Đoạn trường tìm bệnh - Kỳ 1: Rạc người chờ khám

13/11/2008 11:18 GMT+7

Bệnh viện nào ở TPHCM cũng hầu như quá tải, khiến bệnh nhân phải chầu chực mỏi mòn chờ đợi được khám bệnh. Vào gặp bác sĩ khám, chẩn đoán bệnh rồi cũng chưa yên, vì người này chẩn bệnh này, bác sĩ ở bệnh viện khác lại đoán bệnh khác. Chưa kể, nhiều bệnh nhân còn bị bác sĩ “tuyên án”...

4 giờ. Những chuyến xe đò trờ đến rồi đi thật nhanh, để lại trước cổng Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy - TPHCM nhiều người mệt mỏi, vẻ ốm đau càng lộ rõ. Họ ngơ ngác một hồi rồi tản ra xung quanh, ngồi chờ đến giờ vào lấy số thứ tự khám bệnh.

Hành trình trong đêm

Trời càng sáng, dòng người đổ về BV Chợ Rẫy mỗi lúc một đông. Dọc theo hàng rào BV, từng tốp người tranh thủ ngủ thêm, hoặc ăn lót dạ miếng cơm, xôi đem theo từ nhà. Một người đàn ông ngồi cạnh tôi tại quán cóc trước BV than: “Sao đông quá không biết! Chắc mẹ tôi tới chiều mới khám được...”. Ông cho biết tên là Ba Hùng, nhà ở Cai Lậy - Tiền Giang, đi cùng em gái đưa mẹ lên TPHCM khám bệnh từ lúc 2 giờ. Những người ngồi trong quán cóc cũng góp chuyện. Họ đều từ các tỉnh, TP khác đến nên phải đi từ nửa đêm, thậm chí có người phải đi từ tối qua. “Phải tranh thủ đến lấy số khám trước để kịp về, chớ không thì phải ở lại qua ngày mai”- một người đàn bà ở Đồng Tháp nói với vẻ từng trải- “Tháng trước tôi dắt thằng con lên khám, xe hư giữa đường, mãi 7 giờ mới vào BV lấy được số thứ tự. Vậy mà loanh quanh khám, chụp X-quang, xét nghiệm... đến tối mịt, phải ở lại hôm sau mới về được”.

Mỗi chuyến đi tìm bệnh đối với họ không hề đơn giản, phải chuẩn bị tiền bạc, sắp xếp công việc... trước cả tuần. Ông Trần Văn Đực, quê Vĩnh Long, buồn hiu: “Vợ con sợ tôi đi đường bệnh trở nặng nên đòi theo, nhưng mà đi hết thì ruộng vườn, heo gà ai coi?”.

Tôi theo ông Ba Hùng vào bên trong BV. Ở một góc hành lang, em gái ông đang ngủ gà gật bên người mẹ trên tấm áo mưa trải dưới nền. Xung quanh đó chật kín người trải báo, chiếu hay áo mưa tranh thủ chợp mắt. Khuôn mặt người nào cũng mệt mỏi, hốc hác vì bệnh tật và trải qua chuyến xe đêm.

Vật vờ chờ đợi

8 giờ. BV Ung Bướu TPHCM mới bắt đầu khám, song từ 6 giờ, những hàng ghế trước phòng khám đã chật kín. Tôi phải ngồi xuống nền nhà, cạnh một chị bồng đứa bé trai chừng 10 tháng tuổi. Chị cho biết nhà ở Long An, đi từ nhà 2 giờ và vừa đến BV. “Tôi đau đã đành, chỉ tội cho cháu còn bú nên không gửi ai được” - chị buồn bã. Nghe nói khám bệnh rất lâu nên chị đem theo lỉnh kỉnh đồ đạc đựng trong 3 chiếc túi to.

Nhiều người ngồi chờ đến lượt khám bệnh mệt mỏi thiếp đi. Có người căng thẳng nhìn đăm đăm vào đèn báo số thứ tự. Người khác sốt ruột đi đi lại lại trước phòng khám. Không khí mệt mỏi, nặng nề bao trùm. Tôi chú ý một cặp vợ chồng đã luống tuổi, người chồng chốc chốc lại ôm đầu đau đớn, còn người vợ bất lực đưa đôi mắt đỏ hoe hết nhìn chồng lại ngó đèn báo số thứ tự. Đèn báo nhấp nháy, chậm chạp nhảy nhích từng con số... Nhiều người từng đi khám bệnh cho biết mỗi đợt khám “tìm cho ra bệnh” ở BV Ung Bướu kéo dài từ 5 ngày đến nửa tháng. Sau đợt khám tổng quát, các bệnh nhân được kê một loạt các xét nghiệm máu, nội soi, sinh thiết, siêu âm, chụp X-quang... Khi có kết quả xét nghiệm mới được chẩn đoán bệnh, người nào bệnh nặng lại phải tiếp tục làm thêm các xét nghiệm và... chờ đợi. Ông T.N.S (quê Bình Định) rùng mình nhớ lại: “Tụi tôi chạy tới chạy lui cũng đủ bệnh rồi! Nội soi, sinh thiết thì đến Hòa Hảo; khám răng lại quay về BV Răng- Hàm- Mặt... Tôi đi nội soi, sinh thiết ở BV Hòa Hảo đến hai lần. Mỗi lần ống nội soi chọc vào mũi nhức buốt, máu ra liên tục tưởng ngất đi được; phần thì khối u hành hạ, đau đến tê dại. Kết quả sinh thiết khác kết quả chụp CT nên bác sĩ yêu cầu sinh thiết lần nữa, nghe mà tôi bủn rủn, muốn té xỉu!”. Người ở TP rành đường sá còn đỡ, bệnh nhân ở quê lên thì đành phó mặc số phận cho... xe ôm!

Ông V.V.T, ngụ Cái Bè- Tiền Giang, năm nay đã 60 tuổi, bị đau cuống họng nhập viện điều trị ngoại trú. Đi cùng ông là hai người con gái. Ban ngày, ba cha con ông T. tá túc bên hông khu E BV Ung Bướu, tối đến ngủ bên hiên nhà thuốc BV. Chị Kiều, con gái lớn của ông, kể: “Vật vạ như vậy nửa tháng rồi, xét nghiệm gì cũng đã làm nhưng bác sĩ vẫn chưa biết ba tôi bị bệnh gì, điều trị ra sao”.

Không được may mắn như ông T., chị V.T.T.H (quê Đà Nẵng) phải đi khám bệnh một mình. Vào BV Ung Bướu cả tháng nay song chị vẫn chưa được điều trị, những cơn ho xé ngực về đêm chỉ nhờ thuốc giảm đau. Chị H. tâm sự: “Ngủ ngoài hiên BV nên bữa nào trời mưa thì phải đứng đến sáng, mệt kinh khủng!”.

Đụng mặt cò bệnh viện

Tôi vừa đến cổng BV Da liễu TPHCM liền bị 2 thanh niên chặn xe, tỏ ra nhiệt tình: “Khám bệnh hả em? Vào hẻm đằng kia, cách 20 m, bên tay phải, lấy số chờ khám, nhanh lên kẻo hết!”. Tưởng phòng khám nằm ngoài BV, tôi chạy xe vào hẻm, té ra đây là một phòng khám tư mang tên “Bác sĩ N.”. Nhân viên phòng khám đon đả: “Vô BV làm gì, vào đây khám vừa nhanh lại vừa kỹ!”. Tôi từ chối, trở lại cổng BV thì lại gặp 2 thanh niên ban nãy. Một người cố thuyết phục: “Hôm nay thứ sáu, BV chỉ khám BHYT thôi!”. Nghe tôi bảo có thẻ BHYT, anh ta liền văng tục rồi mới chịu bỏ đi. Nhiều người đến BV Da liễu khám bệnh cũng rẽ vào hẻm giống tôi. Một người vừa trở ra, than vãn: “Tôi ở tỉnh lên không biết, tưởng gặp người tốt chỉ đường, ai dè bị lừa đi khám phòng mạch tư”.

Không chỉ BV Da liễu, hầu hết các BV ở TP đều có rất nhiều cò dùng lời ngon ngọt dụ dỗ bệnh nhân đến các phòng khám tư, nhất là người ở tỉnh đến.

Khám dịch vụ cho nhanh (!)

16 giờ. Khu vực siêu âm, chụp X-quang của BV Ung Bướu vẫn đông nghịt người xếp hàng chờ đợi. Tôi hỏi ra mới biết họ khám dịch vụ ngoài giờ và phải chịu 100% chi phí. Một bệnh nhân bộc bạch: “Đành chấp nhận bỏ thêm tiền khám ngoài giờ để có kết quả sớm, hôm sau nộp cho bác sĩ để được chẩn đoán bệnh”.

Khi tôi đến BV Phụ sản Từ Dũ, tình cảnh cũng tương tự. Mới 13 giờ, nhân viên phát số thứ tự báo hết, chỉ tôi ra ngoài khám dịch vụ, chi phí cao gấp đôi. Hầu hết bệnh nhân ở tỉnh đều chấp nhận khám dịch vụ để rút ngắn thời gian chờ đợi.

Theo Thu Sương / Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.