi SGK sử ở nhiều nước, ngoài việc tăng kênh hình, giảm kênh chữ giúp người học đỡ mỏi mắt, họ còn đưa nhiều anh hùng dân tộc vào SGK để giáo dục học sinh. Đây cũng là cách mà chúng ta nên theo trong việc soạn thảo SGK sử sắp tới”, PGS Hà Minh Hồng cho biết thêm.

Những nhân vật lịch sử

Tôi bây giờ đã 60 mà những bài học sử và các anh hùng dân tộc trong lịch sử tôi vẫn nhớ như in. Vì sao? Vì tiêu đề mỗi bài học lịch sử rất rõ ràng và ấn tượng: “Quang Trung đại phá quân Thanh; Phạt Tống, bình Chiêm Lý Thường Kiệt; Tướng Phạm Ngũ Lão ngồi đan sọt mà lo việc nước; Trần Bình Trọng - Thà làm quỷ nước Nam chớ không thèm làm vương đất Bắc; Trần Quốc Toản - Phá cường địch báo hoàng ân; Ngô Quyền đại phá quân Nam Hán... Có những trận đánh, người ta chỉ đặt đầu đề tên người chỉ huy như Thánh Gióng, Bà Triệu, Hai Bà Trưng... còn trận đánh thì mô tả trong bài học. Phải chăng các nhà giáo dục của ta chưa biết cách tạo một giáo trình dạy sử gây ấn tượng trong đầu học sinh, chỉ nặng về mô tả chiến dịch và nói về những thiệt hại của địch mà quên nói về những vị nhân vật lịch sử của dân tộc… (N.V.M - Một bạn đọc của Báo Thanh Niên)

Minh Luân

>> Từng có ngôi trường đặc biệt mang tên Đại tướng
>> Vĩnh biệt vị Đại tướng của khát vọng
>> Đại tướng sống mãi trong lòng dân
>> Đại tướng trong trái tim tuổi trẻ
>> Tiễn biệt Đại tướng
>> Tôi đã ở rất gần Đại tướng
>> Đừng chỉ nhìn Đại tướng chỉ là một vị tướng...
>> Võ Nguyên Giáp - Vị Đại tướng nghĩa tình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.