Sốt có nguy hiểm?

19/11/2009 10:38 GMT+7

(TNTT>) Có rất nhiều loại bệnh được "mở màn" bằng việc nhiệt độ cơ thể tăng cao, vì thế sốt được xem là triệu chứng bệnh thường gặp nhất. Nếu được xử lý đúng cách, sốt hầu như ít gây hậu quả nghiêm trọng.

Cơ chế chống "ngoại xâm"

Nhiệt độ trung bình của cơ thể là 37°C, khi nhiệt kế vượt qua ngưỡng 38°C có thể xem là khởi điểm của cơn sốt. Hầu hết các bệnh nhiễm khuẩn thông thường đều gây sốt. Sốt chính là cơ chế tự nhiên của cơ thể nhằm chống lại sự tấn công của các vi khuẩn, vi-rút. Vi khuẩn và vi-rút thường giảm khả năng hoạt động và phát triển trong môi trường có nhiệt độ từ 37,8°C trở lên, đồng thời hệ miễn dịch sẽ hoạt động hiệu quả hơn khi cơ thể ở mức 38°C. Vì thế, nếu thỉnh thoảng bạn bị sốt nhẹ những lúc trái gió trở trời, nhiệt độ dao động trong tầm 38-39°C thì đó chính là tín hiệu tốt của hệ miễn dịch.

Các cơn sốt ít khi xuất hiện riêng lẻ, mà thường sẽ đến cùng lúc với những ảnh hưởng từ bệnh như nhức đầu, ê ẩm mình mẩy, rối loạn tiêu hóa khiến toàn thân mỏi mệt. Đây cũng chính là điểm phân biệt giữa sốt với hiện tượng tăng nhiệt độ do hoạt động mạnh (chơi thể thao) hay do ảnh hưởng của môi trường (thời tiết nóng bức, đi quá lâu dưới ánh nắng mặt trời, ăn uống các món cay, nóng…). Ngoài một số trường hợp đặc biệt (bệnh nhân có cơ thể suy yếu sẵn vì các bệnh mãn tính; bệnh nhân vừa trở về từ những chốn "rừng thiêng nước độc" hoặc những nơi đang có dịch bệnh…), đa phần các trường hợp sốt là do cảm cúm thông thường, không gây nguy hiểm và không cần sự can thiệp của bác sĩ.

Tự điều trị

Khi nào cần đi bác sĩ?

Tuy sốt thông thường không gây nguy hiểm nhưng trong một số trường hợp, bạn vẫn cần đến bác sĩ:

- Khi trẻ em dưới 6 tháng tuổi có triệu chứng sốt, phụ huynh cần đưa đến bác sĩ vì ở độ tuổi này dễ có những biến chứng gây hậu quả nghiêm trọng.

- Người lớn sốt trên 40,5°C; trẻ em trên 6 tháng tuổi sốt trên 39°C, đặc biệt khi có hiện tượng co giật.

- Người có tiền căn bệnh nặng như tim mạch, ung thư, AIDS…
- Sốt kèm theo các triệu chứng nghiêm trọng như đớ cổ, mê sảng, khó thở…
- Sốt cao kéo dài hơn 2 giờ (trên 39°C), không thuyên giảm dù đã uống thuốc hạ sốt.

- Sốt (ở tầm 38°C) liên tục không giảm hơn 2 ngày.

Nếu nhiệt kế chưa vượt quá 38,5°C, bạn không cần uống thuốc hạ nhiệt độ vì nhiệt độ tăng lên cần thiết cho việc kháng bệnh.

Trong cơn sốt, hệ tuần hoàn và hệ hô hấp đều tăng cường hoạt động (tim đập nhanh hơn, thở mạnh hơn…), cơ thể sẽ "huy động" tối đa năng lượng để chống lại tác nhân gây bệnh. Hậu quả là bệnh nhân thường cảm thấy uể oải, mệt mỏi đến độ "không nhấc tay lên nổi" nên một trong những điều cần làm khi bị sốt là nghỉ ngơi để cơ thể có thời gian hồi phục.

Khi nhiệt độ cơ thể vượt trên  39°C, bạn cần uống thuốc hạ sốt. Theo báo cáo của Cơ quan an toàn sản phẩm y tế quốc gia Pháp Afssaps, các loại thuốc giúp hạ sốt, giảm đau phổ biến và an toàn nhất (hiếm có hiệu ứng phụ) thuộc nhóm có thành phần chính là paracetamol như Efferalgan, Panadol… Người lớn có thể uống từ 3-4 lần và tối đa là 4gr/ngày (tương đương 8 viên 500mg), với trẻ em trên 6 tháng, phụ huynh cần tính theo cân nặng của bé, mỗi ngày tối đa là 15mg/kg trọng lượng (chẳng hạn bé 10kg thì uống tối đa 150mg), cũng chia ra thành 2, 3 lần uống.

Aspirine cũng có công dụng hạ sốt nhưng loại thuốc này có thể gây chảy máu nội tạng nên trẻ em và những người có tiền căn bệnh dạ dày, máu khó đông hoặc nghi ngờ bị sốt xuất huyết không nên dùng.

Chú ý không thay đổi nhiều loại thuốc khác nhau trong quá trình điều trị.

Bệnh nhân đang trong cơn sốt cần uống nước thật nhiều để bù lại lượng nước bị mất vì đổ mồ hôi. Để giúp thoát nhiệt, làm dịu cơn sốt, bệnh nhân cần được nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát, không trùm chăn mền kín, quần áo phải rộng rãi.

Biện pháp chườm nước đá lên trán cũng nên hạn chế vì hiệu quả không cao mà sẽ gây thêm khó chịu cho bệnh nhân vốn đã "nhừ tử" vì bệnh. Thay vào đó, người nhà có thể dùng khăn xả qua nước ấm lau người cho bệnh nhân nhằm hỗ trợ cho quá trình thoát nhiệt, giảm sốt.

Nguồn: www.doctissimo.fr và  Afssaps

Lan Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.