Chị Quý

02/10/2004 22:13 GMT+7

Trong số hơn 10 chị Việt kiều đến dự lễ Quốc khánh 2/9 tại Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập, chỉ có chị là người duy nhất mang tên không kèm tên Tây của chồng như các chị khác.

Chị mang theo một đứa con gái lớn, và cả hai mẹ con khi đến sứ quán cũng hồ hởi chào hỏi, chúc mừng rồi... lẳng lặng xuống bếp "lo công chuyện", y hệt như những người phụ nữ đảm đang của miền Nam mình khi nhà có khách, mặc dù chị có giấy mời trang trọng của sứ quán hẳn hoi! Mẹ con chị đứng lo toan bày biện các đĩa thức ăn, nhắc nhở và chỉ huy số người địa phương mà sứ quán thuê vào phục vụ buổi chiêu đãi gần 200 quan khách, không khác gì những cán bộ nhân viên của cơ quan. Phần vì cả hai mẹ con đều nói thạo tiếng A Rập và cô con gái còn khá giỏi tiếng Anh, phần vì họ rất tự hào khi tự coi mình "là thành viên cộng đồng người Việt Nam đến phụ giúp đại sứ tiếp khách nhân ngày lễ lớn của dân tộc" - chứ không phải đến để làm khách! (Cũng phải ghi chú một chút về tiếng A Rập thường được xếp vào loại ngôn ngữ khó học, khó viết nhất thế giới này! Thứ tiếng này được chia thành hai loại rõ rệt khi học: loại ngôn ngữ bác học được giảng dạy chính thức trong nhà trường, còn loại ngôn ngữ bình dân dùng trong đời thường ở đường phố. Hai loại hầu như... khác nhau rất nhiều, kể từ cách viết, cách đọc và phát âm ! Tại sứ quán cũng có cán bộ từng học tiếng A Rập 4 - 5 năm hẳn hoi, nhưng học tại... Liên Xô cũ (Tashkent, Bacou...), đọc báo thì còn tạm được chứ khi ra phố, ra chợ thì "vừa nói vừa múa mỏi cả tay" mà cứ phải nhắc đi nhắc lại vài ba lần mới được người A Rập hiểu! Hai mẹ con chị thì rất thành thạo loại ngôn ngữ bình dân này, nên đám người địa phương "hơi bị" nể sợ, nghe và làm răm rắp theo lệnh của hai người, không dám hỏi lại câu nào!).

Chị Quý - tên chị - có một cuộc đời khá gian truân, vất vả. Quê chị ở Quảng Nam, vốn dĩ đã là vùng đất nghèo "đất cày lên sỏi đá". Chồng mất sớm khi đứa con trai còn nhỏ xíu, lại ở một vùng bom đạn khốc liệt. Cực chẳng đã, lại trong một hoàn cảnh bó buộc, chị đành lấy một nhân viên họa đồ Hàn Quốc và hai người có với nhau một đứa con gái, đặt tên là Kim. Được một, hai năm gì đó thì quê chị và miền Nam hoàn toàn giải phóng. Anh chồng về nước cùng với đạo quân đánh thuê rút chạy, hứa sẽ thu xếp để đưa hai mẹ con sang xứ Hàn, nhưng rồi... bặt vô âm tín. Chờ đợi một cách vô vọng trong hai năm, sống trong mặc cảm tựa như có lỗi với hàng xóm láng giềng, chị quyết định bế đứa con gái nửa Hàn nửa Việt đó ra nước ngoài, theo sự "bảo lãnh" của mấy người có dây mơ rễ má với những người A Rập theo đạo Hồi (đông nhất là tại Yemen, có hẳn một cộng đồng vài trăm người Việt mình sang theo con đường này). Sang đến Ai Cập, tiếng thì chưa biết, lõm bõm vài câu tiếng Anh học theo kiểu truyền khẩu, chị chấp nhận làm nghề giúp việc nhà (mà ở ta thường gọi là làm Ô-sin), vừa làm vừa nuôi Kim, đứa con gái nhỏ.

Lần hồi trong mấy năm, với đức tính chịu thương chịu khó của một người phụ nữ Việt Nam, chị dành dụm được ít tiền, thuê một cửa hàng nhỏ ở ngoại ô thủ đô Cairo và mở quán ăn. Lúc này, chị Quý và Kim đã khá thành thạo tiếng A Rập, không đến nỗi "vừa nói vừa ra hiệu bằng tay", và Kim được mẹ cho đi học tiếng Anh. Chị trương biển đặt tên quán ăn là "Koreana Restaurant" có lẽ để cho Kim nhớ về gốc gác của bố cháu và cũng vì khi đó, người Việt Nam ở Ai Cập còn quá ít, nhiều người Ai Cập chưa biết được gì mấy về đất nước Việt Nam. Đặt tên như vậy nhưng quán ăn của chị là sự pha trộn giữa ẩm thực Việt Nam với ẩm thực Hàn Quốc, có mì, phở, bánh xèo và có cả kim chi, nộm hoa chuối cộng thêm với các loại rau thơm Việt Nam trồng trong rẻo đất quanh nhà. Có thể vì... lạ miệng, lại thêm bà chủ quán và cô con gái nói thạo tiếng địa phương nên thực khách A Rập đến quán khá đông. Hơn nữa, vì là "người nước ngoài" nên chị xin được phép bán một ít bia, rượu... và những chàng thanh niên địa phương "không lấy gì làm ngoan đạo cho lắm" năng đến đó để được ngồi lai rai chút đỉnh một cách kín đáo! Những khách du lịch châu u, Mỹ... cũng mách nhau đến ăn vì "khác với thức ăn Ai Cập", lại có chỗ xem TV, đánh bi-da, ném phi tiêu vào vòng quay, đánh cờ vua...

Mấy chục năm cam go đã khiến mái tóc chị trở thành bạc trắng. Nay thì chị Quý đã mua hẳn được cái nhà làm quán ăn đó, đã về quê Quảng Nam của chị đôi ba lần, giúp đỡ ít nhiều cho bà con họ hàng ở quê, đón cả vợ chồng đứa con trai sang và xin cho nó vào làm cơ khí ở ngành đường sắt Ai Cập. Cô con gái lai Hàn của bà cũng đã lấy một thanh niên Mỹ và cũng đã có con. Chị đã "lên chức" bà với cháu nội, cháu ngoại ríu rít trong nhà.

Tôi sang nhận công tác ở Ai Cập và sau khi ổn định công việc, tôi cho mời tất cả các chị Việt kiều có mặt ở Cairo đến chơi. Nhiều chị có chồng là người Hoa Kỳ, người Anh (những anh chồng này đã từng ở miền Nam trước năm 1975, sau đó đã về Mỹ, về Anh và nghỉ hưu, nay lại ký hợp đồng sang làm việc dài hạn cho các công ty Mỹ ở Ai Cập). Chị Quý cũng đến cùng với những chị khác, và thái độ ban đầu của mọi người khá e dè, pha cả một chút lo ngại. Tuy nhiên, chúng tôi đón tiếp rất thân tình và không một lời nào nhắc về quá khứ, đối xử hoàn toàn với tính chất "cộng đồng người Việt Nam mình đang ở xa quê hương". Có lẽ vì thế, thái độ của các chị cũng thay đổi, thân tình hơn, vui mừng hơn khi đến "sứ quán của mình", "gặp gỡ anh chị em mình ở ngôi nhà có treo quốc kỳ và quốc huy của mình".

Riêng chị Quý, từ năm đó trở đi, chị rất nhớ ngày Quốc khánh, ngày Tết Nguyên đán và bao giờ cũng giữ đúng phong tục cổ truyền là đến chúc mừng, mang theo cho anh chị em sứ quán một chiếc thủ lợn và một bì rau bắp cải còn tươi nguyên để "góp Tết" ! (Xin nói thêm rằng ở xứ đạo Hồi và sa mạc này, muốn có mấy thứ đó phải tìm đến khu có một cộng đồng Công giáo dòng Coptic mới mua được và phải... bọc cho kỹ để không ai nhìn thấy !). Chúng tôi cũng không dè là chị hỏi thăm để đến sứ quán cả những dịp tang lễ. Chị mặc áo dài đen, mang nhang đến thắp một cách thành kính khi cố Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ, cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh từ trần, mà chúng tôi chỉ kịp báo bằng công hàm cho đoàn ngoại giao chứ chưa kịp báo tin cho các chị.

Dù đã có hàng chục năm công tác ở nhiều nước, tiếp xúc với không ít bà con Việt kiều, nhưng nhiều lúc tôi vẫn như ngỡ ngàng khi phát hiện thêm về sự kỳ diệu của người Việt Nam mình. Một người như chị Quý, hay như các chị lấy chồng Anh, chồng Mỹ đang ở Ai Cập, với một quá khứ như thế, lại thêm bao nhiêu năm nghe toàn những thông tin xuyên tạc về đất nước qua những đài phát thanh thù địch, giả dụ như các chị không đến dự lễ Quốc khánh, không đến "ăn Tết Nguyên đán" ở sứ quán, tôi cũng thông cảm và không lấy gì làm lạ. Vậy mà các chị vẫn "diện" áo dài, khăn vành dây và đi hài để đến dự với một sự tự hào chân thực. Rất nhiều chị còn kéo cả những anh chồng Anh, Mỹ ôm sâm-banh đến "chúc mừng đại sứ quán Vi-xi". Và tôi thực sự xúc động khi thấy chị Quý đến rất sớm, mặc áo dài đen "để thắp nhang cho ông Nguyễn Văn Linh" mà chị từng nghe nói từ khi còn ở Việt Nam. Thì ra khi ở trong nước, sống trong cộng đồng người mình với nhau, hình như ta chưa cảm thấy hết, chưa cảm nhận cụ thể thế nào là tính dân tộc, là nghĩa đồng bào. Ở xa đất nước mới thấm thía hết những điều này - những điều có vẻ trừu tượng nhưng thực ra hết sức cụ thể. Một dịp chúc mừng nhau, lì xì cho trẻ thơ trong ngày Tết Nguyên đán, một buổi tay bắt mặt mừng, cụng ly với nhau trong lễ mừng Quốc khánh... đối với những người mang dòng máu Việt Nam đang ở xa Tổ quốc, những điều đó thiêng liêng lắm, trân trọng lắm. Có dòng sông lớn nào chẳng bắt nguồn từ những con suối nhỏ, và con suối ấy lại bắt nguồn từ những mạch nước li ti. Tình yêu đối với đất nước Việt Nam cũng bắt nguồn từ những điều hết sức cụ thể như vậy. Và người Việt Nam mình, đồng bào Việt Nam mình đang sinh sống và làm ăn xa xứ, ai mà chẳng có những lúc lặng thầm và da diết nhớ về quê hương ?

Nguyễn Lê Bách

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.