Phòng chống cháy rừng Bảy Núi

21/03/2013 09:59 GMT+7

Các cánh rừng ở Bảy Núi (An Giang) hiện đang ngả màu, rụng lá và đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.

Ứng trực 24/24

 

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh An Giang đã xảy ra 6 vụ cháy rừng, tập trung tại các huyện Tịnh Biên, Tri Tôn, Thoại Sơn, với diện tích trên 2 ha. Các vụ cháy chủ yếu xảy ra ở lớp thực bì, cỏ, lướt nên không gây thiệt hại đến rừng.

Ông Trần Phú Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang cho biết toàn tỉnh hiện có khoảng 10.500 ha rừng đang báo động cháy, tập trung chủ yếu ở 2 huyện Tri Tôn, Tịnh Biên và TX.Châu Đốc. Trong khi đó, các huyện miền núi lại đang vào tháng cao điểm du lịch, khách hành hương thường xuyên đốt nhang đèn tại các am cốc, miếu mạo nên rất dễ xảy ra cháy rừng. Ngoài ra, trên các con đường nhỏ men theo triền đồi núi, khách hành hương chỉ cần lơ là trong việc hút thuốc hoặc đốt nhang thì lớp thực bì dưới tán rừng sẽ bắt lửa và bốc cháy dữ dội. Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang đã nâng mức báo động cháy rừng lên cấp 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm); đồng thời đề ra hàng loạt phương án, bố trí lực lượng, phương tiện chữa cháy để ứng trực 24/24 tại những khu rừng trọng điểm cháy. Hằng ngày, lãnh đạo ngành phải gọi điện nhắc nhở các hạt, chốt kiểm lâm đóng quân trên địa bàn trọng điểm đóng cửa tất cả các con đường mòn và triển khai nhiều phương án phòng cháy chữa cháy.

Ông Lê Thành Công, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm H.Tịnh Biên cho biết mới đây, Hạt đã phối hợp với Đội Cơ động phòng chống cháy rừng thuộc Chi cục Kiểm lâm đi khảo sát thực tế tại núi Phú Cường, khu vực Latina và núi Cấm. Hiện các khu rừng ở đây cây đã ngả màu và rụng trơ lá; trong khi phía dưới triền núi là địa bàn dân cư sinh sống khá dày đặc, nên khi xảy ra cháy rừng, lực lượng chữa chạy chỉ có thể tiếp cận hiện trường bằng con đường đất mới mở vắt ngang. Tại khu vực núi Sam (TX.Châu Đốc) cũng có khoảng 100 ha diện tích rừng đồi núi, nhiều nơi cây bị úa lá, chết khô. Trạm kiểm lâm núi Sam đã bố trí đến 20 bồn chứa nước để phòng cháy rừng. Trước đó, Hạt Kiểm lâm H.Tịnh Biên cũng bố trí đầy đủ các dụng cụ và phương tiện phòng cháy chữa cháy rừng tại 127 khu vực trọng điểm, dọn đường băng cản lửa dài 42 ha, hợp đồng lao động bảo vệ rừng với 41 người, tham gia trực ở 48 điểm…

Theo phương châm “4 tại chỗ”

Do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu nên thời tiết diễn biến phức tạp, dự báo năm nay mùa khô sẽ đến sớm và kéo dài. Bên cạnh đó, nhiệt độ không khí sẽ tăng cao so với các năm trước, tình trạng thiếu nước, hạn hán diễn ra trên diện rộng... vì thế, khả năng cháy rừng xảy ra rất cao. Theo ông Trần Phú Hòa, nhiệm vụ trọng tâm lâu dài của ngành kiểm lâm là phải quyết tâm phòng cháy tốt, chữa cháy kịp thời theo phương châm “4 tại chỗ”, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra; đồng thời phải thực hiện các biện pháp đồng bộ để kịp thời ngăn chặn, xử lý có hiệu quả những vụ chặt phá rừng, lấn chiếm rừng phòng hộ.

Theo ước tính, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp trong tỉnh An Giang là 16.958 ha; trong đó diện tích đất rừng là 12.458 ha, gồm rừng đồi núi và đồng bằng. Đây được xác định là vùng trọng điểm có khả năng xảy ra cháy cao. Ông Triệu Văn Lực, Cục phó Cục Kiểm lâm Việt Nam đã chỉ đạo các lực lượng kiểm lâm tại 2 huyện Tri Tôn, Tịnh Biên thường xuyên thông tin liên lạc cũng như trực quan sát trên các chòi canh, trang bị thêm các dụng cụ chữa cháy cần thiết. Song song đó, thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền đối với các đối tượng là chủ rừng, người sống gần rừng về ý thức phòng cháy chữa cháy rừng trong mùa khô.

Phòng chống cháy rừng Bảy Núi
Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang kiểm tra dụng cụ, phương tiên chữa cháy rừng tại H.Tri Tôn.

Phòng chống cháy rừng Bảy Núi
Lực lượng kiểm lâm theo dõi diễn biến cháy rừng trong mùa khô

Hồng Ánh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.