Dạy học toán qua chuyện kể

20/11/2009 22:52 GMT+7

“Một cặp bánh chưng gồm mấy bánh vậy các con?”. “Hai ạ”. “Một đôi bông tai thì có mấy bông tai?”. “Hai ạ”... “Vậy bây giờ lớp mình chia cặp đến nhà bạn Gấu, xem bạn ấy sắm quà Noel cho gia đình như thế nào nghen”.

Vừa học vừa chơi

Tiếng cô giáo Trương Thị Thanh vừa ngưng thì cả lớp Lá 1 trường Mầm non Vàng Anh (Q.8, TP.HCM) cứ hai bạn nắm tay nhau vừa nhảy lò cò vừa hát: “Cặp kè chấm muối mè, ngồi xuống, ăn rau muống, đứng lên”. Khi ra đến góc lớp có “nhà” của bạn Gấu, cả lớp ngồi im lặng nghe cô Thanh kể chuyện: “Gần đến Noel rồi, bạn Gấu rất muốn mua quà để tặng mọi người trong gia đình nhưng Gấu lại không đếm được hết số người, vậy các con có thể giúp bạn được không?”. “Dạ có”, nhiều cánh tay giơ lên xin được phát biểu. “Thưa cô, nhà bạn Gấu có 5 người: bố, mẹ, chị gái, em trai và Gấu ạ”, bé Trần Thị Thanh Thanh nói sau khi được cô Thanh nhờ đếm số người...

Cứ như vậy, hằng ngày, trong mỗi buổi lên lớp của mình, cô Thanh lại đan xen vào những câu chuyện kể cho học sinh những tình tiết dạy các em học Toán, phát triển ngôn ngữ qua trò chơi vận động và phát triển kỹ năng phân loại... Đó là những sáng kiến kinh nghiệm nuôi dạy trẻ mầm non mà cô giáo Trương Thị Thanh - người vừa được vinh danh trong lễ trao giải thưởng Võ Trường Toản (giải thưởng danh giá nhất của ngành giáo dục TP.HCM).

Sưu tầm cho bài giảng

21 năm, kể từ ngày tốt nghiệp Trung học Sư phạm mầm non rồi gắn bó với trường Mầm non Vàng Anh là thời gian khá dài để cô giáo Trương Thị Thanh trải nghiệm trong nghề. Chị tâm sự: “Nếu chỉ nhìn bề ngoài thì việc giữ trẻ vô cùng đơn giản nhưng làm gì để dạy các em những khái niệm, những kiến thức đầu đời sao cho các em tự tin bước những bước đi tiếp theo là một chuyện hoàn toàn khác. Để tác động được vào tâm thức của trẻ mầm non, không còn cách nào khác là phải lay động cảm quan các em một cách cụ thể, trực tiếp, càng sinh động càng tốt. Mỗi lứa tuổi có một đặc điểm tâm lý khác nhau, là giáo viên mình cần phải nắm bắt được điều đó”.

Đồng nghiệp trong trường thường xuyên bắt gặp hình ảnh: đang vui vẻ chuyện trò thì cô Thanh chợt lấy giấy viết ra ghi ghi chép chép. Còn ông xã đang đọc báo ở nhà, thấy chị đi lướt qua và đứng chựng lại là hiểu lát sau tờ báo sẽ lủng lỗ. Hỏi ra mới biết, “nhiều khi bắt gặp một câu nói hay, một tình tiết thú vị hay một tờ báo có hình ảnh sống động là tôi sưu tầm ngay để làm vốn sử dụng cho những tình huống sư phạm sau này”, chị Thanh giải thích.

Ấn tượng trong suốt buổi trò chuyện với chị là một phụ nữ có tính cách khá phù hợp với nghề nuôi dạy trẻ, nhu mì trong từng lời nói, đôi mắt sáng lên khi nói chuyện về nghề và xúc động đến rơi nước mắt thì nói đến giải thưởng mà mình được nhận: “Hơn 40 tuổi, vậy mà khi biết mình được giải thưởng Võ Trường Toản tôi đã nhảy lên vui sướng...”.

Bích Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.