Chớ lạm dụng thuốc xông mũi - họng

04/12/2006 16:05 GMT+7

Gần đây, trên thị trường có bán rất nhiều loại máy xông, sử dụng trong việc chữa các chứng nghẹt mũi, viêm, mũi - họng dị ứng, viêm xoang... Tuy nhiên, việc tự ý sử dụng thuốc xông là điều không nên.

Bệnh nào thuốc nấy

Xông mũi, ở phương diện Tây y còn gọi là khí dung. Xông để chữa trị hoặc hỗ trợ trong chữa trị một số bệnh lý ở đường hô hấp cấp hoặc mãn tính. Chẳng hạn trong chuyên khoa tai - mũi - họng (như: viêm mũi - họng, viêm thanh quản, viêm khí quản, viêm phế quản, viêm xoang cấp và mãn tính); hoặc còn dùng để phối hợp trong điều trị bệnh lý nội khoa khác như làm tan đàm trong bệnh phổi chẳng hạn. Theo bác sĩ Phạm Thanh Sơn - khoa Tai - mũi - họng (Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM): "Khi xông, hơi thuốc sẽ được máy đẩy ra tạo thành dạng hơi sương, tác dụng trực tiếp lên chỗ viêm nhiễm ở đường hô hấp (thay vì uống, hay chích thì thuốc đi vào dạ dày, ngấm vào máu sau đó mới đến các tế bào bị viêm nhiễm thì sẽ lâu hơn). Xông sẽ có tác dụng nhanh hơn, nhưng thời gian tác dụng của xông sẽ ngắn hơn". Còn theo lương y Huỳnh Văn Quang (TP.HCM): "Ở phương diện y học cổ truyền, mục đích của xông là làm thông kinh, hoạt lạc (làm cho các kinh mạch lưu chuyển tốt, không bị ứ trệ); phát hãn (làm ra mồ hôi); chỉ thống (giúp giảm đau)...". 

Tùy từng trường hợp, bác sĩ sẽ sử dụng thuốc để xông khác nhau. Chẳng hạn như bị dị ứng đường hô hấp, hắt hơi, viêm mũi dị ứng thì thường dùng thuốc xông dạng corticoid. Nhưng nếu có viêm nhiễm, bội nhiễm có thể sẽ phối hợp thêm kháng sinh. Những trường hợp bị co thắt khí quản, phế quản trong viêm phế quản cấp, bệnh hen suyễn, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)... người ta cũng dùng phương pháp xông thuốc để làm giãn phế quản, giúp bệnh nhân dễ thở. Ngoài ra, trong chữa trị bệnh phổi, người ta cũng dùng phương pháp khí dung để làm loãng đàm cho bệnh nhân.

Bác sĩ Phạm Thanh Sơn cho rằng, người bệnh có thể mua máy về nhà sử dụng, nhưng việc sử dụng thuốc (về loại thuốc và liều lượng dùng) để xông thì phải có hướng dẫn của thầy thuốc. Không được tự ý dùng thuốc xông, nhất là các thuốc corticoid hay kháng sinh. Nếu dùng không đúng, không những không hết bệnh, mà còn làm cho bệnh trầm trọng hơn. Ngoài ra việc lạm dụng coricoide hay kháng sinh sẽ ảnh hưởng cho sức khỏe. Ngay cả các loại tinh dầu (hay ống hít bán sẵn làm thông mũi) cũng không được lạm dụng bừa bãi, vì nó sẽ làm cho nghiện và làm giảm khứu giác. Tinh dầu hay ống hít nên dùng từ 5 - 7 ngày (2 - 3 lần/ngày) trong những lúc bị viêm mũi - họng cấp tính do mắc mưa, nắng, cảm cúm  gây nghẹt mũi.

Những cách xông trị viêm mũi - họng từ Đông đến Tây

Từ lâu, dân gian đã có nhiều cách xông để chữa viêm mũi - họng, làm thông mũi... rất đơn giản từ cây lá. Theo lương y Huỳnh Văn Quang: "Dân gian thường sử dụng những loại lá cây có chứa tinh dầu và hương thơm như: lá khuynh diệp, lá sả, bạc hà, lá chanh, lá tía tô, lá ổi; lá kinh giới... Tinh dầu chứa trong cây lá có tính sát trùng và làm thông mũi - họng, khi xông ngoài chữa viêm nhiễm còn giúp người bệnh dễ chịu. Cho các loại cây lá vào nồi, đổ đầy nước, đậy kín, đun thật sôi và đem ra xông. Cách xông có thể xông toàn thân hoặc xông riêng vùng mũi - họng. Nhưng lưu ý khi xông phải mở nắp nồi xông từ từ và hít hơi xông từ từ bằng đường mũi, rồi thở ra bằng đường miệng. Xông khoảng 10 - 15 phút sẽ có tác dụng chữa viêm mũi dị ứng, nghẹt mũi rất hay. Ngoài ra, còn có bài thuốc xông sau đây chữa chứng nghẹt mũi, hắt xì và đau đầu, gồm các vị thuốc như: bắc kinh giới (1 lượng), bạc hà diệp, quả ké đầu ngựa, phòng phong (mỗi thứ 5 chỉ), tân di hoa (1 lượng) và tế tân (3 chỉ). Cách xông cũng nấu lên và xông như cách xông dân gian". Còn lương y Phan Cao Bình có những cách xông mũi dân gian khác như: dùng 30 gr cỏ cứt lợn nấu sôi chừng 10 phút để xông. Sau khi xông, có thể dùng nước xông này nấu cô đặc hơn, rồi dùng nó nhỏ mũi trong ngày; hoặc dùng bài thuốc gồm các loại: 30 gr cỏ hôi, 20 gr tân di hoa, 12 gr ké đầu ngựa, 12 gr cam thảo đất sắc uống kết hợp với cách xông trên.

Ngoài ra, trong những trường hợp gấp gáp như đi công tác xa mà bị viêm mũi - họng, nghẹt mũi khó chịu, thì có thể dùng tép tỏi đập dập và mấy giọt tinh dầu cho vào ly (hoặc tô) nước nóng, rồi lấy bìa giấy cứng cuộn lại làm thành cái phễu, chụp đầu lớn phễu lên ly nước, đầu nhỏ đặt vào mũi, họng để xông...

Còn cách xông hiện đại bằng máy, theo bác sĩ Phạm Thanh Sơn thường có hai dạng máy xông: ở dạng máy thông thường, máy sẽ phun thuốc thành hơi sương thấm vào các niêm mạc ở vùng mũi - họng, thanh quản, khí quản, phế quản... và dạng máy xông siêu âm sẽ làm cho thuốc tạo thành những hạt rất nhỏ, mịn để đi sâu vào niêm mạc, hay vào đến tận phế nang...  Mỗi lần xông từ 20 - 30 phút. Sau khi xông phải vệ sinh dụng cụ xông sạch sẽ, để không làm lây nhiễm bệnh.

T.T

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.